04:09 28/04/2012

Chuyển đổi cơ cấu theo hướng phát triển bền vững

Nếu như sự tăng trưởng của các thành phần kinh tế là biểu tượng cho sự phát triển TP.HCM, các chương trình an sinh xã hội và ổn định kinh tế thị trường là nền tảng góp phần làm cho nền kinh tế thành phố ngày một bền vững hơn, tạo niềm tin và sự đồng thuận cao của người dân.

Nếu như sự tăng trưởng của các thành phần kinh tế là biểu tượng cho sự phát triển TP.HCM, các chương trình an sinh xã hội và ổn định kinh tế thị trường là nền tảng góp phần làm cho nền kinh tế thành phố ngày một bền vững hơn, tạo niềm tin và sự đồng thuận cao của người dân.

Cơ cấu kinh tế TP Hồ Chí Minh đang tăng dần tỷ trọng ngành thương mại, dịch vụ, công nghiệp. Ảnh:Ngọc Hà - TTXVN


Thực tế cho thấy trong những năm gần đây, cơ cấu kinh tế tại thành phố đã có sự chuyển biến theo hướng tăng dần tỷ trọng, giá trị tăng thêm các ngành thương mại, dịch vụ; giảm dần các ngành nông-lâm - ngư nghiệp để dần đưa thành phố trở thành trung tâm thương mại - dịch vụ, công nghiệp công nghệ cao của cả nước. Nội bộ các ngành kinh tế cũng đã có sự chuyển dịch theo hướng tích cực: Tăng tỷ trọng các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ có giá trị gia tăng cao, hàm lượng khoa học - kỹ thuật cao; giảm các ngành nghề thâm dụng lao động, gây ô nhiễm môi trường, dần hình thành các loại hình dịch vụ chất lượng cao.

Ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết: Chương trình hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế của thành phố đã góp phần tích cực, quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của thành phố. Chính nhờ vậy, trong khi tình hình kinh tế thế giới và trong nước gặp nhiều khó khăn song kinh tế thành phố vẫn đạt mức tăng trưởng phù hợp.

Năm 2011, tổng sản phẩm nội địa (GDP) của thành phố đã cán mức hơn 500.000 tỷ đồng (giá thực tế), tăng 10,3% so với năm trước và cao hơn 1,75 lần so với mức tăng trưởng chung của cả nước. Giá trị tăng thêm của khu vực dịch vụ đã chiếm 54,3% GDP, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng GDP và tỷ trọng này đang có xu hướng tăng dần. Khu vực công nghiệp và xây dựng đạt 44,6% GDP, trong đó 4 ngành công nghiệp trọng yếu (cơ khí chế tạo, điện tử - công nghệ thông tin, hóa chất - cao su - nhựa, chế biến tinh lương thực và thực phẩm) chiếm đến 55,9%. Giá trị tăng thêm ở khu vực nông, lâm, thủy sản chỉ chiếm 1,1%, trong nội bộ từng ngành trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản cũng có sự chuyển đổi cơ cấu theo hướng sản xuất cây trồng, vật nuôi có năng suất, giá trị gia tăng cao.

Giải pháp đột phá

Về Chương trình hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế thành phố - một trong 6 giải pháp mang tính đột phá mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ IX đã đề ra, thành phố nỗ lực đưa tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng bình quân của các ngành dịch vụ bình quân 13%/năm trong 5 năm tới. Tập trung phát triển ở 9 nhóm ngành dịch vụ chủ yếu có tiềm năng và là thế mạnh của thành phố, bố trí và hình thành các trung tâm tổng hợp và chuyên ngành về thương mại, dịch vụ, giáo dục, y tế kỹ thuật cao, văn hóa, giải trí… Đây là ngành có tốc độ tăng trưởng cao nhất và chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu kinh tế thành phố.

Trong lĩnh vực công nghiệp, thành phố ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp có hàm lượng khoa học và công nghệ cao, công nghiệp sạch, tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng mới, năng lượng tái tạo, năng suất lao động cao, hàm lượng giá trị gia tăng lớn, các ngành công nghệ sinh học và công nghiệp phục vụ nông nghiệp, nông thôn. Tính đến nay, hạ tầng công nghiệp tại thành phố tương đối hoàn chỉnh với khoảng 86.000 cơ sở sản xuất công nghiệp, 15 khu chế xuất - khu công nghiệp, 1 khu công nghệ cao, 1 công viên phần mềm Quang Trung, 10 cụm công nghiệp…

Về lĩnh vực nông nghiệp, thành phố đặt chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng bình quân 5%/năm, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị hiện đại, hiệu quả, bền vững; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thủy sản theo hướng gắn liền với đặc trưng của một đô thị lớn là nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao, kết hợp xây dựng nông thôn mới.

Hiện nay, thành phố đang tập trung khắc phục những khó khăn tồn tại như: Lạm phát cao đã ảnh hưởng đến sự tăng trưởng kinh tế. Tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại, áp lực tăng giá hàng hóa trong nước cũng làm ảnh hưởng bất lợi đến đời sống người dân, làm giảm sức mua, gây trì trệ nền sản xuất. Các lĩnh vực thương mại dịch vụ và sản xuất công nghiệp đều tăng chậm… Việc triển khai Chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế cũng chưa đồng bộ, một số cơ quan còn triển khai chậm.

Trước mắt, thành phố chú trọng việc hoàn thiện cơ chế chính sách thúc đẩy chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế; tăng cường công tác hỗ trợ doanh nghiệp phát triển; đẩy mạnh chính sách hỗ trợ, khuyến khích nghiên cứu và ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ vào đời sống; tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung và hoàn thiện các loại quy hoạch. Bên cạnh đó tập trung phát triển nguồn nhân lực; chỉ đạo thực hiện Chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp tái cấu trúc để nâng cao lợi thế cạnh tranh; nghiên cứu, đề xuất các cơ chế chính sách nhằm hỗ trợ doanh nghiệp ổn định, phát triển… Thành phố sẽ tập trung các nguồn lực đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đi đầu cả nước trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế từ phát triển theo chiều rộng sang phát triển theo chiều sâu, đảm bảo chất lượng, hiệu quả cao, bền vững.