11:10 02/11/2011

Chứng khoán thế giới tiếp tục “lún sâu”

Nối gót đà đi xuống trong phiên giao dịch trước, chứng khoán Mỹ tiếp tục tụt dốc trong phiên giao dịch ngày 1/11, sau khi Hy Lạp bất ngờ tổ chức cuộc trưng cầu ý dân về gói cứu trợ mới nhất mà EU dành cho nước này, khiến các thị trường toàn cầu đồng loạt chao đảo.

Nối gót đà đi xuống trong phiên giao dịch trước, chứng khoán Mỹ tiếp tục tụt dốc trong phiên giao dịch ngày 1/11, sau khi Hy Lạp bất ngờ tổ chức cuộc trưng cầu ý dân về gói cứu trợ mới nhất mà EU dành cho nước này, khiến các thị trường toàn cầu đồng loạt chao đảo.

Sàn giao dịch chứng khoán New York ngày 1/11/2011. Ảnh: AFP - TTXVN


Chốt phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm mạnh 297,05 điểm, tương đương 2,48%, đóng cửa ở mức 11.657,96 điểm. Chỉ số S&P 500 cũng giảm 35,02 điểm (2,79%) xuống 1.218,28 điểm; trong khi chỉ số công nghệ Nasdaq Composite mất 77,45 điểm (2,89%), xuống 2.606,96 điểm.

Chuyên gia phân tích Charles Schwab nhận định: “Sau khi khép lại tháng 10 khởi sắc, dường như Phố Uôn đang bắt đầu phải đón nhận một tháng giao dịch mới với triển vọng không mấy sáng sủa, trong bối cảnh những lo ngại về cuộc khủng hoảng nợ châu Âu đang ngày một gia tăng, thúc đẩy bởi cuộc trưng cầu dân ý bất ngờ của Aten về các chính sách tahwts lưng buộc bụng mới”. Nhà phân tích Fred Dickson, thuộc DA Davidson & Co cho biết: "Hiện chưa rõ điều gì sẽ xảy ra nếu những người Hy Lạp bỏ phiếu phản đối những cải cách cần thiết mà Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) yêu cầu Aten thực hiện để đổi lấy gói cứu trợ thứ hai".

Ngoài ra, các thị trường chứng khoán còn chịu sức ép giảm điểm sau khi báo cáo mới đây của Chính phủ Trung Quốc đã chỉ ra rằng chỉ số quản lý thu mua (PMI) của nước này trong tháng 10/2011 đã giảm lần đầu tiên trong vòng 3 tháng qua, xuống còn 50,4, so với mức tương ứng 51,2 của tháng 9/2011, cho thấy hoạt động sản xuất của nước này đang có xu hướng chậm lại, kết quả của một loạt các biện pháp thắt chặt tiền tệ của Bắc Kinh và tăng trưởng kinh tế toàn cầu suy yếu.

Hòa theo xu hướng giảm điểm của Mỹ, ở bên kia bờ Đại Tây Dương, các thị trường chứng khoán châu Âu cũng tiếp tục “lao dốc” trong phiên giao dịch 1/11. Chốt phiên này t ại Luân Đôn, chỉ số FTSE 100 của Anh trượt 2,21%, xuống 5.421,57 điểm, chỉ số CAC 40 của Pháp giảm mạnh 5,38%, đóng cửa ở mức 3.068,33 điểm, trong khi tại sàn giao dịch chứng khoán Frankfurt của Đức, chỉ số DAX-30 cũng mất 5%, xuống 5.834,51 điểm.

Diễn biến tiêu cực tại các sàn chứng khoán Mỹ và châu Âu cũng khiến các thị trường chủ chốt của châu Á tiếp tục giảm sâu trong đầu phiên giao dịch 2/11. Mở cửa phiên này, chỉ số Nikkei-225 của Nhật Bản giảm 152,68 điểm, tương đương 1,73%, xuống còn 8.682,84 điểm, trong khi chỉ số S&P/ASX200 của Ôxtrâylia cũng giảm 73,2 điểm (1,73%), xuống mức 4.159,7 điểm. Tại Trung Quốc, hai sàn giao dịch chứng khoán chủ chốt là Thượng Hải và Hồng Công cũng đều mở cửa với "sắc đỏ", khi mà chỉ số Hang Sheng và Shanghai Composite lần lượt giảm 333,99 điểm (1,72%) và 32,15 điểm (1,30%) xuống 2.437,87 điểm và 19.035,97 điểm.

TTXVN/Tin Tức