02:05 18/02/2012

Chưa thể làm chủ bục giảng: Nhiều bất cập trong kỳ thực tập sư phạm

Thời gian thực tập sư phạm của sinh viên sư phạm khoảng từ 3 - 4 tuần, được nhiều nhà khoa học, nhà quản lý giáo dục đánh giá là quá ngắn so với thực tế đòi hỏi thực tập sư phạm.

Thời gian thực tập sư phạm của sinh viên sư phạm khoảng từ 3 - 4 tuần, được nhiều nhà khoa học, nhà quản lý giáo dục đánh giá là quá ngắn so với thực tế đòi hỏi thực tập sư phạm. Bên cạnh đó, mối liên kết giữa trường phổ thông và trường đại học chưa chặt chẽ cũng là một nguyên nhân khách quan khiến kỳ thực tập sư phạm của sinh viên còn nhiều bất cập.

Đa số các sinh viên sau kỳ thực tập sư phạm vẫn chưa thể làm chủ được bục giảng.


Ngày 17/2, Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD - ĐT) tổ chức hội thảo lấy ý kiến xây dựng “Quy chế về thực tập sư phạm trong bồi dưỡng giáo viên phổ thông”. Đánh giá của một số sở GD - ĐT sau kỳ thực tập sư phạm của sinh viên ở các trường ĐH sư phạm cho thấy, năng lực chuyên môn cũng như phương pháp giảng dạy của sinh viên chưa đạt yêu cầu. Trong khi trong đánh giá cuối của kỳ thực tập sư phạm của nhà trường lại có những kết quả “đẹp”.

Dẫn chứng về thực tế này, ông Bùi Đức Cường, Giám đốc Sở GD - ĐT Thái Nguyên đưa ra thống kê của Sở GD - ĐT Thái Nguyên về kết quả thực tập sư phạm của sinh viên tại các trường phổ thông ở Thái Nguyên năm vừa qua như sau: Kết quả xuất sắc đạt 90,78% (sinh viên học các trường sư phạm), 59,79% (sinh viên các trường khoa học). Kết quả loại giỏi: 97,25% (sinh viên các trường sư phạm), 33,78% (sinh viên các trường khoa học) và không có sinh viên nào xếp loại trung bình. “Nếu căn cứ vào kết quả này để đánh giá chất lượng thì thật khâm phục các trường đào tạo sư phạm”, ông Bùi Đức Cường nhấn mạnh.

Tuy nhiên, ông Cường dẫn chứng thống kê khác về năng lực chuyên môn cũng như kỹ năng thực hành sư phạm tại Thái Nguyên như sau: Về năng lực chuyên môn: Không ít sinh viên còn chưa nắm được nội dung kiến thức, phân tích thuật ngữ còn sai, thiếu tính thuyết phục trong bài giảng. Về phương pháp dạy học: Tình trạng chung theo phương pháp truyền thống, kỹ năng tích cực còn lúng túng, kỹ năng thảo luận nhóm còn chưa đạt yêu cầu, kỹ năng tương tác trong quá trình dạy học còn khó khăn. Vì vậy đa số các thầy cô giáo tương lai sau kỳ thực tập sư phạm khó có thể làm chủ bục giảng.

Cũng theo ông Bùi Đức Cường thì để trở thành cử nhân sư phạm cần ít nhất là 4 năm, trong khi thời gian thực tập sư phạm chỉ có 3 - 4 tuần. Điều này cũng làm giảm khả năng thực hành của sinh viên. “Ở một số nước như Thái Lan, Malaixia... sinh viên sư phạm được thực tập sư phạm ít nhất là 1 năm”, ông Bùi Đức Cường dẫn chứng.

Chia sẻ về thực tế này của sinh viên sư phạm, ông Phạm Hồng Quang, Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Thái Nguyên cho biết, hiện nay việc thực tập sư phạm còn rời rạc, cần có thiết chế của Bộ về thực tập sư phạm để các trường tự chủ đưa ra quy chế phù hợp với tình hình. Có một thực tế là nhiều trường phổ thông được xem là thực tiễn thì đây đó vẫn còn lạc hậu, chưa bắt kịp với cái mới. Chưa có mối liên kết chặt chẽ cũng khiến kỳ thực tập sư phạm của sinh viên không hiệu quả.

Ông Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học phổ thông, Bộ GD - ĐT chia sẻ: “Thời gian trước khi đi thực tập sư phạm là rất quan trọng. Sinh viên cần chuẩn bị cho mình về kiến thức cũng như các tài liệu liên quan để có thể làm tốt trong kỳ thực tập. Ví dụ các em có thể xem trước các băng đĩa hình, tự tập trước. Quan trọng hơn là học sinh phải được ra đầu bài trước khi đi thực tập. Nhưng sinh viên của ta vẫn chưa làm được điều này”.

Quy chế sư phạm phải ở cấp Bộ

Ông Bùi Đức Cường, cho rằng, tại các trường đào tạo sư phạm nên thành lập một trung tâm rèn luyện kỹ năng sư phạm đào tạo về kỹ năng bộ môn, kỹ năng trong phương pháp sư phạm, đổi mới đào tạo nghiệp vụ sư phạm. Còn ông Lê Văn Ngọ, Giám đốc Sở GD - ĐT Nghệ An cho rằng, rất cần có một quy chế thực tập sư phạm để trường phổ thông cũng như trường đào tạo sư phạm thực hiện. Trong đó phải nêu được cách thức tổ chức sư phạm, cách đánh giá và tự chịu trách nhiệm của các hiệu trưởng.

Ông Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học phổ thông, Bộ GD - ĐT cho rằng đổi mới thực tập sư phạm phải làm từ lâu. Nếu muốn đổi mới cần tập trung vào 5 vấn đề: Nhận thức đúng và đủ về thực tập sư phạm, nội dung sư phạm gồm những gì, phương thức sư phạm gồm những gì, nguồn lực sư phạm ra sao và công tác tổ chức sư phạm được thực hiện như thế nào. Theo ông Vũ Đình Chuẩn thì thực tập sư phạm mang tính đặc thù, có sự ảnh hưởng đến hàng nghìn người.

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển khẳng định, việc ban hành Quy chế về công tác thực tập sư phạm ở các trường sư phạm phải trên cơ sở đảm bảo tính tự chủ của các trường sư phạm trong đào tạo giáo viên. Trong đó sẽ đề cập nhiều vấn đề rộng hơn phạm vi thực tập sư phạm. Đơn cử như vấn đề rèn luyện sư phạm, hoặc các vấn đề khác liên quan trong quá trình đào tạo: Thời gian thực tập, cách thức tổ chức dạy học, đào tạo trong tất cả các bộ môn chứ không chỉ quy định riêng về thực tập sư phạm.

Lê Vân