10:23 06/10/2011

Chuyện báo miễn phí ở Hồng Công

Buổi sáng ở Hồng Công (Trung Quốc), tại những góc phố gần các tòa nhà văn phòng, dưới chân các cây cầu đi bộ hay cạnh ga tàu điện ngầm, người ta thường thấy hàng chồng cao báo miễn phí.

Buổi sáng ở Hồng Công (Trung Quốc), tại những góc phố gần các tòa nhà văn phòng, dưới chân các cây cầu đi bộ hay cạnh ga tàu điện ngầm, người ta thường thấy hàng chồng cao báo miễn phí. Chỉ cần đi ngang qua, chìa tay, bạn không những có trong tay tờ báo dày cộp, mà có thể nở mặt vì còn được cảm ơn hay nhận một câu chúc tốt lành.

Một điểm phát báo miễn phí gần Quảng trường Thời đại ở Hồng Công.


Theo kết quả điều tra đăng trên tờ Sharp Daily số ra mới đây, có tới 86% trong số 300 người được hỏi trả lời rằng họ có thói quen lấy báo miễn phí mỗi ngày và khoảng 60% cho biết hàng ngày đọc ít nhất hai tờ báo. Quả thật, người dân Hồng Công rất ham mê đọc báo. Đến đặc khu hành chính này của Trung Quốc, bạn có thể thấy người dân nơi đây đọc báo ở bất cứ đâu, trong công viên, lúc đứng chờ xe buýt, thậm chí là vừa đi vừa đọc. Chính vì thế, Hồng Công được nhiều người coi là thiên đường của báo chí.

Cách nói này không hề thậm xưng. Bởi dân số Hồng Công hiện nay chỉ khoảng 7,1 triệu người, nhưng ở đây có tới 48 tờ báo ngày, gồm 23 tờ tiếng Trung, 13 tờ tiếng Anh, 7 tờ song ngữ, 5 tờ tiếng Nhật cùng 642 tạp chí định kỳ. Hàng ngày, chỉ tính riêng số báo miễn phí, lượng phát hành đã lên tới 3 triệu bản. Tuy nhiên, những tờ báo bán thu tiền như Văn hối, Bình quả, Đông phương Buổi sáng, Thái Dương, Đại công báo, Minh báo, Thương báo hay Tín báo vẫn bán chạy kể cả trong trường hợp tăng giá như tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng.

Người Hồng Công rất ham đọc báo.


Báo chí Hồng Công “sống khỏe” ngoài việc nhờ có những người dân ham mê đọc báo còn được trợ lực bởi một lượng quảng cáo rất lớn. Ngày thường, những tờ báo lớn ở Hồng Công có từ 10-20 trang quảng cáo, vào cuối tuần, đặc biệt là thứ 6, con số này có thể lên tới hàng chục. Ví dụ, trong số ra vào thứ 6, ngày 30/9/2011, đếm sơ sơ tờ Thái Dương có tới 50 trang quảng cáo toàn phần, đó là chưa tính tới những mẩu quảng cáo nhỏ hoặc bài PR. Quảng cáo cũng chính là nguồn nuôi sống những tờ báo miễn phí ở Hồng Công.

Ngày 19/9 vừa qua, làng báo miễn phí ở Hồng Công đón nhận thành viên thứ sáu là tờ Sharp Daily với lượng phát hành mỗi ngày là 800.000 bản và hướng đến mục tiêu 1 triệu bản/ngày. Trước đó hơn một tháng, một tờ báo miễn phí khác là Sky Post cũng ra đời, tới nay đạt lượng phát hành trên 500.000 bản. Sự xuất hiện của Sky Post và Sharp Daily đã khiến cho cuộc cạnh tranh giữa những tờ báo miễn phí trở nên khốc liệt hơn.

Theo nhà khoa học chính trị James Sung Lap-kung, ảnh hưởng đối với Headline Daily của Tập đoàn Báo chí Tinh Đảo có thể bị hạn chế bởi tờ báo này có hướng đi riêng vào lĩnh vực bất động sản. Trên thực tế, điều tra của Synovate Media Atlas cũng cho thấy, Headline Daily hiện là tờ báo miễn phí có lượng độc giả lớn nhất, đang đạt tới mức kỉ lục mới gần 1,7 triệu người và hơn 660.000 người trong số đó là các nhà đầu tư thị trường. The Standard, tờ báo miễn phí bằng tiếng Anh duy nhất hiện nay và Metro Daily cũng có thể giảm thiểu được ảnh hưởng nhờ những lợi thế riêng.

Nhưng đối với tờ am730 của Tập đoàn Centaline Property, tương lai xem ra khá ảm đạm. Tờ am730 phụ thuộc vào hoạt động in ấn của Next Media, tập đoàn sản sinh ra tờ Sharp Daily. Mới đây, Next Media thông báo rằng họ sẽ chỉ cho am730 in 400.000 bản mỗi ngày với tối đa là 64 trang. Điều đó có nghĩa, am730 sẽ không thể nhận thêm quảng cáo kể cả trong trường hợp có đối tác sẵn sàng mua chỗ trống, nhất là vào cuối tuần khi tờ báo này có thể đạt từ 80 đến 100 trang.

Rốt cuộc, theo chính ông chủ của tờ am730, nội dung sẽ quyết định ai là người chiến thắng. Thực tế cũng cho thấy, ngay sau khi ra mắt, tờ Sharp Daily đã vấp phải sự phản đối của không ít người. Trong vòng 5 ngày kể từ khi tờ Sharp Daily xuất hiện, Cục Quản lý Điện ảnh và Hoạt động Giải trí Hồng Công đã nhận được 128 thông tin khiếu nại, cho rằng Sharp Daily chứa đựng nhiều nội dung bất nhã, dâm dật và bạo lực. Lượng phát hành của tờ Sharp Daily lập tức giảm mạnh, vào ngày 25/9, dù có đua ngựa (môn thể thao được nhiều người Hồng Công theo dõi), nhưng chỉ phát hành được 308.000 bản.

Một nhân tố khác mới phát sinh cũng đặt các tờ báo miễn phí ở Hồng Công trước áp lực lớn, đó là sự phản đối của các tổ chức bảo vệ môi trường. Theo tính toán của ông Quách Gia Kỳ, bác sĩ ngoại khoa, đồng thời là nhà hoạt động chính trị ở Hồng Công, chỉ tính riêng 5 tờ báo tiếng Trung miễn phí mỗi ngày đã tiêu tốn 440 tấn giấy. Điều đó có nghĩa, để đáp ứng lượng giấy in chúng trong một tuần, người ta phải đốn hạ 37.000 cây gỗ. Đó là chưa kể đến việc không phải ai lấy báo miễn phí cũng để đọc, có người chỉ xếp hàng lấy báo để bán giấy vụn. Vì vậy, không loại trừ khả năng báo miễn phí sẽ góp phần hình thành “thói quen miễn phí”, “sống nhờ”. Rốt cuộc, báo miễn phí có lợi hay hại, câu trả lời nằm ở cả người sản sinh ra nó và ý thức của người cầm nó trên tay.

Bài và ảnh: Hà Ngọc (P/v TTXVN tại Hồng Công)