01:07 15/01/2015

Chưa phê duyệt dự án bãi xe ngầm tại công viên Thống Nhất

Rất nhiều chuyên gia cũng như người dân, lo ngại việc xây dựng bãi đỗ ngầm kết hợp trồng cây xanh tại 295 Lê Duẩn (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) sẽ phá hoại “lá phổi xanh” của thành phố.

Dư luận xã hội đang rất quan tâm đến việc UBND thành phố Hà Nội lấy ý kiến để triển khai dự án bãi xe ngầm kết hợp trồng cây xanh tại 295 Lê Duẩn (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Rất nhiều chuyên gia cũng như người dân, lo ngại việc xây dựng bãi đỗ xe sẽ phá hoại “lá phổi xanh” của thành phố.

Dân không đồng tình

Anh Nguyễn Hữu Thắng, phường Kim Liên (Đống Đa) chia sẻ, dân cư quanh khu vực này chỉ có công viên Thống Nhất là nơi thoáng rộng, có nhiều cây xanh để đi dạo, tập thể dục buổi sáng. Thậm chí buổi sáng những hôm nắng ráo, nhất là mùa hè, nơi đây chật cứng người đi bộ, đoạn đi qua khu vực dự án bãi xe ngầm công viên Thống Nhất lại luôn bị ùn do đoạn này hẹp, chỉ rộng khoảng 5 m.

Còn bà Mai Thị Hằng (phố Lê Duẩn) cho biết: “Khoảng vài tháng gần đây, bãi cỏ mọc um tùm của dự án khách sạn trước đây đã được san bằng phẳng, quây tôn và nghe nói làm dự án bãi đỗ xe ngầm. Nhưng sau khi có nhiều ý kiến khác nhau về  dự án nên bãi đất trống này đang trở thành bãi đỗ xe tự phát. Thực tế, cư dân chúng tôi quanh đây rất cần không gian xanh trong một đô thị với mật độ dân đông, giao thông chật chội. Do đó, nếu bãi đất trống để hoang này trở thành công viên thì dân sẽ có đường rộng rãi, có chỗ tập thể dục, nâng cao sức khỏe. Việc đỗ xe cũng cần, nhưng đời sống tinh thần, sức khỏe còn cần hơn”.

Khu đất tại 295 Lê Duẩn vẫn để trống và thành bãi gửi, rửa xe tự phát.


Liên quan đến dự án này,  ông Phạm Văn Đức, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV

Ông Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội: Nhu cầu nơi giữ xe cho người dân Hà Nội đang rất bức thiết, nhưng nếu đánh đổi cả lá phổi xanh thì hậu quả sau này sẽ khó khắc phục. Quy hoạch Công viên Thống Nhất năm 1994 và năm 2004 đều dành một phần diện tích để làm bãi giữ xe cho du khách, chứ không nhằm tạo dựng bãi giữ xe công cộng, vì thế dự án này cần phải được xem lại. Không thể vội vàng trong việc hi sinh cây xanh để phục vụ lợi ích kinh tế. Hơn nữa, xây dựng bãi đỗ xe hàng chục năm sau mới thu hồi được vốn, trong khi không gian xanh của Thủ đô sẽ bị tàn phá hết. Về mặt kỹ thuật, theo nhiều chuyên gia xây dựng, việc xây dựng bãi đỗ xe ngầm trên nền đất yếu và hạ tầng kỹ thuật già nua của Hà Nội sẽ khiến dự án này gặp rất nhiều khó khăn. Cụ thể, về khả năng ngập úng triền miên, độ an toàn trong xây dựng và đặc biệt cảnh quan lâu năm sẽ bị phá vỡ. Bên cạnh đó, khi xây dựng bãi đỗ xe ngầm, mặt đất công viên sẽ bị ảnh hưởng, chỉ có thể trồng được cây thấp tầng.

Bà Trần Thị Mỹ Dung (phố Nguyễn Đình Chiểu, quận Hai Bà Trưng): Tỷ lệ cây xanh bình quân tại Hà Nội đang thấp dần do quá trình đô thị hóa. Việc giữ gìn cây xanh trong khuôn viên Thống Nhất còn tạo cảnh quan cho Hà Nội xanh, nên đề nghị không xây bãi đỗ xe ngầm để người dân có nơi vui chơi và hưởng không khí trong lành. Thực tế hiện nay, sau khi san ủi, hiện đơn vị quản lý bãi đất trống này đang cho bãi đỗ xe và người dân rất bức xúc trước việc này.

Ông Nguyễn Hồng Lĩnh, kiến trúc sư: Hà Nội đã có nhiều đề án xây dựng về bãi xe, nhưng thực tế triển khai thấp, nay lại lấy mảnh đất vàng giữa Thủ đô để xây dựng bãi xe, việc này cần tính toán kỹ. Bởi thực tế, ngoài phương tiện ra vào công viên, dự án còn phục vụ nhu cầu đỗ xe của người dân bên ngoài, nên cần xem xét bài toán giao thông khi tất cả các phương tiện đều đổ ra đường Lê Duẩn. Diện tích công viên tại Hà Nội chưa đáp ứng với mật độ dân cư hiện nay, do vậy nếu công trình xây dựng chiếm dụng đất công viên thì không nên phê duyệt.

Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội, đơn vị được giao nghiên cứu, đề xuất xây dựng bãi đỗ xe ngầm nhằm đáp ứng nhu cầu đỗ xe của người dân vào công viên cũng như người dân trong khu vực cho biết: khu đất có vị trí thuận lợi cho việc đầu tư xây dựng bãi đỗ xe ngầm do đã được đầu tư một số hạng mục công trình: Cọc khoan nhồi, tường vây. Dự án có tổng mức đầu tư 96,6 tỷ đồng. Dự kiến sẽ có phần đỗ xe ngầm (3 tầng x 5.600 m2/tầng) đáp ứng 390 chỗ đỗ. Phần tầng mặt đất bố trí cây xanh với diện tích 7.600 m2, tương ứng hơn 73%, còn lại là các hạng mục phụ trợ như sân đường giao thông, nhà điều hành tương ứng.

Khu vực xây dựng bãi xe ngầm theo thiết kế ban đầu là ba tầng hầm của khách sạn SAS đã xây dựng trước kia. “Cả phần khung của ba tầng hầm khách sạn SAS trước đây đang bỏ không, phía trên cũng bỏ hoang và cũng có ô tô đỗ tại đây. Vì vậy, chúng tôi đề xuất sử dụng ba tầng hầm này để làm nơi đỗ xe. Nếu được sẽ đầu tư khoảng 90 tỉ đồng để cải tạo ba tầng hầm và lắp đặt hệ thống bãi đỗ. Còn toàn bộ phần mặt trên sẽ lấp đất để trồng cây xanh”, ông Đức giải thích.

Lấy ý kiến các ngành hữu quan

Đối với dự án bãi xe ngầm tại Công viên Thống Nhất, ông Nguyễn Văn Thịnh, Phó Chánh văn phòng UBND thành phố Hà Nội khẳng định: “Rất nhiều ý kiến băn khoăn về vấn đề bài toán kinh tế khi xây dựng bãi đỗ xe cũng như việc phá hủy cảnh quan, làm giảm diện tích lá phổi xanh vốn hạn chế của Thủ đô. Từ năm 2008, khu đất được giao để xây dựng khách sạn. Đơn vị đầu tư đã đầu tư, sửa chữa mất số tiền lớn, nhưng vẫn chưa khai thác được gì và lại đang bỏ hoang.


Quan điểm của thành phố là tận dụng những gì đã đầu tư để phục vụ cho nhu cầu công cộng. Thành phố đã chỉ đạo, chỉ sử dụng phần ngầm làm bãi đỗ xe. Còn phần nổi sẽ tiếp tục trồng cây xanh, thảm cỏ để phục vụ cho người dân. Chủ đầu tư phần mặt đất có thể giao cho một đơn vị nào đó hoặc là Công ty công viên Thống Nhất. Hiện thành phố mới có chủ trương đồng ý đề xuất. Dự án còn đang nghiên cứu và chưa được phê duyệt quy hoạch chi tiết. Theo đề xuất và căn cứ thực tế cho thấy, xây dựng bãi xe ngầm là tối ưu. Nếu có phương án nào hay hơn, mọi người có thể đóng góp ý kiến để khai thác hiệu quả đối với dự án này”.

Đề cập về việc có hay không việc vi phạm quy hoạch khi xây dựng bãi đỗ xe này, ông Ngô Quý Tuấn, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc cho biết, đồ án Quy hoạch chi tiết xây dựng, cải tạo nâng cấp Công viên Thống Nhất tỷ lệ 1/500 do Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội, đã xác định tại vị trí đường Lê Duẩn có khu đất bố trí bãi đỗ xe và bãi đỗ xe ngầm kết hợp trồng cây xanh thảm cỏ. Cụ thể, khu đất ký hiệu CX1-P có diện tích 9.045 m2 đề xuất chức năng là khu xây xanh thảm cỏ kết hợp bãi đỗ xe ngầm (Khu đất này trước đây dự kiến xây dựng Khách sạn SAS). Khu đất ký hiệu DDX4 có diện tích 680 m2 có đề xuất chức năng là bãi đỗ xe tập trung.

“Việc Công ty Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội đề nghị lập dự án xây dựng Bãi đỗ xe ngầm kết hợp trồng cây xanh trong Công viên Thống Nhất tại khu đất có ký hiệu CX1-P với diện tích nghiên cứu khoảng 9.000 m2, là phù hợp với đồ án Quy hoạch chi tiết xây dựng, cải tạo nâng cấp Công viên Thống Nhất”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Về phần mình, ông Phạm Văn Đức cũng cho biết thêm, hiện Công ty mới được thành phố giao cho nghiên cứu phương án. Công ty đang cùng đơn vị tư vấn lập phương án xây dựng để xin ý kiến các sở, ban ngành. Nếu được đồng thuận mới triển khai nghiên cứu, thiết kế chi tiết.

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, thành phố chưa quyết định và phê duyệt phương án xây dựng bãi đỗ xe ngầm. Hiện tại, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Quy hoạch Kiến trúc và các sở ngành liên quan đang kiểm tra, nghiên cứu đề xuất này và lấy ý kiến của các ngành hữu quan, báo cáo thành phố.

Năm 2009, ô đất 295 Lê Duẩn từng được cấp cho dự án khách sạn 5 sao SAS Hanoi Royal. Tuy nhiên, rất nhiều kiến nghị không đồng tình xây khách sạn trong Công viên Thống Nhất, nên Thủ tướng đã có ý kiến chỉ đạo và thành phố Hà Nội buộc phải ra quyết định dừng dự án. Đến nay, sau một thời gian im ắng, Hà Nội đang có ý định sử dụng lại phần diện tích này.



Bài và ảnh: Xuân Minh