06:18 04/06/2012

Chứng khoán châu Á bị "nhấn chìm" bởi những lo ngại về kinh tế toàn cầu


Phiên giao dịch ngày 4/6 chứng khoán châu Á bị "nhấn chìm" bởi những lo ngại về kịch bản tan vỡ của khu vực đồng euro (Eurozone), tình trạng "lờ đờ" của kinh tế Mỹ cũng như sự giảm tốc mạnh của kinh tế Trung Quốc.

Nhiều chỉ số chứng khoán châu Á giảm xuống mức thấp kỷ lục. Ảnh: Internet


Chỉ số MSCI của chứng khoán châu Á-Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản) giảm 2,5%, xuống các mức thấp trong năm nay và giảm 17% so với mức đỉnh của năm, khi các thị trường khu vực tiếp tục đà bán tháo của chứng khoán toàn cầu xuất phát từ số liệu việc làm yếu kém của Mỹ.


Tăng trưởng việc làm của Mỹ đã giảm mạnh tháng thứ ba liên tiếp trong tháng 5, khi chỉ 69.000 việc làm mới được tạo ra trong tháng, mức thấp nhất kể từ tháng 5 năm ngoái, còn tỷ lệ thất nghiệp tăng lần đầu tiên trong gần một năm qua, từ 8,1% trong tháng 4 lên 8,2%. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất thế giới giảm xuống 1,9% trong quý I/2012, so với mức 3% trong quý IV/2011.


Tình hình kinh tế hiện nay dẫn tới đồn đoán rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ phải tiến hành thêm một đợt nới lỏng định lượng để thúc đẩy tăng trưởng. Báo cáo việc làm yếu kém đã khiến chỉ số Dow Jones giảm 275 điểm trong ngày 1/6, mức giảm lớn nhất trong một ngày kể từ tháng 11/2011.


Phiên 4/6, chỉ số Topix của Tôkyô mất tới 2,4%, xuống 692,18 điểm, mức thấp nhất kể từ cuối năm 1983. Trong khi đó, chỉ số Nikkei 225 giảm 144,62 điểm, hay 1,71%, xuống 8,295,63 điểm. Tuần trước, chỉ số này đã giảm tuần thứ 9 liên tiếp, chuỗi mất điểm dài nhất trong 20 năm qua.


Chỉ số weighted của Đài Loan giảm 211,43 điểm, hay 2,97%, xuống 6.894,66 điểm. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc giảm 51,38 điểm, hay 2,8%, xuống 1.783,13 điểm. Chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải giảm 64,89 điểm, hay 2,73%, xuống 2.308,55 điểm. Chỉ số Hang Seng của Hồng Công giảm 372,75 điểm, hay 2,01%, xuống 18.185,59 điểm. Chỉ số S&P/ASX200 của Ôxtrâylia giảm 78,9 điểm, hay 1,94%, xuống 3.985 điểm, mức thấp nhất trong 7 tháng.


Các số liệu công bố trước đó cho thấy hoạt động chế tạo của Trung Quốc và châu Âu cũng yếu đã khiến các thị trường bị xáo trộn. Có những dấu hiệu cho thấy tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc vốn đã giúp chống đỡ cho kinh tế toàn cầu trong cuộc khủng hoảng năm 2008-2009 đang chậm lại đáng kể. Những người cho rằng kinh tế Trung Quốc đã chạm đáy trong quý I vừa qua đã nhận thấy rằng đà giảm tốc của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này có thể còn tiếp tục. Thêm vào đó, các điều kiện kinh tế ở Eurozone cũng ảm đạm, với tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực này vẫn ở mức kỷ lục 11% trong tháng 4.


Các thị trường toàn cầu lao dốc khi những lo ngại về cuộc khủng hoảng nợ ở Eurozone trở lại vào đầu tháng trước, khi cuộc bầu cử tại Hy Lạp đã cho thấy sự ủng hộ mạnh mẽ của cử tri đối với các đảng phản đối các biện pháp khắc khổ, trong khi các vấn đề nợ xấu của hệ thống ngân hàng đang tăng thêm gánh nặng cho kinh tế Tây Ban Nha. Sự chú ý của thị trường đang dồn vào cuộc bầu cử lần hai tại Hy Lạp vào ngày 17/6 tới, với hy vọng về chiến thắng thuộc về các nhóm ủng hộ các biện pháp thắt lưng buộc bụng.

Theo giới phân tích, các điều kiện thị trường hiện nay là bất lợi đối với các tài sản rủi ro. Tuy nhiên, sau khi cổ phiếu bị bán tháo, các thị trường được cho là sẽ tạm thời bắt đáy và phục hồi về mặt kỹ thuật.


Lê Minh (Theo Reuters, AFP)