02:10 21/02/2011

Chứng khoán chịu nhiều sức ép

Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần trước (18/2), tâm lý “buông” của các nhà đầu tư (NĐT) đã lộ ra qua tín hiệu 219 mã chứng khoán giảm giá, trong đó có nhiều mã giảm giá kịch sàn với dư mua trống trơn.

Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần trước (18/2), tâm lý “buông” của các nhà đầu tư (NĐT) đã lộ ra qua tín hiệu 219 mã chứng khoán giảm giá, trong đó có nhiều mã giảm giá kịch sàn với dư mua trống trơn.


Theo các nhà phân tích, động thái điều chỉnh tỉ giá của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và những lo ngại về những diễn biến của kinh tế vĩ mô khiến các NĐT mạnh tay cắt lỗ. Việc cắt lỗ ồ ạt từ NĐT ngoại đến nội đã chính thức khởi động xu hướng giảm của VN-Index.

Điều gì khiến “tây, ta” cùng bán?

Không chỉ các NĐT theo trường phái ngắn hạn (chủ yếu là NĐT trong nước) quyết tâm bán ra cắt lỗ mà ngay cả các NĐT nước ngoài cũng “buông”. Thống kê trên thị trường cho thấy, NĐT nước ngoài đã có 4 phiên bán ròng, bắt đầu từ ngày 18/2. Trong khi trước đó, khối này liên tục mua ròng hàng tháng trời.

Nhà đầu tư theo dõi diễn biến thị trường trên sàn giao dịch chứng khoán Bảo Việt. ảnh: Phạm Hậu-TTXVN

Theo TS. Tôn Tích Quý, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu khoa học và Đào tạo chứng khoán, ý kiến cho rằng giá cổ phiếu (CP) ở Việt Nam rất rẻ so với thế giới chưa hẳn đúng. Bởi giá CP chỉ được coi là rẻ khi nền kinh tế vĩ mô được điều hành hiệu quả thông qua những minh chứng cụ thể như tăng trưởng ổn định, lãi suất thấp, không có các bất ổn như lạm phát, nhập siêu... từ đó niềm tin của NĐT được củng cố. Theo TS Tôn Tích Quý, việc điều chỉnh tỷ giá mới đây chỉ là giải pháp bề nổi, không phải là cái gốc tạo dựng hay gìn giữ niềm tin của NĐT.

Hiện tượng cắt lỗ trong phiên 18/2 có thể lý giải, do các NĐT nhìn rõ các bất lợi với TTCK trong thời gian tới.

Trước hết là thông điệp tiếp tục siết chặt tiền tệ của NHNN nhằm mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Theo đó, Thống đốc Nguyễn Văn Giàu đề nghị tăng trưởng tín dụng năm 2011 chỉ ở mức dưới 20%. Bổ sung thêm cho biện pháp siết chặt tiền tệ, NHNN cũng vừa nâng lãi suất tái cấp vốn từ 9% lên 11%. Không chỉ ngành ngân hàng mạnh tay với tín dụng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh cũng cho biết tại cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 18/2: Thời gian tới, chính sách tài chính sẽ được điều hành hết sức chặt chẽ, tiết kiệm tiếp 10% chi nữa, không tăng đầu tư xây dựng cơ bản, kể cả trong điều kiện trượt giá.

Theo Bộ trưởng Ninh và Thống đốc Giàu, tất cả giải pháp nêu trên đưa ra thông điệp điều hành chính sách tiền tệ, tài khóa chặt chẽ hơn nhằm mục tiêu chống lạm phát.

Lạm phát tăng, chính sách tiền tệ siết chặt hơn đồng nghĩa với việc nguồn vốn cho TTCK sẽ cạn kiệt hơn, chi phí vay vốn đắt đỏ hơn năm 2010. Trong bối cảnh đó, việc kỳ vọng kiếm lời từ TTCK trong giai đoạn khó khăn này dường như là điều không tưởng. Đây là nguyên nhân chính của việc các NĐT nội bắt đầu bán mạnh ra cắt lỗ trong phiên cuối tuần trước.

CP sẽ hấp dẫn, nếu không có bất ổn mới

Theo các nhà phân tích, kết thúc phiên giao dịch 18/2, đồ thị kỹ thuật của VN-Index thể hiện xu hướng giảm rõ ràng hơn, thể hiện qua biên độ giảm rộng hơn và khối lượng giao dịch cao hơn các phiên trước.


Trước đó 2 tuần, các NĐT vẫn kỳ vọng, giá CP đã rẻ nên không thể giảm hơn và các diễn biến tiêu cực của kinh tế vĩ mô đã phản ánh hết vào giá nên dù CP giảm cũng không bán. Tuy nhiên, như đã phản ánh ở trên, sau việc điều chỉnh tỉ giá, diễn biến của tình hình kinh tế vĩ mô cho thấy, còn nhiều áp lực bất lợi sẽ tiếp tục tác động mạnh tới TTCK nên các NĐT đã đồng loạt bán ra.

Các NĐT đang lo ngại lạm phát tiếp tục tăng trong năm 2011 bởi sang tháng 3, nhiều mặt hàng đầu vào chiến lược như điện, than, xăng dầu sẽ được điều chỉnh tăng, tác động tăng giá lên toàn bộ các mặt hàng khác trên thị trường. Cùng với đó, các nhà đầu tư lo ngại tỉ giá USD trên thị trường tự do vẫn tiếp tục tăng cũng tác động đến chỉ số CPI, bởi Việt Nam là nước nhập siêu.

Ông Vũ Xuân Tùng, Giám đốc một quỹ đầu tư Hàn Quốc tại Hà Nội cho rằng, với diễn biến của kinh tế vĩ mô nói chung và TTCK nói riêng, xu hướng giảm của VN-Index sẽ tiếp tục. Tuy nhiên, nếu giá CP trên thị trường giảm 15% nữa là khá hấp dẫn để mua vào. Bởi kinh tế vĩ mô có bất ổn, giá CP mới giảm về mức như hiện nay.

“Nhưng giá CP hấp dẫn đó là xét về tiềm năng trong chiến lược đầu tư lâu dài và trong điều kiện những rủi ro đã xác định như lạm phát, lãi suất cao, tỉ giá vẫn biến động bất lợi đối với kinh tế vĩ mô… mà không có thêm các bất ổn mới tiêu cực hơn. Còn trong trường hợp phát sinh các khó khăn mới, như khi việc các giải pháp siết chặt tiền tệ, điều chỉnh tỉ giá mới đây vẫn tỏ ra chưa có hiệu quả đối với nền kinh tế thì rủi ro đối với TTCK sẽ cao hơn!”, ông Tùng nói.

Xuân Hương