03:22 22/03/2012

Chuyện chị Súa ở Sàn Phàng Cao

Từ chỗ nứa lá đơn sơ ở tạm, vất vả khai hoang đất làm nương, ruộng, do chăm chỉ chịu thương, chịu khó học cách làm kinh tế, gia đình chị dần vươn lên thoát nghèo...Chị là tấm gương cho chị em ở bản, ở xã noi theo…

Chị Súa (người dân tộc Mông) về làm dâu nhà họ Cứ nhưng nhà chồng nghèo, chồng lại đông anh em, nên với hai bàn tay trắng vợ chồng Súa ra ở riêng trong hoàn cảnh thiếu thốn đủ đường. Từ chỗ nứa lá đơn sơ ở tạm, vất vả khai hoang đất làm nương, ruộng, do chăm chỉ chịu thương, chịu khó học cách làm kinh tế, gia đình chị dần vươn lên thoát nghèo. Là cán bộ phụ nữ xã, chị Súa luôn gần gũi, động viên giúp đỡ cả vật chất lẫn tinh thần cho mọi người. Chị là tấm gương cho chị em ở bản, ở xã noi theo…

Bản Sàn Phàng Cao là bản của người Mông thuộc xã Khun Há, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu nằm trên lưng chừng núi. Trước năm 2002, bản còn nghèo đói lắm, ruộng ít, năng suất lại thấp nên thường phải ăn sắn, ăn ngô. Từ khi có Quyết định 186 của Chính phủ về hỗ trợ người dân khai hoang ruộng bậc thang và nương có bờ, bà con được hỗ trợ về giống, phân bón, kỹ thuật và kinh phí. Các hộ gia đình hăng hái, tích cực khai hoang mở rộng diện tích, áp dụng kỹ thuật, đưa giống mới vào trồng nên năng suất đạt được rất cao, đời sống của bà con cũng dần ổn định. Đời sống của đồng bào đã khá lên nhiều.

Học chữ để biết làm giàu…

Gia đình chị Súa có năm chị em gái, nhưng đều không được đi học, cái ăn còn không đủ, nghĩ gì đến việc học chữ. Lấy chồng năm 1987, chồng cũng mù chữ giống mình. Ba năm chồng về ở rể nhà mình, tiếp bốn năm Súa về lam lũ cùng gia đình chồng, ra ở riêng chỉ được chia 6 thửa ruộng rộng bằng chiếc giường ngủ của hai người. Bố mẹ vợ thấy khó khăn nên cho vợ chồng Súa một con trâu để cày, một con lợn để nuôi, một con chó để canh nhà. Ấy thế mà con chó ấy biến thành con nghé, con nghé lại thành con trâu. Con vật nuôi cũng thương chủ nghèo mà sinh đàn, đẻ lũ. Chuyện mới nghe ai mà tin được. Chị Súa giải thích: Có con chó, người trong bản thích con chó khôn nên đến xin đổi con nghé lấy con chó nhà chị. Hai vợ chồng chăm sóc con nghé lớn lên thành con trâu biết đi cày ruộng; bố mẹ cho một con lợn giống, qua bàn tay chăm sóc của chị Súa nó đã sinh sản thành một đàn lợn con...

Chị Súa (bên phải) trao đổi kinh nghiệm với chị em phụ nữ các xã tại Hội nghị chị em làm kinh tế giỏi của huyện.

Đến năm 1998, vợ chồng chị đã sinh được 5 người con, khi có thầy giáo về bản mở lớp xóa mù chữ, Lù Thị Súa nói với chồng: “Hai đứa mình không biết chữ thì làm sao biết làm kinh tế, nghèo thì khổ lắm chồng à”! Thấy vợ nói lọt lỗ tai, Cứ A Dê, gật gù đồng ý. Ba đứa con lớn tự đi học ở trường, đứa con thứ tư thì chồng địu trên lưng, đứa út thì vợ bế trên tay. Vợ mỏi thì chuyển sang chồng. Vậy là bố đi học, con đi học, mẹ cũng đi học, cả nhà Súa đều dắt tay nhau đi học. Thế mà hai vợ chồng theo học được hết lớp 5. Kể đến đây, vợ chồng chị Lù Thị Súa đỏ mặt cười. Anh Cứ A Dê ngoảnh sang vợ nói: “Vợ mình học chăm lắm, cái gì không biết là nó hỏi thầy giáo ngay. Cả lớp có 30 người, đến lớp 5 chỉ còn lại vợ chồng mình và một vài người. Bây giờ cô ấy biết tính toán, biết đọc viết thành thạo rồi đấy”.

Biết chữ sáng cái dạ, hai vợ chồng chị Súa bàn nhau xây chuồng mở rộng chăn nuôi, đưa giống lúa mới vào trồng nên cũng khá dần lên. Trước đây tất cả các hộ trong bản trồng giống cũ nên sản lượng thấp, nhà chị Súa có 2 ha đất trồng lúa chỉ thu được 30 bao thóc. Đến năm 2006, Nhà nước hỗ trợ giống lúa tạp giao 838, năng suất cao hơn, cộng với chế độ chăm sóc tốt nên 2 ha ruộng của chị Súa thu được gần 70 bao thóc. Sau này dân bản theo hướng dẫn của cán bộ nông nghiệp huyện đưa giống lúa Nghi Thương và Thừa Hương vào trồng, phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng nên cho năng suất cao hơn các giống trước, mỗi năm nhà chị Súa thu được hơn 100 bao thóc. Trước đó, năm 2004, chị Lù Thị Súa nghe nói người dân ở Sa Pa (Lào Cai) trồng cây thảo quả có giá trị kinh tế cao nên nhiều gia đình đã giàu lên, thế là chị gửi anh em mua giống thảo quả về trồng thử khoảng 0,5 ha và mỗi năm trồng thêm một ít. Đến nay đã có 1,5 ha thảo quả cho thu hoạch đồng loạt, thu về trên 100 triệu đồng. Gia đình chị Súa còn có hơn 2 sào nương để trồng ngô, mỗi năm thu được 30 bao dùng để chăn nuôi. Trong chuồng hiện có 10 con trâu, 2 con lợn nái và 15 con lợn thịt, gần 40 con gà. Có tiền từ bán thảo quả, vợ chồng chị Súa làm lại nhà mới 3 gian khang trang, có đầy đủ tiện nghi…

Anh Dê và chị Súa đều có chung một suy nghĩ phải động viên con cái đi học để biết chữ, dù không đi học ngành nghề thì cũng phải tính toán được. Nghe lời bố mẹ, các con ngoan ngoãn chăm chỉ học tập và làm kinh tế. Cứ A Páo (21 tuổi) hiện đang học năm thứ hai khoa Sư phạm Tiểu học, trường Cao đẳng Cộng đồng tỉnh Lai Châu; con gái thứ hai Cứ Thị Dua (20 tuổi) đã lấy chồng ở bản Chu Va 8 (xã Sơn Bình) cũng tham gia công tác phụ nữ xã; con trai thứ 3 học hết lớp 9 thì đi bộ đội và sắp hoàn thành nghĩa vụ; con trai thứ 4 học hết lớp 9 ở nhà làm kinh tế phụ giúp bố mẹ; còn đứa con út Cứ Thị Ca (16 tuổi) đang học lớp 8.

Năng nổ với phong trào…

Dù đông con, gia đình còn khó khăn, nhưng chị Lù Thị Súa vẫn tham gia công tác phụ nữ của bản. Khi học đến lớp 3, chị Súa được tín nhiệm bầu làm Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Khun Há. Vừa đi học và làm kinh tế gia đình, chị Lù Thị Súa vẫn luôn tích cực với phong trào xã hội. Học hết lớp 5, lúc này chị Súa đã 30 tuổi và được bầu giữ chức Chủ tịch Hội Phụ nữ xã (năm 2004). Là người đại diện cho tiếng nói và quyền lợi của chị em phụ nữ xã, chị Lù Thị Súa thường xuyên vận động chị em tham gia phong trào Hội phụ nữ và giúp mọi người phát triển kinh tế, xây dựng nếp sống văn hóa nơi thôn bản. Năm 2008, chị Lù Thị Súa được kết nạp vào Đảng, vinh dự nhưng trách nhiệm lại nặng nề hơn. Ý thức được vai trò đó, chị Lù Thị Súa luôn đi đầu trong công tác vận động chị em thực hiện kế hoạch hóa gia đình, vừa đảm bảo sức khỏe, vừa có điều kiện để làm kinh tế vươn lên lo cho con cái ăn học. Chị Súa kể, để vận động được chị em sinh đẻ có kế hoạch nên mình xuống bệnh viện huyện để đặt vòng đầu tiên, về nhà mình tuyên truyền chị em đi đặt vòng, thấy mình béo khỏe mà không sợ lỡ kế hoạch nên nhiều người cũng làm theo. Ngoài ra, chị cùng chị em về các gia đình để vận động con em trong bản nhập ngũ. Chị Súa nói với các phụ huynh rằng cho con mình đi bộ đội, để cho con trưởng thành và đóng góp cho Tổ quốc... Chị em hội viên ốm đau, hoàn cảnh, chị Súa đều đến hỏi han, động viên, tặng quà và giúp vay vốn ngân hàng làm kinh tế vươn lên thoát nghèo.

Năm 2009, chị Súa còn cho chị em mượn lợn nái nhà mình về nuôi. Sau khi lợn đẻ thì gia đình giữ lại lợn con nuôi làm giống, còn con lợn mẹ tiếp tục chuyển sang cho gia đình khó khăn khác nuôi. Gia đình bác Lù A Sử, 50 tuổi là hộ nghèo được mượn giống lợn của vợ chồng chị Súa nuôi, sau một năm lợn đẻ được 9 con và nay nhà bác đã có cả một đàn lợn trong chuồng. Khi được hỏi “Chị Súa đã tham gia lớp học tập, quán triệt tư tưởng, đạo đức của Cụ Hồ Chí Minh ở huyện, ở xã, chị nghĩ thế nào?”. Không cần nghĩ lâu, chị xúc động nói: “Tôi học được ít chữ nên không hiểu nhiều, tôi chỉ nghĩ Cụ Hồ như ông, như cha của dân tộc Việt Nam mình. Người ông, người cha nào cũng làm tất cả, cũng mong cho con cháu mình có cơm ăn, có áo mặc và được học hành. Người ông, người cha nào cũng dạy con cháu mình phải cần cù, chăm chỉ lao động làm việc và phải biết sống đoàn kết, thương yêu nhau… Mình phải vì mọi người, vì cộng đồng rồi mọi người sẽ vì mình, thế mới tạo nên sức mạnh mà vượt qua khó khăn để phát triển được. Chị còn cho biết, những hiểu biết về Cụ Hồ chị cũng nói trong các buổi sinh hoạt cho chị em phụ nữ ở bản, ở xã nghe. Ai cũng cảm động lắm. Trong các buổi sinh hoạt này chị còn khéo léo vận động, tâm sự để chị em hội viên chấp hành chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, không nghe, không tin và không làm theo người xấu. Chị Súa có suy nghĩ, ngoài việc gần gũi, quan tâm tới chị em phụ nữ thì mình cũng cần phải cố gắng làm kinh tế giỏi và sống gương mẫu thì mới thuyết phục và làm gương cho mọi người.

Hoàng Việt