10:00 26/10/2011

Chương trình nông thôn miền núi: Không thể thiếu vai trò doanh nghiệp

Sau 6 năm thực hiện, Chương trình Nông thôn miền núi (chương trình) đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, góp phần vào việc xây dựng nông thôn mới ở Việt Nam. Để chương trình tiếp tục đạt kết quả thì vai trò của doanh nghiệp là không thể thiếu.

Sau 6 năm thực hiện, Chương trình Nông thôn miền núi (chương trình) đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, góp phần vào việc xây dựng nông thôn mới ở Việt Nam. Để chương trình tiếp tục đạt kết quả thì vai trò của doanh nghiệp là không thể thiếu.

Đưa khoa học đến với nông dân

Theo thống kê của Văn phòng Chương trình (Bộ Khoa học & Công nghệ), sau 6 năm triển khai thực hiện chương trình đã chuyển giao 856 công nghệ và tiến bộ kỹ thuật đến với nông dân, ở địa bàn nông thôn, miền núi, hải đảo và các vùng khó khăn,vùng dân tộc ít người. Theo đó, những công trình được lựa chọn chuyển giao là áp dụng những công nghệ tiên tiến hơn so với công nghệ hiện có ở địa phương, giúp các địa phương tiếp nhận và làm chủ công nghệ nhằm chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi… Nhiều giống cây, con có năng suất cao được đưa vào nuôi trồng mang lại hiệu quả kinh tế, nâng cao đời sống người dân.

Dự án nuôi tu hài, một trong những dự án thành công của chương trình.

Không chỉ hỗ trợ người dân, chương trình còn hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp trên địa bàn có cơ hội đổi mới công nghệ hoặc hỗ trợ hình thành các làng nghề nhằm phát huy các lợi thế về ngành nghề truyền thống, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân; phát triển sản xuất tại một số địa bàn khó khăn, chậm phát triển.

Ông Bùi Mạnh Hải- Phó trưởng ban thường trực Chương trình giai đoạn 2004 – 2010 nhấn mạnh: Mục tiêu chính của chương trình là đưa công nghệ tiên tiến vào lĩnh vực nông nghiệp, đưa khoa học đến gần với người nông dân đã cơ bản thành công; chương trình đã đi đúng hướng, góp phần xây dựng nông thôn mới. Ông Bế Trường Thành - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cũng cho rằng, chương trình đã có những bước tiến dài trong sự phát triển, các địa phương thụ hưởng chương trình đều đánh giá cao những kết quả mà chương trình mang lại.

Các dự án điển hình của Chương trình có thể kể đến là dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ sản xuất giống nhân tạo và nuôi thương phẩm tu hài tại huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh”. Đơn vị chủ trì đã tiếp nhận dự án và làm chủ công nghệ sản xuất giống tu hài thương phẩm. Đơn vị chủ trì cho biết: Trước đây, doanh thu công ty chỉ đạt 2 tỷ đồng/năm nhưng sau khi triển khai dự án 1 năm thì doanh thu đã đạt tới 150 tỷ đồng năm 2007 và đạt 200 tỷ đồng trong năm 2010. Ông Đỗ Tờ, người trực tiếp tiếp nhận dự án cho biết: Nhờ áp dụng kỹ thuật nuôi tu hài mà chương trình chuyển giao đã mang đến cho ông sự đổi đời trong sự nghiệp. Hiện nay, tu hài của ông có mặt ở nhiều địa phương trong cả nước thu lợi nhuận hàng trăm tỷ đồng mỗi năm.

Dự án phát triển sản xuất nấm tại các tỉnh: Nam Định, Sơn La, Thái Nguyên, Sóc Trăng, Hà Tĩnh, Tiền Giang, Quảng Trị, Kiên Giang đã giúp các địa phương tiếp nhận công nghệ và tự sản xuất được giống nấm từ cấp I đến cấp II cung cấp cho các vùng trồng nấm trong và ngoài tỉnh. Từ kết quả các dự án, hiện nay nghề trồng nấm đã và đang phát triển rộng khắp cả nước. Ước tính, sản xuất nấm các loại thuộc dự án đạt khoảng 100.000 tấn/năm với doanh thu khoảng 1.000 tỷ đồng/năm, giải quyết việc làm cho hàng triệu người nông dân.

Dự án “Ứng dụng công nghệ chăn nuôi lợn siêu nạc theo phương thức công nghiệp, tạo giống lợn bố, mẹ phục vụ phát triển chăn nuôi tại tỉnh Yên Bái” cũng được đánh giá cao. Tổng công ty Hòa Bình Minh, đơn vị tiếp nhận dự án đã đưa giống lợn ngoại thuần ông bà vào nuôi để cung cấp đàn giống bố mẹ có năng suất và chất lượng cao cho địa phương. Nguồn giống để tạo đàn bố mẹ xuất phát từ những giống có năng suất và chất lượng cao, có tiềm năng di truyền tốt, khả năng thích nghi cao… Bà Nguyễn Thị Hiền – Phó Tổng giám đốc, Tổng công ty Hòa Bình Minh, Giám đốc Dự án Nông nghiệp công nghệ cao cho biết: Theo kết quả nghiên cứu, tỷ lệ nạc của các giống này đều khá cao từ 57% đến 63%, tốc độ tăng trọng trong giai đoạn nuôi thịt từ 20-90 kg đạt từ 600-700 gam/ngày. Năm 2006, trước khi thực hiện dự án, doanh thu của trang trại đạt 1 tỷ đồng/năm thì đến năm 2009 sau 3 năm triển khai dự án doanh thu đã đạt gần 20 tỷ đồng. Dự kiến năm 2011 doanh thu sẽ đạt khoảng 24 tỷ đồng và giải quyết việc làm tại chỗ cho 115 lao động.

Chương trình được thực hiện ở cả miền Bắc, miền Trung và miền Nam đã góp phần tạo nên sự phát triển kinh tế xã hội cân bằng giữa các vùng miền. Dự án “Xây dựng mô hình thâm canh và tổ chức tiêu thụ Bưởi Da xanh theo hướng hàng hóa an toàn và chất lượng tại huyện Chợ Lách, Bến Tre” đã giúp địa phương có sự thay đổi tích cực trong trồng trọt. Dự án đã tiếp nhận chuyển giao công nghệ nhân giống, thâm canh sản xuất bưởi da xanh theo hướng GAP nhằm khôi phục phát triển cây ăn quả có lợi thế của Bến Tre, tăng năng lực cạnh tranh của bưởi da xanh trên thị trường trong và ngoài nước. Hiện nay, người trồng bưởi có thể thu 400 triệu đồng/năm/ha, góp phần xây dựng vùng chuyên canh sản xuất bưởi hàng hóa ở quy mô 3.000 ha…

Tăng cường vai trò của doanh nghiệp

Ông Bùi Mạnh Hải chia sẻ: Chương trình cơ bản đã thành công nhưng để tăng hiệu quả thì vẫn còn nhiều vấn đề cần đổi mới như: Nên gắn trách nhiệm cho các đơn vị trực tiếp chuyển giao công nghệ cho địa phương, để các đơn vị chuyển giao theo dõi đến cùng các dự án, đồng thời qua đó cũng đánh giá được công nghệ khi chuyển giao có mang lại hiệu quả hay không và nhà khoa học nên gần gũi với người nông dân hơn nữa, thậm chí lội ruộng cùng nông dân, cầm tay chỉ việc cho họ. Bên cạnh đó, các dự án của chương trình nên thận trọng để lựa chọn công nghệ phù hợp ứng dụng cho từng địa phương, việc chuyển giao công nghệ cho các địa phương phải xuất phát từ nhu cầu thực tế, đúng người đúng việc, tránh tình trạng chỗ cần thì không được và ngược lại chỗ không thực sự cần thì lại được thụ hưởng.

Ông Hoàng Văn Phong, nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN, nguyên Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình giai đoạn 2004 -2010 khẳng định: Một trong những vấn đề mấu chốt để các dự án của Chương trình thành công là phải có sự tham gia của các doanh nghiệp, bởi nếu không có sự tham gia của lực lượng doanh nghiệp thì các dự án khó có thể “sống” sau khi nghiệm thu. Doanh nghiệp vừa có khả năng đầu tư cho dự án vừa là đối tượng thụ hưởng và nhân rộng những sản phẩm của dự án.

Đồng quan điểm này, Bộ trưởng Bộ KH&CN, Nguyễn Quân cũng khẳng định vai trò của doanh nghiệp là không thể thiếu. Chương trình giai đoạn 2004 – 2010 cơ bản đã thành công, được nhiều địa phương và ban, ngành đánh giá cao. Vì vậy, để chương trình tiếp tục đạt hiệu quả, phát huy thế mạnh cần tiếp tục thu hút sự tham gia của của doanh nghiệp. Đây là lực lượng có khả năng biến những sản phẩm của dự án thành hàng hóa, tạo sức sống lâu dài hạn chế tình trạng khi các nhà khoa học rút đi, dự án được nghiệm thu thì kết quả dự án cũng chỉ dừng lại ở địa phương đó hoặc kết thúc mà không thể nhân rộng ra những nơi khác. Bộ trưởng Nguyễn Quân nhấn mạnh: Phải thống kê trong các dự án thực hiện giai đoạn vừa qua có bao nhiêu dự án được nhân rộng kết quả sau khi nghiệm thu, bao nhiêu dự án chậm tiến độ, bao nhiêu dự án “chết” khi kết thúc và có những đánh giá nguyên nhân từng dự án này. Có như thế thì giai đoạn tiếp theo chương trình mới có những bước đột phá về quy mô cũng như chất lượng các dự án.

Bài và ảnh: Hoàng Anh