11:06 01/11/2014

Chuyện cấm xe máy ở Quảng Châu (Kì cuối)

Ngày 1/1/2007, chính quyền thành phố Quảng Châu (Trung Quốc) đã ban hành lệnh cấm toàn bộ xe máy tham gia giao thông ở thành phố này sau 15 năm ấp ủ.

Để giải quyết vấn nạn ùn tắc giao thông, giảm ô nhiễm môi trường, tăng cường an ninh trật tự, điển hình là giảm số vụ sử dụng xe máy làm phương tiện để cướp giật, ngày 1/1/2007, chính quyền thành phố Quảng Châu (Trung Quốc) đã ban hành lệnh cấm toàn bộ xe máy tham gia giao thông ở thành phố này sau 15 năm ấp ủ.

Xe buýt ở Quảng Châu.



Cần có giải pháp đồng bộ

Sau khi ban hành lệnh cấm xe máy, chính quyền thành phố Quảng Châu lại đứng trước một vấn đề nan giải mới - việc làm cho những người lái “xe ôm”. Vì sự nhanh gọn và thuận tiện, nên lực lượng này đã trở thành một phần quan trọng trong giao thông ở Quảng Châu. Theo thống kê, ở Quảng Châu có khoảng 100.000 người làm nghề lái “xe ôm”. Chính quyền thành phố đã đưa ra một số giải pháp để tạo công ăn việc làm cho họ. Tuy nhiên, đa số những người làm nghề này không có chuyên môn, lại cũng đã quá tuổi tuyển dụng nên tại buổi tuyển dụng đầu tiên nhằm hỗ trợ những người có nghề nghiệp bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm xe máy được tổ chức ở Quảng Châu chỉ có một người lái “xe ôm” đến dự tuyển. Ngoài những người làm nghề “xe ôm”, những người sống bằng nghề sửa chữa xe máy và bán phụ tùng xe máy cũng bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm này.

Theo kết quả cuộc khảo sát 831 người dân năm 2004, 3 năm trước khi Quảng Châu thực hiện lệnh cấm, có tới 60% số người được hỏi tán thành việc cấm xe máy một cách có kế hoạch, tuy nhiên lại không lạc quan về tác dụng của việc cấm xe máy với giải quyết vấn đề tắc nghẽn giao thông; 8,9% cho rằng “sẽ xuất hiện vấn đề mới, thậm chí còn tồi tệ hơn”.

Sau 15 năm lên kế hoạch, Quảng Châu mới thực hiện lệnh cấm xe máy toàn diện và trong “Thông cáo về tăng cường quản lý xe của người tàn tật và xe máy” ban hành năm 2011, cũng quy định rõ các trạm xăng dầu của thành phố không bán xăng dầu cho những người đi xe máy, nhưng tại sao sau 7 năm thực hiện, bóng dáng xe máy vẫn xuất hiện trên đường phố.

Theo truyền thông địa phương, đó là do nhu cầu của thị trường. Ở Quảng Châu, có những khu vực, độ che phủ của các phương tiện giao thông công cộng và tàu điện ngầm chưa kín, trong khi xe taxi lại tương đối ít, giá cả cũng không hề rẻ, và thế là “có cầu ắt có cung”, những người làm nghề “xe ôm” lại đảm nhận một phần việc của các phương tiện giao thông công cộng. Tuy nhiên, để hành nghề trong điều kiện “ngặt nghèo”, họ đã phải “tự trang bị” cho mình một số kỹ năng để có thể sinh tồn. Ngoài tránh những đoạn đường hay bị cảnh sát giao thông kiểm tra, họ còn phải học một số kỹ năng “chiến tranh du kích” và chơi trò “mèo đuổi chuột” với lực lượng chức năng, theo kiểu “có người kiểm tra thì chạy, không kiểm tra thì tiếp tục chở khách”.

Đến năm 2012, 5 năm sau quy định cấm xe máy, mặc dù không còn phát triển trước đây, nhưng vẫn có hàng nghìn người dựa vào nghề lái “xe ôm” để sống mặc dù đây bị coi là hành vi phạm pháp. Mức phạt đối với hành vi này tương đối thấp, cộng thêm việc khó giám sát việc thực hiện quy định này của lực lượng chức năng là những “kẽ hở” để nghề này tiếp tục tồn tại.

Ngoài ra, do nhu cầu đi lại của cuộc sống, nên sau khi thành phố thực hiện lệnh cấm xe máy, người dân đã chuyển sang sử dụng xe đạp, nhất là xe đạp điện. Chính vì thế, áp lực đối với hạ tầng giao thông thành phố vẫn nặng nề, chưa kể đến hiệu quả giảm tai nạn giao thông cũng không cao khi lượng xe đạp sau vài ngày ban hành lệnh cấm xe máy đã tăng ít nhất gấp đôi so với trước đó.

Từ mô hình cấm xe máy ở thành phố Quảng Châu, Trung Quốc có thể thấy để lệnh cấm xe máy đạt hiệu quả như mong muốn, chính quyền cần phải có các giải pháp đồng bộ từ việc ban hành quy định, giám sát thực hiện, quy định xử phạt... cũng như phải cải thiện và nâng cao chất lượng phục vụ của hệ thống giao thông công cộng. Chỉ đến khi hệ thống giao thông công cộng hoàn thiện, đáp ứng đầy đủ nhu cầu đi lại của người dân, thì quy định cấm xe máy mới được chấp hành nghiêm. Khi các phương tiện giao thông công cộng còn thiếu và kém, nếu có ban hành lệnh cấm xe máy, họ cũng sẽ chuyển sang sử dụng phương tiện khác là xe đạp, đặc biệt là xe đạp điện, như vậy, mật độ xe cộ tham gia giao thông vẫn không hề giảm, trong khi năng lực sản xuất các loại phương tiện này của các doanh nghiệp trong nước còn hạn chế và tất yếu sẽ làm nảy sinh nhu cầu nhập khẩu từ nước ngoài, trong đó có Trung Quốc. Đây chính là “bài toán nan giải” khi thực hiện “lệnh cấm xe máy”.


Hải Yến (P/v TTXVN tại Trung Quốc)