03:11 07/03/2012

Chứng khoán Mỹ và châu Âu chao đảo

Việc Hy Lạp có nguy cơ rơi vào tình trạng vỡ nợ, châu Âu bước vào thời kỳ suy thoái, Trung Quốc hạ tốc độ tăng trưởng đã khiến chỉ số Dow Jones tại thị trường chứng khoán Mỹ trong ngày 6/3 mất giá thảm hại nhất kể từ đầu năm 2012.

Thông tin về việc Hy Lạp có nguy cơ sẽ rơi vào tình trạng vỡ nợ, châu Âu sẽ bước vào thời kỳ suy thoái cộng với tốc độ tăng trưởng chậm hơn nhiều so với dự báo của nền kinh tế Trung Quốc đang gây hoang mang giới đầu tư và khiến họ đua nhau bán vội cổ phiếu, đồng thời khiến chỉ số Dow Jones tại thị trường chứng khoán Mỹ trong ngày 6/3 mất giá thảm hại nhất kể từ đầu năm 2012. Các loại cổ phiếu chủ lực trên thị trường châu Âu và giá vàng, giá dầu thô cũng đồng loạt giảm khá mạnh.

Thông số từ sàn giao dịch chứng khoán Niu Yoóc (New York) cho thấy, đến phiên giao dịch cuối cùng trước khi đóng cửa, chỉ số công nghiệp Dow Jones của 30 tập đoàn công ty đã mất giá 203,66 điểm, tương đương 1,57%, xuống còn 12.759,15 điểm. Đây là lần mất giá "mạnh" nhất của loại cổ phiếu danh giá này kể từ đầu năm 2012 và cũng là lần đầu tiên bị mất giá hơn 200 điểm trong một ngày kể từ ngày 23/11/2011. Ba cổ phiếu thuộc họ Dow Jones bị mất giá "thê thảm" nhất là AA của tập đoàn khai thác, sản xuất nhôm Alcoa (giảm 4,05%), CAT của tập đoàn xây dựng cơ sở hạ tầng Caterpillar (giảm 3,78%) và HPQ của tập đoàn chế tạo máy tính Hewlett-Packard (giảm 3,36%).

Một phiên giao dịch trên thị trường chứng khoán Niu Oóc. Ảnh: AFP/TTXVN.


Tương tự, chỉ số tổng hợp Nasdaq Composite cũng giảm 1,36%, tương đương 40,16 điểm, xuống còn 2.910,32 điểm, trong khi chỉ số Standard & Poor 500 mất giá 20,97 điểm (1,54%) xuống còn 1.343,36 điểm. Đây là lần mất giá lớn nhất của hai loại cổ phiếu này kể từ ngày 8/12/2011. Chỉ số Russell 2000 của các doanh nghiệp nhỏ thậm chí còn mất giá tới 2,06%, chỉ còn 787,09 điểm.

Theo phân tích của các chuyên gia, thông báo ngày 6/3 của Liên minh châu Âu (EU) về Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của khối này trong quý IV năm 2011 giảm 0,3% (-3%) so với quý III do kim ngạch xuất khẩu và chi tiêu của người tiêu dùng đều giảm 0,4% và đầu tư giảm 0,7%. Điều này phần nào phản ánh rõ hơn thực trạng không mấy sáng sủa của nền kinh tế tại lục địa già. Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Mariô Đrắcghi (Mario Draghi) thừa nhận mặc dù xuất hiện những dấu hiệu ban đầu về sự ổn định, song châu Âu đang đối mặt với cuộc suy thoái thứ hai trong vòng ba năm qua. Trong khi đó, nhà kinh tế trưởng Haouốt Átchơ (Howard Archer) thuộc tổ chức HIS Global Insight có trụ sở ở Luân Đôn cũng bày tỏ quan ngại về khả năng mà khu vực đồng ơrô có thể tránh khỏi sự suy giảm kinh tế trong quý I và II/2012 bất chấp một số dấu hiệu cải thiện tại khu vực này.

Thông báo này ngay lập tức làm cho các chỉ số DAX của Đức, CAC-40 của Pháp và FTSE của Anh lần lượt giảm 3,4%, 3,58% và 1,86%. Cổ phiếu tại thị trường chứng khoán Mỹ và châu Âu đồng loạt rớt giá mạnh trong ngày 6/3 còn do quyết định của Trung Quốc hạ mức tăng trưởng GDP năm 2012 từ 8,0% xuống 7,5%. Trong khi đó, giá dầu thô tại thị trường chứng khoán Niu Yoóc trong ngày cũng giảm 2,02 USD xuống còn 104,70 USD/thùng. Giá dầu Brent cũng giảm 1,83 USD xuống còn 121,97 USD/thùng. Giá vàng trong ngày giảm 31,80 USD, xuống còn 1.667,90 USD/ounce - giảm tổng cộng 6,7% kể từ ngày 28/2/2012.


TTXVN/Tin tức