10:17 16/10/2011

Chứng khoán Mỹ tuần thứ ba liên tiếp đi lên

Chứng khoán Mỹ kết thúc tuần qua trong sắc xanh trên tất cả các chỉ số chính, đánh dấu tuần thứ ba liên tiếp đi lên của Phố Uôn, với sự hỗ trợ vững chắc của các kết quả báo cáo lợi nhuận quý III đầy khả quan của các doanh nghiệp.

Chứng khoán Mỹ kết thúc tuần qua trong sắc xanh trên tất cả các chỉ số chính, đánh dấu tuần thứ ba liên tiếp đi lên của Phố Uôn, với sự hỗ trợ vững chắc của các kết quả báo cáo lợi nhuận quý III đầy khả quan của các doanh nghiệp, làm lu mờ những lo ngại dai dẳng về châu Âu và về tăng trưởng kinh tế yếu ớt.

Được hỗ trợ bởi những số liệu khá tích cực đủ để thuyết phục rằng nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể tránh được một cuộc suy thoái mới (ít nhất là cho bây giờ), cùng những thông tin cũng đủ để thuyết phục rằng các nhà lãnh đạo châu Âu (ít nhất là trên mặt trận chính trị) có thể sẽ kiểm soát được "con ngựa bất kham" nợ công Eurozone, các nhà đầu tư Phố Uôn đã tự tin trở lại và đưa các chỉ số vững vàng đi lên ngay từ đầu phiên cuối tuần ngày 14/10, đưa kết quả giao dịch trong cả tuần đứng ở vùng tích cực.

Chốt phiên giao dịch cuối tuần 14/10, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 4,87% lên 11.644,49 điểm. S&P 500 tiến thêm 5,98% lên 1.224,58 điểm, và Nasdaq có thêm 7,59% lên 2.667,85 điểm. Như vậy là kể từ ngày 23/9, cả ba chỉ số chính này đã lấy lại được khoảng 8,3-8,5% giá trị, mặc dù trong phiên 3/10 đã có lúc giảm xuống mức thấp nhất trong năm tính đến đến thời điểm đó. Thậm chí đà đi lên đã đưa hai chỉ số Dow Jones và Nasdaq quay trở lại những mốc điểm cao hơn của chúng vào ngày 1/1/2011. Tuy nhiên, S&P 500 tính đến nay vẫn bị mất 2,6% so với tại thời điểm đầu năm trên.

Theo các chuyên gia phân tích tại công ty môi giới Charles Schwab, các báo cáo kết quả kinh doanh quý III có thể sẽ tốt hơn so với dự kiến khi phần lớn đã bị dự đoán quá thấp do những lo ngại về kinh tế, và họ vẫn tin rằng nền kinh tế Mỹ sẽ tránh được suy thoái. Giới phân tích cũng cho rằng gói hỗ trợ "Operation Twist" mới (hay còn được gọi là gói QE2,5) của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) nhằm khiến lãi suất trong dài hạn giảm đi cũng đang góp phần tạo nên sự lạc quan trên thị trường. Tuy nhiên, nhóm chuyên gia này cũng cảnh báo các nhà đầu tư vẫn nên thận trọng trước các chính sách mới của chính phủ.

Trong phiên cuối tuần, thị trường còn được cổ vũ bởi doanh số bán lẻ công bố cùng ngày cho thấy con số này trong tháng 9 đã tăng được 1,1% so với tháng 8, mưc tăng mạnh nhất kể từ tháng 2 tới nay, và nếu tính theo năm thì tỷ lệ tăng trưởng còn lên tới khoảng 8%. Các nhà phân tích cho rằng, con số trên là bằng chứng khá rõ cho thấy nền kinh tế Mỹ chưa thể đi vào suy thoái, và các xu hướng kinh tế có thể sẽ có bước chuyển giống như hồi cuối năm 2010.

Trong khi đó, những báo cáo kinh doanh được công bố đầu tiên trong tuần qua của các tên tuổi lớn như Alcoa, JPMorgan Chase và Google, đều rất tích cực. Lợi nhuận của Alcoa tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước mặc dù bị sụt giảm ngoài dự kiến trong quý II do giá nhôm giảm. Lợi nhuận của JPMorgan tuy giảm nhẹ song vẫn cao hơn dự kiến, trong khi Google đạt đột biến về lợi nhuận.

Giới chuyên gia dự báo, trong tuần tới, thị trường sẽ đón nhận các kết quả kinh doanh khả quan tương tự, tuy nhiên khối lượng giao dịch có thể bị ảnh hưởng bởi kết quả của cuộc họp các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc ngân hàng của nhóm G20 tại Pháp trong hai ngày cuối tuần qua, cùng những thông tin về cuộc khủng hoảng nợ công tại khu vực Eurozone.

Ngoài ra, các nhà đầu tư còn chờ đợi một loạt số liệu về kinh tế Mỹ được công bố trong tuần tới, trong đó có những chỉ số quan trọng như tỷ lệ lạm phát và sản xuất công nghiệp (công bố thứ Hai đầu tuần 17/10), chỉ số về giá thành (công bố ngày 18/10), chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và số liệu về nhà xây mới (ngày 18/10), doanh số bán nhà đã qua sử dụng và lượng người thất nghiệp trong tuần (ngày 19/10).

Các nhà phân tích của IHS Global Insight cho biết họ dự đoán các chỉ số về giá thành và CPI có thể gia tăng do giá nhiên liệu tăng lên.

Thùy Chi (Theo AFP)