06:17 08/06/2011

Chung sức xây dựng nông thôn mới

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đồng ý với kiến nghị của Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương về việc tổ chức phát động thi đua xây dựng nông thôn mới với chủ đề “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”...

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đồng ý với kiến nghị của Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương về việc tổ chức phát động thi đua xây dựng nông thôn mới với chủ đề “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”. Nhằm mục đích huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới theo tinh thần của Nghị quyết 26-NQ/TƯ về nông nghiệp - nông dân và nông thôn. Đợt phát động dự kiến sẽ được thực hiện từ năm 2011 - 2020, chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn I thực hiện từ năm 2011 - 2015, giai đoạn II từ 2016-2020.

Đây là chương trình tổng thể về phát triển kinh tế - xã hội, chính trị và an ninh quốc phòng được thực hiện trên địa bàn nông thôn toàn quốc với 11 nội dung: Quy hoạch xây dựng nông thôn mới; phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội; chuyển dịch cơ cấu, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập; giảm nghèo và an sinh xã hội; đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất có hiệu quả ở nông thôn; phát triển giáo dục - đào tạo ở nông thôn; phát triển y tế, chăm sóc sức khỏe cư dân nông thôn; xây dựng đời sống văn hóa, thông tin và truyền thông nông thôn; cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; nâng cao chất lượng tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể chính trị - xã hội trên địa bàn và giữ vững an ninh, trật tự xã hội nông thôn.

Trường Tiểu học Mỹ Long Nam A huyện Cầu Ngang (tỉnh Trà Vinh) được chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng dạy và học để đạt tiêu chí của mô hình “ Nông thôn mới ”.
Ảnh: Đình Huệ -TTXVN

Có thể nói, đây là chương trình lớn và toàn diện, lần đầu tiên được thực hiện tại nước ta trên quy mô cả nước theo tinh thần Nghị quyết 26-NQ/TƯ của Trung ương xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn dân chủ, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; môi trường sinh thái được bảo vệ; an ninh trật tự được giữ vững; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao; theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Theo quyết định đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành, từ nay đến năm 2020, gần 10.000 xã trên địa bàn cả nước sẽ thực hiện xây dựng và phát triển nông thôn trong thời kỳ mới. Trước đó, Chương trình thí điểm xây dựng mô hình nông thôn mới đã được triển khai từ năm 2009 tại 11 xã đại diện cho các vùng, miền trên cả nước với mục tiêu thử nghiệm các nội dung, phương pháp, cách làm, cơ chế, chính sách; đồng thời xây dựng 11 xã thành các mô hình trên thực tiễn về nông thôn mới để rút kinh nghiệm cho việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên diện rộng.

Đến hết năm 2010, Chương trình thí điểm mô hình nông thôn mới đã thành công bước đầu và đạt được một số kết quả quan trọng. Đến nay đã có 7/11 xã đạt được từ 10 tiêu chí trở lên trong tổng số 19 tiêu chí. Đó là xã Thụy Hương (huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội); xã Tân Thịnh (huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang); xã Hải Đường (huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định); xã Gia Phố (huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh); xã Tân Thông Hội (huyện Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh); xã Mỹ Long Nam (huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh); xã Định Hòa (huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang). Riêng ở 11 xã điểm nông thôn mới đã hình thành hơn 100 mô hình sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ, xã nào cũng có 3 - 4 mô hình sản xuất có hiệu quả, được xây dựng từ cơ sở phát huy lợi thế của từng địa phương. Nhờ vậy, hầu hết ở các xã, thu nhập của người dân tăng 20 - 30% so với trước, tạo tiền đề vững chắc cho xây dựng nông thôn mới trên toàn địa bàn.

Qua thực hiện thí điểm tại 11 xã đã có những mô hình tốt trên các mặt: Quy hoạch và thực hiện quy hoạch, huy động nguồn lực; phát triển sản xuất gắn với quy hoạch ruộng đồng và cơ sở hạ tầng; phong trào cải thiện điều kiện sống của các hộ dân cư; mô hình liên kết sản xuất giữa nông dân và doanh nghiệp; thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông thôn. Qua thực tiễn các mô hình đã phát huy tốt hiệu quả và đang được lan tỏa, nhân rộng. Việc triển khai và kết quả bước đầu của chương trình đã có tác động làm chuyển biến nhận thức trong cán bộ và người dân nông thôn, tạo cho họ niềm tin về sự thay đổi cuộc sống trong tương lai. Vì thế, người dân đã tham gia nhiều hơn trong các hoạt động xây dựng nông thôn mới, quan tâm hơn đến công việc của cộng đồng và tự giác thực hiện tại gia đình mình; là cơ sở để hình thành và phát triển được các phong trào xây dựng nông thôn mới. Không chỉ có người dân mà cả các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương cũng đã có sự thay đổi trong nhận thức về vai trò nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Việc triển khai chương trình cũng đưa ra được kinh nghiệm bước đầu về cách làm, cơ chế, triển vọng để thực hiện thành công Nghị quyết Trung ương 7 về nông nghiệp - nông dân - nông thôn.

Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới là một chương trình lớn đang được Đảng, Nhà nước tập trung chỉ đạo và triển khai thực hiện trên phạm vi toàn quốc. Mục tiêu của chương trình nhằm xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị theo quy hoạch; đồng thời đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao. Theo đó, đến năm 2015, phấn đấu có 20% số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới và 50% số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới vào năm 2020 (theo Bộ tiêu chí Quốc gia về nông thôn mới).

Kinh nghiệm từ 11 xã điểm cho thấy, địa phương nào huy động được toàn bộ hệ thống chính trị các cấp, các ngành, các đoàn thể, doanh nghiệp cùng vào cuộc với sự nỗ lực thực sự tự giác của người dân, công cuộc xây dựng nông thôn mới ở địa phương đó sẽ đạt hiệu quả cao, về đích sớm. Từ bài học kinh nghiệm này, cuộc vận động và phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” được triển khai với mục tiêu huy động sức mạnh tổng thể của toàn bộ hệ thống chính trị cùng vào cuộc, cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới nhằm hoàn thành mục tiêu to lớn và toàn diện của chương trình trên tất cả các lĩnh vực, nội dung. Phong trào thi đua cũng sẽ góp phần khơi dậy tinh thần tự giác, tự lực của nông dân - chủ thể của xây dựng nông thôn mới, để người dân thực sự nỗ lực và tích cực trong một chương trình thiết thực với chính đời sống mọi mặt của mình.

Theo kết quả khảo sát cơ bản thực trạng nông thôn mới hiện nay, cả nước hiện có 85 xã đạt đủ 19 tiêu chí đúng, sát với tiêu chí mới; 12% số xã đạt từ 12-15 tiêu chí; có 50-70% xã đạt được một số tiêu chí cơ bản. Trong tổng số 9.121 xã của cả nước, vùng đồng bằng sông Hồng gồm 11 tỉnh. Đây là vùng phát triển sớm, dân trí cao, hơn 50 năm xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc đã có khá nhiều thành công, hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn tương đối khá hơn so với cả nước. Nếu làm tốt phong trào xây dựng nông thôn mới có thể về đích sớm trong 10 - 15 năm tới, trong đó có tỉnh có khả năng về đích sớm hơn như Thái Bình trong 5 năm tới có thể hầu hết các xã đều đạt đủ 19 tiêu chí.

Vùng Đông Nam bộ gồm 6 tỉnh, tuy có một số khó khăn ở những xã vùng sâu, vùng xa, song nếu biết khơi dậy tiềm năng và lựa chọn sự đầu tư hợp lý cũng có khả năng về đích sớm trong vòng 10 - 15 năm. Các vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung; Trung du và miền núi phía Bắc; Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long là vùng mà hầu hết các xã đều rất khó khăn, cần phải đầu tư rất lớn và rất nhiều thời gian mới có thể xây dựng được nông thôn mới.

Phạm Thanh Hương