10:18 09/10/2023

Chuyển đổi số tạo ra không gian phát triển mới

Ngày 9/10/2023, Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) đã tổ chức hội nghị giao ban quản lý nhà nước (QLNN) quý III/2023. Trong đó, Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: "Chuyển đổi số tạo không gian phát triển mới, đồng thời phát triển nền tảng số Việt Nam là vô cùng quan trọng…"

Chú thích ảnh
Quang cảnh hội nghị giao ban quản lý nhà nước Bộ Thông tin và Truyền thông quý III/2023.

Cũng tại Hội nghị, Vụ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã công bố các bản đồ công nghệ ngành TTTT cho 8 lĩnh vực; Trung tâm không gian mạng Viettel (Viettel Cyberspace) giới thiệu việc xây dựng mô hình ngôn ngữ lớn tiếng Việt và ứng dụng trợ lý ảo cho công chức Việt Nam; Công ty Công nghệ ezCloud Toàn Cầu giới thiệu nền tảng Quản trị cho khách sạn từ 0 - 2 sao (vừa và nhỏ); Công ty Rynan Technologies Việt Nam tham luận Chuyển đổi số (CĐS) nông nghiệp với mạng lưới giám sát côn trùng thông minh; FPT Cloud giới thiệu nền tảng cloud cho chính phủ điện tử và chính quyền điện tử.

Kết luận tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, trong thực tế, nhiều doanh nghiệp (DN) lớn thường đi tiên phong, thí điểm công nghệ mới nhưng lại không phổ cập được, dẫn đến lụi tàn. Các DN lớn thường “mắc bệnh” nghiên cứu tốt, thử nghiệm tốt nhưng phổ cập để kiếm tiền lại thất bại. Do đó cần có sự kết hợp với các doanh nghiệp nhỏ (startup) có nhiều ý tưởng sáng tạo.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, dữ liệu giờ đây đã trở thành tài sản, người duy nhất nắm dữ liệu là người làm nền tảng số. Dữ liệu sinh ra do con người sử dụng nền tảng. Các nền tảng số giữ dữ liệu và người làm nền tảng số trở thành người giầu nhất. Nền tảng số Việt Nam thì giàu có thuộc về người Việt Nam. Do đó, phát triển nền tảng số Việt Nam là vô cùng quan trọng.

Chẳng hạn, nếu khoảng 100.000 khách sạn và hộ gia đình sử dụng nền tảng số Việt Nam như ezCloud, dữ liệu sẽ nằm ở Việt Nam. Song, nếu khoảng 60.000 khách sạn, hộ gia đình dùng nền tảng số của nước ngoài, Việt Nam sẽ không sở hữu dữ liệu về du lịch. Nước ngoài sẽ phân tích dữ liệu và cày xới để ra giá trị cho riêng họ.

Bộ trưởng cũng thông tin 4 trợ lý ảo “Make in Viet Nam”, gồm: Trợ lý lập pháp do Tập đoàn CMC thực hiện sẽ phát hiện ra những mâu thuẫn khi làm văn bản pháp luật; Trợ lý cho thẩm phán do Viettel đã thực hiện 2 năm, hiện đang hoàn thiện và nâng cấp. Đây là trợ lý đầu tiên hoạt động hiệu quả; Trợ lý cho cán bộ, công chức thực hiện đúng luật, đúng quy định do Viettel thực hiện; Trợ lý hỗ trợ tư pháp cho người dân do Zalo, VNG thực hiện.

“Đây là 4 trợ lý làm thay đổi căn bản cho các lĩnh vực lập pháp, hành pháp, tư pháp và hỗ trợ người dân. Việt Nam là nước đầu tiên tiếp cận việc triển khai này và các hệ thống này dựa trên các văn bản hữu hạn là các văn bản pháp luật”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết.

Về viễn thông và các nhà mạng, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, hiện nay nhà mạng gần như chỉ thu tiền nhưng chưa nghĩ đến chuyện bảo vệ khách hàng. Tuy nhiên, hiện tại, nhiều thứ trong cuộc sống đều nằm trên đó. Vì thế, nhà mạng viễn thông phải đứng ra nhận trách nhiệm bảo vệ khách hàng ở mức cơ bản. Do đó, đề nghị ra văn bản bảo vệ mức cơ bản khách hàng, từ đó nâng cao thương hiệu nhà mạng và đất nước.

Về hạ tầng viễn thông, Bộ trưởng cho biết mấy năm nay, hạ tầng viễn thông được đầu tư rất ít. VNPT, Viettel trong 2 - 3 năm gần đây hầu không đầu tư nên chất lượng mạng Việt Nam có phần đi xuống, tốc độ không còn như trước.

Chưa có một DN hạ tầng viễn thông lớn nào trên thế giới mà 1 năm đầu tư dưới 15% doanh thu. Trước đây không có cạnh tranh viễn thông, sau đó Viettel ra đời thúc đẩy cạnh tranh. Hiện có ba nhà mạng lớn tạo thế chân kiềng, chưa có thêm nhà mạng mới đủ lớn, nên 3 nhà mạng lớn đứng yên. Theo đó, cần phải có hướng dẫn về đầu tư, thậm chí từ cấp cao, vì hạ tầng viễn thông là hạ tầng quốc gia. Ba nhà mạng lớn đều là Nhà nước sở hữu nên phải đầu tư phát triển và Cục Viễn thông phải đưa ra được những tiêu chuẩn viễn thông cao hơn”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng thông tin.

Bộ trưởng đề nghị ra hướng dẫn (guideline) đầu tư cho mạng viễn thông và giám sát việc đầu tư này hàng năm. Việc đầu tư hạ tầng viễn thông sẽ mang lại lợi ích dài hạn.

Trước kiến nghị của doanh nghiệp về dừng phát hành SIM qua đại lý cần có lộ trình, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng lưu ý, mục tiêu cuối cùng là chống SIM rác và chống SIM rác sẽ mang lại nhiều lợi ích. Do đó, quá trình làm Bộ trường yêu cầu: “Không phân biệt đối xử, các doanh nghiệp viễn thông phải bình đẳng trước pháp luật, đồng thời có lộ trình, các bên cùng có lợi”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chỉ đạo.

Bộ trưởng cũng thông tin hiện nay từ Trung ương đến cơ sở đã cảm nhận chuyển đổi số đã ngấm sâu vào mọi ngõ ngách của đời sống xã hội. Hiện nay mọi người đang đi tìm những giá trị do chuyển đổi số tạo ra.

Đối với lĩnh vực báo chí - truyền thông, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng trong bối cảnh báo chí quá nhiều thông tin tin, với sự xuất hiện của AI, báo chí giờ đây nên tạo ra giá trị tri thức nhiều hơn. Báo chí nên viết những bài phân tích nhiều hơn, dùng AI để chuyển thông tin thành tri thức nhiều hơn.

“Đây là một việc quan trọng. Tại hội nghị Bộ trưởng Thông tin ASEAN 16 (AMRI-16), Việt Nam đã đề xuất nội dung này và đã được các Bộ trưởng Thông tin ASEAN đồng thuận trong tuyên bố Đà Nẵng với tầm nhìn 2030”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng thông tin.

XL/Báo Tin tức