01:19 18/01/2015

Chưa rõ trách nhiệm bảo vệ cây di sản

Cả nước có hơn 700 cây cổ thụ đã được vinh danh cây di sản, đây được coi là một phần những chứng nhân lịch sử của một vùng quê, thậm chí của cả dân tộc.

Cả nước có hơn 700 cây cổ thụ đã được vinh danh cây di sản, đây được coi là một phần những chứng nhân lịch sử của một vùng quê, thậm chí của cả dân tộc. Tuy nhiên, không ít cây di sản hàng trăm, nghìn năm tuổi lại chết sau khi được vinh danh, mà trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc cây di sản đến nay vẫn chưa được phân định rõ ràng.

Từ cụm Di tích có 9 cây, chết 8


9 cây muỗm gần 1.000 năm tuổi ở đền Voi Phục (Ba Đình, Hà Nội) là những cây cổ thụ đầu tiên được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE) công nhận là cây di sản vào năm 2010. Thế nhưng sau 4 năm được công nhận, đến nay 8 cây trong tổng số 9 cây muỗm này đã chết.

Chỉ những gốc cây còn sót lại, ông Nguyễn Văn Tùng, Trưởng Ban quản lý di tích đền Voi Phục đau đáu kể, trước đây 9 cây muỗm này là niềm tự hào của đền Voi Phục, những tán cây to và rộng bao quanh, như chiếc dù to che chắn và bảo vệ đền. Đứng cách xa cả cây số vẫn có thể nhận ra đền Voi Phục nhờ những cây muỗm cổ thụ này.

Vài năm lại đây, các cây này mắc bệnh rồi chết dần. Hầu hết 8 cây muỗm đã chết vì bị sâu, côn trùng ăn đến rỗng ruột. Theo đó, năm 2011, hai cây muỗm đầu tiên có dấu hiệu rụng lá, lá úa vàng và cây dần dần chết khô. Đến năm 2013, thêm 6 cây muỗm trong đền cũng có dấu hiệu tương tự.

Cây di sản duy nhất còn sót lại ở đền Voi Phục.


“Sau khi chúng tôi báo cáo, Hội VACNE đã giới thiệu các chuyên gia Úc đến thăm và cung cấp thuốc chữa bệnh cho những cây muỗm này. Họ dùng các ống, tiêm thuốc vào thân và bảo đảm cây sẽ khỏi bệnh. Nhưng đến cuối năm 2013, thì cây muỗm thứ 8 nối tiếp ra đi”, ông Tùng cho biết.

Đến nay, chỉ còn duy nhất cây muỗm ở phía sau đền còn tươi tốt, tuy nhiên, ban quản lý đền cũng như Hội VACNE cũng không có biện pháp chăm sóc và bảo vệ gì đặc biệt. “Chúng tôi không có chuyên môn, chỉ biết chăm sóc bằng cách tưới tắm bình thường mà thôi.

Chúng tôi rất mong muốn đào những gốc cây còn lại lên để thay thế bằng cây trồng mới, nhưng cuối tháng 10 vừa qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội đã có công văn yêu cầu giữ nguyên hiện trạng gốc cây còn lại. Tuy nhiên lại không nói đến thời hạn nên những gốc cây vẫn được giữ nguyên vị trí tại đền”, ông Tùng cho biết.

Hiện nay, cây di sản chết sau khi được vinh danh không chỉ diễn ra ở đền Voi Phục mà ở một số nơi khác cũng đang xảy ra tình trạng tương tự. Phần nhiều cây chết vì do chưa được bảo vệ và chăm sóc đúng cách. Cây Táu ở đền Thiên cổ miếu (TP Việt Trì, Phú Thọ) có niên đại hơn 2.000 năm sau khi được công nhận cây di sản đã có dấu hiệu héo, rụng lá.

Nguyên nhân là do người dân sau khi trùng tu, tôn tạo lại đền thì xây tường bao sân, ôm cả thân cây và bón hơn 1 tạ phân quanh gốc cây. Sau khi được “chữa trị” thì hiện tượng héo lá đã giảm đi, nhưng cây vẫn ở trong tình trạng ngắc ngoải. Hay cây gạo hàng trăm tuổi ở Thanh Hóa được người dân bón hơn 2 tạ phân NPK vào gốc cây, đã khiến cây héo chết…

Ai bảo vệ cây di sản?


Theo thống kê, có tới hơn 700 cây di sản, các cây cổ thụ này đều có tuổi thọ trung bình là vài trăm năm tuổi. Tiêu chí hàng đầu khi xét duyệt hồ sơ của Hội VACNE là phải đảm bảo các yếu tố về bảo vệ cây, môi trường sinh sống và điều kiện chăm sóc cây di sản. Thế nhưng, thực tế hiện nay, tình trạng cây di sản chết sau khi được vinh danh vẫn tồn tại và trách nhiệm thuộc về ai, đơn vị nào quản lý thì vẫn chưa rõ ràng.

Đơn cử như câu chuyện tại đền Voi Phục, để chữa bệnh cho 6 cây muỗm bị bệnh, Ban quản lý đền đã xin ý kiến Hội VACNE và UBND quận Ba Đình, nhưng đều nhận được câu trả lời, họ không phải là đơn vị chịu trách nhiệm quản lý.

Hội VACNE chỉ có thể hỗ trợ về công nghệ chăm sóc và giới thiệu chuyên gia, Hội không có kinh phí để thực hiện những việc này, còn UBND quận thì trả lời, quận cũng không hỗ trợ được kinh phí. Do đó, tổng chi phí chữa bệnh cho 6 cây muỗm là 60 triệu đồng đều do Ban quản lý di tích bỏ ra.

Ông Phùng Quang Chính, Ủy viên Ban chấp hành Hội VACNE, Thư ký Hội đồng cây di sản Việt Nam cho biết, trách nhiệm bảo vệ cây di sản trước hết thuộc về cộng đồng dân cư địa phương, khu vực có cây di sản. Nhưng phải hiểu, cộng đồng ở đây không chỉ là những người dân, mà có cả các đoàn thể và chính quyền địa phương, các ban quản lý di tích….

Nhà nước cũng không thể làm tốt hơn họ. Hàng nghìn năm nay, cây di sản vẫn tồn tại trong cộng đồng, làng xã, đời này nhắc nhở đời kia về việc bảo vệ và giữ gìn cây, coi đó là biểu tượng của làng xã mình, mang tính chất văn hóa - tâm linh.

Ông Chính cũng cho hay, VACNE chỉ là một tổ chức phi chính phủ và không có quyền trong việc bảo vệ Cây di sản. Tuy nhiên, Hội vẫn cử các nhà khoa học có chuyên môn hướng dẫn cho bà con cách chăm sóc, bảo vệ cây di sản khi được vinh danh. Sắp tới, Hội sẽ ra một tài liệu hướng dẫn người dân chăm sóc và bảo vệ cây một cách khoa học hơn, tài liệu này do chuyên gia Úc hỗ trợ.

“Chúng ta phải quyết liệt hơn nữa trong nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc bảo vệ cây di sản. Nếu được bảo vệ và chăm sóc tốt, thì cây di sản không chỉ là niềm tự hào chung mà còn có thể tạo ra sinh kế cho cộng đồng, tạo điểm nhấn về du lịch, ví dụ như những cây xoài tiến vua hơn 200 tuổi ở Phú Yên đang được địa phương xây dựng thành thương hiệu xoài ngự, thu hút du lịch”, ông Chính chia sẻ.


Bài và ảnh: Thu Trang