05:21 24/05/2014

Chúng ta hoàn toàn có cơ sở pháp lý về chủ quyền tại Hoàng Sa và Trường Sa

Căn cứ theo bản đồ từ xưa và quản lý trên thực địa rõ ràng chứng minh là Việt Nam đã quản lý quản đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Về mặt pháp lý Việt Nam hoàn toàn có cơ sở để khẳng định chủ quyền của ta tại 2 quần đảo này.

Bên lề Quốc hội, đại biểu Lê Thanh Vân cho rằng: Căn cứ theo bản đồ từ xưa và quản lý trên thực địa rõ ràng chứng minh là Việt Nam đã quản lý quản đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Về mặt pháp lý Việt Nam hoàn toàn có cơ sở để khẳng định chủ quyền của ta tại 2 quần đảo này.


Đại biểu Lê Thanh Vân


Trung Quốc thực chất về lịch sử cũng nêu Trung Quốc khẳng định chủ quyền bằng sự thôn tính, đánh chiếm mà có, tọa đàm về Biển Đông gần đây các chuyên gia cũng dẫn lời Đặng Tiểu Bình khẳng định 2 quần đảo này có tranh chấp nhưng giờ Trung Quốc giở giọng là không có tranh chấp. Điều đó khẳng định một điều về lý lẽ Trung Quốc rất bối rối. Cách giải thích của Trung Quốc lúc thế này, lúc thế khác nên chúng ta cũng tính phương án kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế, trọng tài quốc tế. Tinh thần của chúng ta là đối thoại và trao đổi bằng con đường hòa bình. Đây là giải pháp hoàn toàn phù hợp với xu thế hiện nay, chúng ta kiềm chế, chứ không gây cẳng thẳng ngay từ đầu, thể hiện đạo lý người Việt Nam, đó là yêu chuộng hòa bình, nhường nhịn, cực chẳng đã mới phải làm những điều chúng ta không mong muốn.


*Như vậy, lý lẽ của lãnh đạo Trung Quốc đưa ra chưa thống nhất về hai quần đảo này, ông đánh giá như thế nào về việc này?


Đây chính là hành xử bạo ngược của kẻ mạnh, bất chấp đạo lý, lập pháp, không chỉ là cơ quan có trách nhiệm lên án mà cả chuyên gia, học giả quốc tế lên án vày bày tỏ thái độ của họ trước thái độ này của Trung Quốc.


*Vậy theo ông có nên kiện Trung Quốc ra Tòa án quốc tế không?


Theo tôi thời điểm này thì nên cân nhắc. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đi ngược lại nhiều giá trị dân tộc của Trung Quốc. Trung Quốc là một trong những cái nôi của văn minh nhân loại, xứ sở của các học thuyết về nhân bản như thuyết nhân trị, đức trị, pháp trị. Nhưng các vị lãnh đạo Trung Quốc bây giờ không tôn trọng trong hành xử trên biển Đông, hung hăng, ngạo mạn, ngang ngược.


Trong đấu tranh, chúng ta cũng phải phân biệt giữa nhân dân Trung Quốc, giá trị văn hóa, nhân văn của Trung Quốc với nhà cầm quyền để có đối sách.


*Trong kỳ họp lần này theo ông, Quốc hội có ra Nghị quyết về biển Đông?


Vấn đề này liên quan đến thẩm quyền của Quốc hội, Quốc hội chỉ có 2 thẩm quyền trong lãnh thổ , chủ quyền: Thứ nhất đó là khi đất nước bị xâm phạm thì Quốc hội là cơ quan tuyên bố tình trạng chiến tranh và hòa bình.


Thứ hai là Quốc hội quyết định những chính sách cơ bản về đối nội, đối ngoại, trong đó có chính sách về quốc phòng, an ninh.


Quốc hội không làm thay Chính phủ về những giải pháp nên cần phân biệt rõ thẩm quyền và trách nhiệm của mỗi cơ qua. Trong lúc này, Quốc hội biểu thị thái độ nào đó là biểu thị lòng dân. Hiện nay, các cơ quan của Chính phủ và Thủ tướng chính phủ đã có nhiều nỗ lực trong hoạt động ngoại giao để thế giới biết rằng chính nghĩa thuộc về ta, pháp lý thuộc về ta. Chính nghĩa, pháp lý đó ta chưa sử dụng và chúng ta muốn bằng con đường thảo luận, thương thuyết với Trung Quốc. Người Việt Nam có truyền thống yêu nước, hòa hiếu và đang hành xử như vậy với láng giêng ngang ngược, hành xử thô lỗ thì đôi khi ta biết kiềm chế, không khéo để họ vu khống ta.


Những biểu hiện quá khích vừa qua chỉ là bột phát của vài người và Trung Quốc nại vào cớ đó để làm xấu hình ảnh người Việt trong biểu thị thái độ yêu nước, không nên cực đoan, đa số dân chúng cũng nhận thức được điều đó.


*Đối với việc ngư dân bám biển, theo ông Quốc hội có chính sách cụ thể nào không?


Ngư dân bám biển đang là cột mốc di động khẳng định chủ quyền của chúng ta vì vậy bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước thì nhân dân cả nước cần phải có ủng hộ và cần có Quỹ về biển Đông, phong trào quyên góp đang diễn ra thể hiện 2 mặt: sự đùm bọc lẫn nhau trong khó khăn; mặt khác thể hiện ý chí toàn dân tập trung đầu tư cho người ngày đêm lăn lộn trên biển cả vừa thực hiện mưu sinh của họ nhưng ý nghĩa lớn lao hơn là giữ chủ quyền biển đảo cho quê hương đất nước.


*Quốc hội đã giám sát về đời sống ngư dân và đã đề xuất những chính sách như thế nào để ngư dân phát triển khắc phục khó khăn? Kỳ họp này Quốc hội bàn thảo phát triển kinh tế biển và ngư dân không thưa ông?


Kinh tế biển là vấn đề chiến lược không chỉ khai thác đánh bắt hải sản mà còn là đầu tư, khai thác giá trị kinh tế khác nhưng điều quan trọng nhất là chúng ta kết hợp kinh tế với quốc phòng an ninh, giữ vững chủ quyền là việc đầu tư cho ngư dân một cách thỏa đáng, đã được nhiều đại biểu quan tâm trong thảo luận về các vấn đề kinh tế xã hội tại tổ và trong phiên thảo luận tới đây nhiều ý kiến tiếp tục nêu ra. Trong lúc chúng ta đang khó khăn về ngân sách, nguồn vốn đầu tư cho ngư dân, nhất là trang bị, công cụ đánh bắt cá, thiết bị hỗ trợ cho họ, sự an toàn cho họ và thì rất cần sự hỗ trợ của cộng đồng. Sự hỗ trợ đó một mặt họ yên tâm sản xuất khai thác vùng biển và họ có niềm tin với sự hỗ trợ của địa phương để giữ vững ngư trường của mình và cùng với cơ quan chức năng nhà nước bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của chúng ta .


*Xin cảm ơn ông!


Xuân Cường (thực hiện)