10:20 07/10/2014

Chuẩn bị kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII: Góp ý vào các dự án luật

Chuẩn bị kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Bình Thuận đã tổ chức cuộc họp gồm đại diện các Sở, ban, ngành của tỉnh lấy ý kiến góp ý cho dự án Luật Hộ tịch.

Chuẩn bị kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, ngày 7/10, Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Bình Thuận đã tổ chức cuộc họp gồm đại diện các Sở, ban, ngành của tỉnh lấy ý kiến góp ý cho dự án Luật Hộ tịch.

 

Ông Vũ Hải, đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận tiếp thu kiến nghị của cử tri. Ảnh: VOV

 

Tại Điều 1 về Phạm vi điều chỉnh của dự án Luật Hộ tịch, nhiều ý kiến cho rằng hộ tịch, hộ khẩu và căn cước nhân dân đều là những nội dung quản lý dân cư, do đó đề nghị cần xây dựng một dự án Luật chung điều chỉnh về hộ tịch, hộ khẩu và căn cước nhân dân. Theo đó, giao cho một cơ quan làm đầu mối, thống nhất, trực tiếp quản lý để tránh tình trạng chồng chéo và bảo đảm được chặt chẽ và hiệu quả. Cũng có nhiều ý kiến đề nghị tiếp tục cấp Giấy khai sinh cho trẻ em khi đăng ký khai sinh như hiện nay, không nên cấp thẻ căn cước nhân dân cho trẻ em dưới 14 tuổi, bởi Giấy khai sinh là văn bản pháp lý đầu tiên do Nhà nước cấp cho công dân để ghi nhận về mặt pháp lý việc ra đời của công dân và việc cấp Giấy khai sinh hiện nay, cơ bản không có vướng mắc, bất cập. Do đó, đa số ý kiến chọn phương án 2 là tiếp tục cấp Giấy khai sinh cho trẻ em dưới 14 tuổi; khi trẻ em đủ 14 tuổi trở lên thì cấp Thẻ căn cước nhân dân.

 

Tại Điều 5 về Thẩm quyền đăng ký hộ tịch, nhiều ý kiến đề nghị nên quy định rõ thẩm quyền đối với trường hợp tuy đều là công dân Việt Nam, nhưng trong trường hợp cư trú trong nước và ở nước ngoài do điều kiện công tác, lao động, học tập… thì việc đăng ký kết hôn do UBND cấp xã hay cơ quan đại diện cấp.

 

Tại khoản 3 - Điều 25 về thủ tục đăng ký nhận cha, mẹ, con đề nghị Luật Hộ tịch nên quy định rõ độ tuổi của người con khi có mặt, vì có trường hợp người được nhận làm con là trẻ sơ sinh. Tại Điều 59 về Cơ sở dữ liệu điện tử, nhiều đại biểu nhất trí quy định của dự thảo Luật, bởi xây dựng Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử sẽ đáp ứng được yêu cầu hiện đại hóa công tác đăng ký, quản lý hộ tịch, phù hợp với xu hướng hội nhập quốc tế và cải cách được thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân. Nhưng đề nghị Luật cần quy định cụ thể thẩm quyền nhằm khắc phục tình trạng dàn trải, chồng chéo giữa các bộ, ngành gây khó khăn cho việc quản lý hộ tịch, hộ khẩu và căn cước nhân dân…

 

Tại Điều 71 về Công chức Tư pháp – hộ tịch, đề nghị không quy định cụ thể vấn đề này trong Luật mà nên thực hiện theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, tuy nhiên vẫn cần có đội ngũ công chức có đủ năng lực, trình độ chuyên môn đảm nhiệm chuyên trách công tác này ở cấp xã…

 

* Tại hội thảo lấy ý kiến lần đầu cho Dự án Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật do Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức ngày 7/10, đa số đại biểu cho rằng, cần thiết phải có một Luật quy định rõ, cụ thể thẩm quyền ban hành để giảm bớt sự phức tạp của những văn bản quy phạm pháp luật, đảm bảo cho hệ thống pháp luật đơn giản, dễ tiếp cận.

 

Dự thảo luật quy định mỗi cơ quan có thẩm quyền chỉ ban hành một loại văn bản quy phạm pháp luật và bỏ thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của một số chủ thể. Nhất trí với việc dự thảo đã rà soát để giảm bớt những văn bản quy phạm pháp luật, tuy nhiên các đại biểu cho rằng, cần bổ sung Nghị quyết của Quốc hội và của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Lệnh của Chủ tịch Nước là văn bản quy phạm pháp luật.

 

Theo bà Phan Thị Việt Thu, Hội Luật gia Thành phố Hồ Chí Minh, cần phải đưa Nghị quyết của Quốc hội là văn bản quy phạm pháp luật, vì trong nhiều trường hợp đột xuất, Quốc hội phải quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, hình thức của văn bản để quyết định những vấn đề này là Nghị quyết của Quốc hội. Tuy nhiên, Luật có thể quy định cụ thể trong những trường hợp nào thì được xem là văn bản quy phạm pháp luật.

 

Hiện nay, nhiều văn bản luật còn chồng chéo, mâu thuẫn nhau dẫn đến việc áp dụng trong thực tế gặp khó khăn. Khắc phục tình trạng trên, dự thảo đã quy định hệ thống văn bản quy phạm pháp luật phải tuân thủ theo thứ bậc. Tuy nhiên, ông Trần Vă n Bảy, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Thành phố đề nghị, cần phải quy định rõ, chi tiết từng cấp bậc của các văn bản luật, có thể theo thứ tự từ trên xuống dưới, để khi thực hiện được thống nhất. Bên cạnh đó, khi xây dựng văn bản luật cần dành thời gian lấy ý kiến đối tượng chịu tác động trực tiếp dài hơn, để có quy định phù hợp với thực tế. Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Vă n Khánh (Công an Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, thời gian thẩm định văn bản hiện quá ngắn, thậm chí nhiều văn bản khi đến đơn vị thì đã hết thời gian lấy ý kiến. Điều này dẫn đến tính “hình thức” trong đóng góp ý kiến, chỉ là “cưỡi ngựa xem hoa” mà không thể đi sâu vào nội dung.

 

Dự thảo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật được xây dựng có nhiều nội dung mới cơ bản như khái niệm quy phạm pháp luật; hình thức và thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật; quy trình soạn thảo, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo trình tự, thủ tục rút gọn.

 

Tấn Hùng, Tiến Lực