05:16 28/05/2015

Chuyện đời thường

Mỗi người chúng ta ai cũng tranh thủ chạy đua với thời gian để làm một hay nhiều việc gì đó cho riêng mình. Nhưng cũng đừng bao giờ quên một công việc rất quan trọng, đó là chăm sóc mẹ cha của mình khi họ đang ở tuổi về chiều.

Nhà tôi và nhà bà Năm chỉ cách nhau một cây cầu bắc ngang con mương nhỏ. Vậy mà có mấy khi tôi sang bên ấy. Đơn giản là gì hàng ngày tôi cứ luôn bận rộn với những công việc của mình, rồi chuyện đưa rước con đi học ngày hai buổi v.v…Dẫu biết rằng cái nghĩa xóm tình làng xưa nay vẫn vậy. Khi có món ngon thì cũng để dành phần bà một chút. Hoặc có việc gì cần thì mới bước sang bên nhà bà.

Cuộc sống có biết bao công việc để lo, để tính. Còn bên kia bà Năm đã già, tóc bà trắng, chân bà run. Bây giờ bà chỉ có việc giữ nhà cho con cháu đi làm. Nhiều khi nhìn sang thấy bà ngồi một mình trên băng ghế đá trước hiên nhà mà thấy cũng tội nghiệp. Chỉ có chiếc gậy ngày ngày làm bạn với bà thôi. Không biết có khi nào bà cảm thấy chán nản với tuổi già của mình không? Cứ đi ra rồi lại đi vào thui thủi một mình. Chỉ buổi trưa và buổi chiều thì trong nhà mới nghe có tiếng trò chuyện của người trong gia đình.

Có hôm thấy bà một tay chống gậy một tay xách cái rổ ra phía sau vườn để hái rau. Có lẽ ở nhà không có việc gì làm nên bà cảm thấy buồn, chứ có ai kêu ai biểu bà làm đâu.

Dạo này tôi thấy bà có vẻ gầy hơn lúc trước. Chắc tại tuổi già nên ăn uống không được ngon miệng. Chính vì vậy mà sức khỏe của bà cũng kém đi.

Một hôm vừa về tới nhà, tôi thấy nhà bà khá đông người. Hỏi ra mới biết bà vừa bị té, cũng may có người đi ngang nhìn thấy rồi bồng bà vô nhà dùm.

Chiều hôm đó tôi nghe người trong nhà của bà cãi vã nhau: “ Tôi đã nói với anh chị rồi, má đã lớn tuổi, anh chị có đi làm thì cũng phải thay phiên nhau mà trông coi má chứ. Có đâu mà cứ lo kiếm tiền rồi bỏ má vậy đó. Có ngày bả té rồi bả chết luôn cho coi”. Người em vừa dứt lời thì người anh liền đáp lại: “Mày giỏi quá. Vậy sao vợ chồng mày không đem má về bển để lo đi. Hứ, chỉ giỏi được cái miệng”. Thấy hai thằng con cãi nhau, bà Năm cũng lên tiếng: “Thôi, hai đứa bây cho tao xin đi, đừng đẩy qua đẩy lại nữa”.

Sáng hôm sau bà được đưa vô bệnh viện vì vết thương bị té bữa trước đau nhức. Nghe tin bà như vậy, trong đầu tôi cứ đặt một câu hỏi: “Không biết bà Năm đang đau vì tuổi già sức yếu hay đau vì cách đối xử của những đứa con mình”.

Mỗi người chúng ta ai cũng tranh thủ chạy đua với thời gian để làm một hay nhiều việc gì đó cho riêng mình. Nhưng cũng đừng bao giờ quên một công việc rất quan trọng, đó là chăm sóc mẹ cha của mình khi họ đang ở tuổi về chiều.Vì không có bất cứ thứ gì quý giá hơn tình cảm thiêng liêng của những đấng sinh thành đã nhọc nhằn dưỡng nuôi ta khôn lớn thành người.



Diễm Ngọc