05:10 08/05/2014

Chương trình Tây Bắc sẽ đem lại hiệu quả

Nhiều chương trình mục tiêu và dự án đầu tư phát triển, đặc biệt trong lĩnh vực KH-CN đã được triển khai tại Tây Bắc, những nguồn kinh phí đầu tư lớn đã được huy động, đem đến những đổi thay tích cực cho vùng đất này.

Nhiều chương trình mục tiêu và dự án đầu tư phát triển, đặc biệt trong lĩnh vực KH-CN đã được triển khai tại Tây Bắc, những nguồn kinh phí đầu tư lớn đã được huy động, đem đến những đổi thay tích cực cho vùng đất này.


Mô hình ứng dụng các sản phẩm công nghệ sinh học để sản xuất và tiêu thụ sản phẩm rau an toàn của Sở KHCN Điện Biên đã góp phần khẳng định vai trò của KHCN hỗ trợ đời sống. Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN

 

Theo ông Nguyễn Quân, Bộ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ, để xây dựng một chiến lược phát triển bền vững và khai thác hiệu quả tất cả mọi tiềm năng của Tây Bắc, rất cần một chương trình nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ mang tính hệ thống, liên ngành, có tầm cỡ tương xứng với vị thế trọng yếu của vùng đất này. Mục tiêu là góp phần nhận diện sâu sắc tiềm năng, thách thức và trên cơ sở đó, đưa ra các giải pháp, xây dựng các mô hình thử nghiệm phục vụ sự nghiệp phát triển bền vững Tây Bắc. Đáp ứng nhu cầu khoa học và thực tiễn đó, nhiệm vụ này được đưa vào kế hoạch khoa học - công nghệ (KH-CN) giai đoạn 2011 - 2015 và đã được Thủ tường Chính phủ phê duyệt. Tại công văn số 1442/VPCP ngày 21/2/2013 của Văn phòng Chính phủ, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) đã chính thức được giao nhiệm vụ làm cơ quan chủ trì, tổ chức triển khai chương trình khoa học và công nghệ cấp nhà nước phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc…


Để triển khai có hiệu quả Chương trình KH-CN trọng điểm này, Trường ĐHQGHN đã tiến hành nghiên cứu xây dựng luận cứ khoa học, mô hình và giải pháp phát triển bền vững vùng Tây Bắc đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Đề án xây dựng và triển khai thí điểm các chương trình đào tạo ngắn hạn đáp ứng nhu cầu xã hội trên địa bàn các tỉnh Tây Bắc có tính cấp thiết và ý nghĩa quan trọng. Đó là bước đi cụ thể, một đóng góp thiết thực của ĐHQGHN trong quá trình thực hiện giải pháp phát triển nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp phát triển bền vững vùng Tây Bắc. Đề án cũng xác minh và cụ thể hóa nhu cầu của các tỉnh vùng Tây Bắc, khẳng định sự cần thiết và đúng đắn của việc triển khai chương trình KH-CN trọng điểm cấp nhà nước mà Chính phủ giao cho ĐHQGHN thực hiện.


Theo GS Vũ Minh Giang, ĐHQGHN, việc tổ chức các khóa đào tạo ngắn hạn của ĐHQGHN tại một số tỉnh thuộc vùng Tây Bắc, chuyển giao tri thức, công nghệ và kỹ năng quản trị trong một số lĩnh vực kinh tế - xã hội quan trọng cho các đối tượng học viên là các cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên các tổ chức đoàn thể và cộng đồng... nhằm giúp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực hiện tại, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững vùng Tây Bắc.


Đề án cũng có tính chất thăm dò tìm hiểu nhu cầu của địa phương về phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Qua việc thực hiện đề án, có cái nhìn khái quát để xây dựng chương trình, kế hoạch dài hạn, toàn diện phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc. Đề án này sẽ giúp ĐHQGHN xây dựng được hệ thống phương pháp, cách thức tổ chức đào tạo và chuyển giao tri thức cho đối tượng người học tại vùng Tây Bắc. Đề án cũng nhằm thuyết minh rõ thêm về sự cần thiết của việc triển khai Chương trình KH-CN trọng điểm cấp nhà nước “Nghiên cứu xây dựng luận cứ khoa học, mô hình và giải pháp phát triển bền vững vùng Tây Bắc đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”.


Theo GS Vũ Minh Giang, ĐHQGHN là một đại học đa ngành, đa lĩnh vực có sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và nghiên cứu khoa học đỉnh cao. Trong nhiều năm qua, ĐHQGHN đã hoàn thành nhiều nhiệm vụ góp phần giải quyết những vấn đề quan trọng ở tầm quốc gia và quốc tế, và ĐHQGHN đã chuẩn bị kỹ lưỡng cho việc xây dựng và triển khai chương trình. Lãnh đạo và các chuyên gia của ĐHQGHN đã có nhiều cuộc làm việc với các tỉnh Tây Bắc để nắm được nhu cầu của các địa phương và tổ chức nhiều cuộc hội thảo tư vấn với các nhà khoa học, nhà quản lý và nhà đầu tư.


Với tiềm năng sẵn có và sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý và các đơn vị khoa học hàng đầu của đất nước như Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, với cộng đồng các doanh nghiệp và các địa phương trong và ngoài vùng Tây Bắc…, được sự quan tâm đặc biệt và chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Chương trình Tây Bắc hứa hẹn sẽ đem lại những kết quả xứng đáng với sự mong đợi của đất nước nói chung và đồng bào vùng Tây Bắc nói riêng, góp phần thực hiện thành công xóa đói giảm nghèo, đưa Tây Bắc phát triển bền vững.


P.V