12:14 12/12/2014

Chương trình tra tấn 'ngốn' của CIA 300 triệu USD

Theo báo cáo của Ủy ban tình báo Thượng viện Mỹ, chương trình giam giữ và thẩm vấn tù nhân đã ngốn mất hơn 300 triệu USD trong ngân sách của Cơ quan tình báo trung ương Hoa Kỳ (CIA). Phần lớn số tiền này dùng để trả cho hai công ty nghĩ ra các hình thức tra tấn.

Theo báo cáo của Ủy ban tình báo Thượng viện Mỹ, chương trình giam giữ và thẩm vấn đã ngốn mất hơn 300 triệu USD trong ngân sách của Cơ quan tình báo trung ương Hoa Kỳ (CIA).

Nhiều nghi phạm khủng bố đã phải chịu những hình thức tra tấn dã man trong các nhà tù bí mật của CIA. Ảnh: Reuters.


Phần lớn số tiền này được dùng để trả cho công ty đã nghĩ ra các hình thức tra tấn. Người sáng lập công ty - Grayson Swigert và Hammond Dunbar– 2 cựu nhân viên của lực lượng không quân Hoa Kỳ  - đóng vai trò chủ chốt trong việc triển khai, đánh giá, thẩm định và quản lí chương trình giam giữu và tra tấn của CIA.


Theo báo cáo của Thượng viện: “Cả hai nhà tâm lí này đều không trực tiếp là người thẩm vấn cũng như không có kiến thức chuyên sâu về tổ chức khủng bố al-Qaeda. Tuy nhiên, họ là người nghĩ ra các biện pháp tra tấn và theo dõi tiến trình hoạt động cũng như hiệu quả của những màn tra tấn đó”. Họ là người đánh giá liệu rằng trạng thái tinh thần của nghi phạm bị thẩm vấn có thể chịu đựng được những chiêu thức đó hay không.


Trong năm 2005, họ đã thành lập một công ty với mục đích duy nhất là tiếp tục nghĩ ra các biện pháp tra tấn phục vụ cho các cuộc thẩm vấn của CIA. Cơ quan tình báo CIA đã ký kết hợp đồng kéo dài trong nhiều năm trị giá 180 triệu USD với công ty này, bảo vệ công ty khỏi dính vào các trách nhiệm pháp lý vì tính chất công việc, và chi trả khoản tiền lương 81 triệu USD cho nhân viên trước khi hai bên chấm dứt hợp đồng vào năm 2009.


Nhưng những người này không phải là thành phần duy nhất nhận những khoản tiền lớn của CIA trong chương trình. Theo báo cáo, “CIA đã cung cấp hàng triệu USD tiền mặt cho những quan chức chính phủ nước ngoài” để có được sự cho phép của họ trong việc xây dựng các “nhà tù đen” thực hiện các biện pháp tra tấn kinh hoàng. Một quốc gia có trụ sở tra tấn của CIA đã từ chối việc chuyển giao Khalid Shaykh Muhammad – ‘đạo diễn” của vụ tấn công khủng bố hôm 9/11, nhưng ngay sau đó quyết định đã bị đảo ngược hoàn toàn khi đại sứ Mỹ can thiệp. Ngay sau một tháng, CIA đã tài trợ 1 triệu USD cho một sự kiện diễn ra tại chính quốc gia đó. Giới chức CIA cũng nhận thấy họ có thể dùng tiền một cách dễ dàng để mua chuộc các nước hỗ trợ cho chương trình tra tấn của mình.


Thêm vào đó, CIA cũng mất một khoản kha khá lên tới hàng nghìn USD cho việc xây dựng cũng như duy trì các nhà tù bí mật ở nước ngoài. Trong năm 2002, CIA đã cung cấp 200.000 USD để hỗ trợ xây dựng một nhà tù bí mật tại Afghanistan, có tên là Cobalt. Đại diện CIA ở Afghanistan cũng đã thưởng nóng cho vị giám đốc trại giam đó 2500 USD vì hoàn thành công việc xuất sắc trong vòng 4 tháng liên tiếp sau khi một nghi phạm khủng bố - Gul Rahman tử vong do bị xích vào bức tường xi măng lạnh trong nhà tù.


Ngoài ra, các nghi phạm khủng bố sau khi phải chịu đựng các chiêu thức tra tấn nặng nề còn được trả tiền bồi thường khi họ được thả tự do và yêu cầu không được tiết lộ về những gì họ đã trải qua khi còn trong tù. Một công dân người Đức đã được trả 14.500 euro ngay sau khi anh ta được thả ra.


Tất cả những khoản chi trả nào trên 1 triệu USD đều được thanh toán bằng tiền mặt, không có bất kì biên lai cũng như ghi chép đầy đủ về từng khoản chi. Trong một tuyên bố, giám đốc CIA John Brennan cho biết CIA thừa nhận những khiếm khuyết còn tồn đọng và "sai lầm nghiêm trọng" trong chương trình này.



Hồng Hạnh (theo Forbes, BBC)