05:11 05/05/2011

Chuyện của công nhân thôn Bầu

Trong xóm trọ nằm gần cuối một ngõ nhỏ không tên ở thôn Bầu, xã Kim Chung, huyện Đông Anh (Hà Nội) dành cho công nhân, có hai cô gái tên là Trần Thị Tuyền và Nguyễn Thị Hường đang lúi húi dùng chiếc sào gạt bớt quần áo trên dây phơi trước hiên nhà để phơi quần áo cho mình.

Trong xóm trọ nằm gần cuối một ngõ nhỏ không tên ở thôn Bầu, xã Kim Chung, huyện Đông Anh (Hà Nội) dành cho công nhân, có hai cô gái tên là Trần Thị Tuyền và Nguyễn Thị Hường đang lúi húi dùng chiếc sào gạt bớt quần áo trên dây phơi trước hiên nhà để phơi quần áo cho mình. Hai cô gái sinh năm 1986, đã trải qua 4 năm làm công nhân Công ty Panasonic tại khu công nghiệp Bắc Thăng Long.

Khu nhà trọ công nhân thôn Bầu. Ảnh: Mạnh Minh


Phòng trọ của hai cô gái trẻ kê một chiếc giường khổ tầm mét rưỡi (thực ra là ghép bằng những tấm ván) hễ ngồi lên là bị võng xuống. Xung quanh tường dán những tấm hình các cô người mẫu ăn mặc rất thời trang. Nhưng trên chiếc dây phơi quần áo trong nhà và ngoài hiên của dãy nhà trọ, chỉ thấy những chiếc áo, chiếc quần đã sờn. Chiếc tủ vải nhỏ đứng khiêm tốn cuối phòng trọ đã được 4 năm. Góc nội trợ của hai cô gái trẻ có một giàn úp bát đũa với lèo tèo vài cái bát, đĩa, một nồi cơm điện, một nồi nấu canh, một cái chảo. Trên tường treo một chiếc gương bé xíu.

Hường quê ở Vĩnh Phúc. Bạn cùng phòng cô, quê ở Hương Sơn (Hà Tĩnh). So với Tuyền, hoàn cảnh của Hường khó khăn hơn vì nhà xa hơn và bố mẹ cũng không có điều kiện kinh tế bằng.

Sau bốn năm đi làm, mức lương của Hường đã nhích lên được từ 1,1 triệu đồng/tháng, đến nay là 2,7 triệu đồng/tháng. Giá cả mọi mặt hàng đều tăng lên khiến đồng lương dù đã tăng cũng trở nên eo hẹp. Trong câu chuyện, hai cô gái kể đã lâu rồi cũng không nghĩ đến chuyện mua sắm thêm quần áo. Bữa cơm của hai cô công nhân trẻ tuổi đơn sơ. Một ngày đã được một bữa ăn của công ty không mất tiền nên mỗi tháng, Hường và Tuyền, mỗi người chỉ tốn 500.000 đồng tiền ăn. Các khoản phí tiền nhà trọ, tiền điện, tiền nước cũng tăng cho kịp các loại hàng hóa ngoài chợ. Gian phòng trọ tầm mười lăm, mười sáu mét vuông, hễ trời mưa lớn là nước ngập vào gầm giường, cũng tăng giá. Năm ngoái mới 350.000 đồng/tháng, năm nay lên thành 400.000 đồng. Tiền điện hiện nay là 3.000 đồng một kWh và mỗi tháng “tiết kiệm lắm, bọn em cũng đã dùng mất 40.000 đồng tiền điện đấy chị ạ”.
Tuyền thì có xe máy, bố mẹ mua cho. Còn Hường, phương tiện đi lại suốt 4 năm nay là chiếc xe đạp cà khổ đã bắt đầu hoen rỉ dựng sát tường, dưới dây phơi quần áo. Nhắm nhứ muốn mua một chiếc xe máy để đi đã không biết bao lâu đến nay vẫn chưa làm được. Với tình hình giá cả đắt đỏ hiện nay, ăn uống cũng phải chắt bóp hơn, Hường thở dài, không biết bao giờ mới có ngày tích cóp đủ tiền mua nổi chiếc xe máy để đi.

Xóm trọ nơi Hường, Tuyền ở có khoảng 20 gian phòng trọ như thế, hơn nửa số đó là những thanh niên chưa lập gia đình. Chuyện của Hường, Tuyền cũng là tình cảnh chung của những công nhân đang sống tại xóm trọ khác ở thôn Bầu - vốn được ví là làng công nhân.

Rõ ràng, việc chia khó cùng công nhân chưa được thực hiện đều khắp nên đã nảy sinh thực tế có nơi thì quan tâm; nơi thì thờ ơ nên đời sống của người lao động ở những nơi này còn nhiều chật vật. Nên chăng, trong tháng công nhân, chính quyền các địa phương, các doanh nghiệp cần quan tâm hơn nữa đến đời sống của người lao động bằng những hành động thiết thực giúp cải thiện đời sống vật chất cũng như tinh thần của công nhân. Cụ thể, tổ chức công đoàn trong các doanh nghiệp kêu gọi các chủ nhà trọ không tăng tiền thuê nhà đối với đối tượng là công nhân - phong trào này đang được triển khai rất hiệu quả tại các tỉnh phía Nam; doanh nghiệp phối hợp với các nhãn hàng đưa hàng hóa đảm bảo chất lượng về các KCN bán cho người lao động... Sự quan tâm thiết thực này không chỉ là nguồn động viên to lớn đối với người lao động, giúp họ cải thiện đời sống, yên tâm làm việc mà còn gián tiếp giúp hoạt động sản xuất của doanh nghiệp ổn định.

Mạnh Minh thực hiện