10:09 08/10/2012

Chương trình 135 góp phần nâng cao đời sống đồng bào miền núi Nghệ An

Nghệ An hiện có 246 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; trong đó có 89 xã đặc biệt khó khăn và 180 thôn, bản đặc biệt khó khăn của 53 xã khu vực II được hưởng lợi từ Chương trình 135 giai đoạn II.

Nghệ An hiện có 246 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; trong đó có 89 xã đặc biệt khó khăn và 180 thôn, bản đặc biệt khó khăn của 53 xã khu vực II được hưởng lợi từ Chương trình 135 giai đoạn II.


 

Hệ thống mương nội đồng tại xã Mường Nọc, huyện Quế Phong được đầu tư, xây dựng bằng nguồn vốn 135.

Ngay khi Chương trình 135 giai đoạn II được triển khai, Ban chỉ đạo chương trình đã phối hợp cùng các huyện, xã tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện tốt các dự án hợp phần của chương trình. Trong quá trình chỉ đạo thực hiện chương trình đều tuân thủ nguyên tắc dân chủ, công khai. Từ việc lập kế hoạch, chuẩn bị đầu tư, triển khai thực hiện, tổ chức giám sát, đến nghiệm thu, bàn giao đưa dự án vào khai thác đều có sự tham gia của người dân. Nhờ vậy, các công trình sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng đều phát huy hiệu quả, giúp bà con các xã đặc biệt khó khăn ổn định cuộc sống, nhiều công trình điện, đường, trường, trạm... được xây dựng, đã tạo thuận lợi cho mọi sinh hoạt của bà con trong vùng phát triển.

 

Tổng nguồn vốn của Chương trình 135 giai đoạn II đầu tư tại Nghệ An là 729.617 triệu đồng. Trong đó, ngân sách trung ương đầu tư 720.920 triệu đồng, ngân sách địa phương 8.694 triệu đồng, còn lại do nhân dân đóng góp. Trong đó, tỉnh dành phần lớn nguồn vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ nhu cầu sinh hoạt của nhân dân và hỗ trợ phát triển sản xuất cho trên 50.000 hộ nghèo. Chương trình đã xây dựng các mô hình sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, hỗ trợ xây dựng và nhân rộng 31 loại mô hình sản xuất tại các nhóm hộ nghèo, hỗ trợ 18 loại giống cây trồng, vật nuôi cho đồng bào các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn; hỗ trợ mua sắm 15 loại thiết bị, máy móc phục vụ sản xuất, công cụ chế biến, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch... Thông qua các mô hình, bà con tiếp cận được với cách làm ăn mới, biết áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.


Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng tại các vùng đặc biệt khó khăn tiếp tục được đầu tư mạnh như: Xây dựng hơn 228 km đường giao thông liên xã, liên thôn, liên bản; 21 cầu cống giao thông; gần 64 km kênh mương; 51 hồ đập; 47 hệ thống cống thủy lợi; gần 110 km đường dây điện; 27 trạm biến áp; 600 phòng học kiên cố; 24 trạm y tế xã; 183 nhà sinh hoạt cộng đồng và 63 công trình cấp nước sinh hoạt, với tổng kinh phí thực hiện là 400.564 triệu đồng. Chương trình đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn miền núi, tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện xóa đói giảm nghèo...


Hiệu quả từ Chương trình 135 giai đoạn II đã khẳng định chủ trương đúng đắn của Chính phủ, giúp người dân các xã đặc biệt khó khăn ổn định cuộc sống, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 40,13% (năm 2006) xuống còn 23% (năm 2012).


Bài và ảnh: Viết Hùng