03:23 21/03/2011

Chuyện đời siêu lừa Frank W. Abagnale Jr - Kỳ 2: Chuẩn bị "hành trang" làm phi công dởm

Rời nhà với một quyển séc và 200 USD trong tài khoản ngân hàng, Frank khởi hành đến thành phố New York. Cậu sống tạm với gia đình một người bạn mới quen trên chuyến tàu tới New York.

Rời nhà với một quyển séc và 200 USD trong tài khoản ngân hàng, Frank khởi hành đến thành phố New York. Cậu sống tạm với gia đình một người bạn mới quen trên chuyến tàu tới New York. Không lâu sau, Frank tìm được việc làm tại một công ty văn phòng phẩm nhờ kinh nghiệm từ công việc kinh doanh của cha.

Bộ đồng phục của hãng Pan American.


Kiếm đủ tiền để có một cuộc sống tươm tất khó khăn hơn Frank tưởng, đặc biệt là khi chỉ có tấm bằng tốt nghiệp phổ thông. Lúc này, cậu ta nảy ra một ý tưởng để tăng khoản thu nhập 1,5 USD/giờ của mình. Frank quyết định thay đổi ngày tháng năm sinh trên giấy phép lái xe để làm mình già thêm 10 tuổi. Mánh này xem ra có vẻ đáng tin vì Frank trông chững chạc hơn nhiều so với tuổi, cộng với chiều cao khoảng 1,8 mét và mái tóc ngả màu trước tuổi. Không dừng lại đó, Frank còn khai man về trình độ học vấn vì biết chắc điều đó sẽ góp phần làm tăng thu nhập. Tuy nhiên, Frank nhanh chóng nhận ra rằng dù có nói dối về tuổi và học vấn thì công việc hiện tại cũng chỉ có thể mang lại cho cậu một cuộc sống tằn tiện. Mà Frank lại muốn nhiều hơn thế.

Frank bắt đầu với quyển sổ séc. Thay vì làm việc kiếm sống, Frank bỏ việc và viết hàng trăm tấm séc giả mạo để rút hàng ngàn USD từ ngân hàng. Frank cũng thừa thông minh để hiểu rằng thế nào cảnh sát cùng tìm đến nếu cậu ở nguyên một chỗ. Do đó, Frank liên tục đổi chỗ ở và thay đổi tên.

Đang lúc băn khoăn không biết nên đi đâu và làm gì, Frank lại loé lên một ý tưởng khi nhìn thấy một vài tiếp viên hàng không và phi công vui vẻ bên ngoài khách sạn Commodore ở New York. Frank cho rằng nếu có được một bộ đồng phục phi công thì sẽ không bị ai nghi ngờ khi đi rút séc. Dù sao phi công cũng là một nghề đáng tin và được trọng vọng. Khi thấy khách hàng khoác trên mình bộ đồng phục này, nhân viên thu ngân ở ngân hàng sẽ ít có khả năng nghi ngờ khách hàng lừa tiền.

Lôgô của hãng Pan American.

Từ lúc có ý tưởng "kiệt xuất" trên, Frank vạch ra một kế hoạch hành động tỉ mỉ. Cậu liên lạc với trụ sở hãng hàng không Pan American và thông báo mình bị mất đồng phục khi ở khách sạn tại New York. Nhân viên ở trụ sở không mảy may nghi ngờ và đã hướng dẫn cậu đến công ty chuyên may đồng phục cho hãng ở đại lộ số 5. Ngay hôm đó, Frank đã có trong tay bộ đồng phục phi công của Pan American sau khi khai bừa một số hiệu nhân viên. Vậy là bước đầu đã xuôi.

Để nâng cao độ tin cậy, Frank còn cố gắng kiếm cả thẻ phù hiệu của hãng Pan American. Sau khi kiểm tra danh bạ điện thoại và thực hiện vài cú điện thoại, Frank đã biết công ty 3M chuyên làm thẻ ra vào và thẻ phù hiệu cho một số hãng hàng không, trong đó có Pan American. Cậu đóng vai một nhân viên đi mua thẻ mới cho công ty của mình rồi liên lạc với công ty 3M. Khi gặp nhân viên kinh doanh của 3M, cậu thấy có một mẫu thẻ giống với mẫu của Pan American và yêu cầu 3M làm thử một chiếc thẻ mẫu với tên tuổi, ảnh của mình. Frank giải thích rằng làm như vậy để các nhân viên công ty cậu dễ hình dung về chiếc thẻ mà họ sẽ dùng. Tất nhiên, với lý do hợp lý như vậy, 3M đã làm cho Frank một chiếc thẻ gần giống với thẻ của Pan American, chỉ thiếu mỗi lôgô.

Với đầu óc thông minh như Frank thì vấn đề này quá dễ giải quyết. Cậu mua một chiếc máy bay mô hình của Pan American có dán lôgô hãng. Frank gỡ lôgô ra và cẩn thận dán vào thẻ phù hiệu. Chiếc thẻ hầu như không có một dấu hiệu giả mạo nào.

Cần thêm hai yếu tố nữa để trở thành một phi công Pan American là kiến thức về ngành hàng không và giấy phép của Cục hàng không liên bang Mỹ (FAA). Cậu miệt mài đọc sách thư viện để thu thập tối đa các thông tin về ngành hàng không, phi công và thuật ngữ chuyên ngành. Frank còn giả mạo làm sinh viên đang thực hiện luận án nghiên cứu về phi công và hãng Pan American để tiếp cận với các nhân viên cũng như lãnh đạo của hãng hàng không này. Nhờ đó, cậu có một lượng thông tin khổng lồ, nắm bắt được các quy tắc, chính sách của Pan American, loại máy bay hãng này sử dụng…

Quan trọng hơn cả, Frank biết thông tin về một chế độ đặc cách dành cho một nhân viên hàng không. Theo chế độ này, nhân viên hàng không có thể đi trên chuyến bay của các hãng hàng không khác để thực hiện một nhiệm vụ nào đó. Chi phí do hãng hàng không của nhân viên đó chịu toàn bộ. Thông tin này khiến Frank đặc biệt chú ý. Đóng giả một phi công có nghĩa là cậu có thể đi máy bay miễn phí trên toàn thế giới.

Về giấy phép FAA - một loại giấy phép cần phải trình trên các chuyến bay ra nước ngoài, Frank cũng không mấy khó khăn khi tự mình mày mò làm ra một chiếc trông như thật. Vậy là giờ cậu đã có đầy đủ "hành trang" để đóng giả một phi công Pan American một cách xuất sắc.

Thùy Dương

Đón đọc kỳ 3: Chiêu lừa dưới bộ đồng phục phi công

1