06:19 12/06/2015

Chưa hài lòng với trả lời của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ

Bên lề phiên chất vấn, nhiều đại biểu bày tỏ thất vọng với phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, nhiều nỗi niềm đã được giãi bày.

Bên lề phiên chất vấn, nhiều đại biểu bày tỏ thất vọng với phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, nhiều nỗi niềm đã được giãi bày.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận Nguyễn Sỹ Cương chất vấn thành viên Chính phủ. Ảnh: An Đăng - TTXVN


* Chưa hài lòng với trả lời của Bộ trưởng

Thất vọng về phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN) – đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) đã thốt lên như vậy bên lề Quốc hội khi nhận xét về phần trả lời chất vấn của tư lệnh ngành KHCN. Đại biểu cho rằng KHCN là quốc sách hàng đầu nhưng đến giờ, kiểm điểm lại sau 40 năm giải phóng, vẫn một câu rất “muôn thuở” là công nghệ lạc hậu, KHKT lạc hậu.

Bày tỏ sự thất vọng hơn nữa trong nội dung trả lời chất vấn của đại biểu liên quan đến những lãng phí trong khoa học, bộ trưởng đổ cho việc đầu tư không tới ngưỡng, ông Nguyễn Sỹ Cương đặt vấn đề: tại sao đổ cho đầu tư không tới ngưỡng, nếu như đầu tư không tới ngưỡng thì phải dừng?! Nếu đầu tư cho 10 dự án nhưng đều không tới ngưỡng thì phải dừng lại chỉ làm 3 dự án để cho nó thực sự tới ngưỡng và đến kết quả cuối cùng – ông Cương nói.

Thể hiện quan điểm rõ ràng hơn, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương khẳng định bộ trưởng không nhận thấy trách nhiệm quản lý nhà nước về KHCN. Tất cả 5 bước bộ trưởng nêu ra không có gì mới, đã được quy định lâu và xét cho cùng, Bộ KHCN phải là cơ quan cuối cùng để quyết định việc có nghiên cứu đề tài đó không.

“Thế nhưng, rất tiếc là cái gì cũng cho, phân cho bộ này mấy chục tỷ rồi có bao nhiêu đề tài trong khoản đó là được, nhưng rồi nghiên cứu xong là bỏ” – ông Cương bức xúc. Ông cũng lo ngại với những lãng phí được cho là “kinh khủng” khi có không ít đề tài nợ đọng 5, 7, thậm chí đến 10 năm không trả nợ được hay chuyện bộ trưởng nói là phải nghiên cứu trước, tìm thị trường sau. Nghiên cứu xong lại bỏ vào ngăn kéo, mấy năm nữa lại không áp dụng được, lại bỏ đi. Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương băn khoăn, khi đã không xác định được đầu ra, tại sao còn làm nghiên cứu.

Chưa thực sự hài lòng, Trung tướng Phùng Khắc Đăng, đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La cho biết lần đầu tiên đăng đàn trước Quốc hội để trả lời về KHCN, những nội dung mà đại biểu quan tâm đều đã được Bộ trưởng Nguyễn Quân trả lời hết nhưng với tư cách là đại biểu Quốc hội, cũng nên thông cảm với khó khăn của Bộ KHCN - những người nắm vai trò quản lý nhà nước về khoa học công nghệ. Sự thông cảm ở đây, được bộ trưởng nói đến là bởi cơ chế ràng buộc và khả năng tập hợp đội ngũ cán bộ khoa học trên các lĩnh vực để giải quyết một mục tiêu trọng điểm nhằm thúc đẩy lĩnh vực khoa học công nghệ Việt Nam còn khó khăn.

Nhớ lại việc giải quyết vấn đề đặt ra cho cây lúa của vùng Đồng Tháp Mười, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã tập hợp các nhà khoa học ở trên tất cả các lĩnh vực khác nhau, không chỉ riêng những nhà khoa học về lúa và đã thành công, đại biểu Phùng Khắc Đăng cho rằng việc huy động được sức mạnh của các nhà khoa học để làm những việc có tính chất trọng điểm của quốc gia hiện chưa thực hiện được.

Bên cạnh đó, việc nghiên cứu để đưa vào ứng dụng mang lại hiệu quả lớn và thiết thực cho một bộ phận đông người cũng chưa đạt yêu cầu. Ví dụ việc nghiên cứu giúp nông dân bảo quản quả vải để xuất đi xa được rất khó khăn, cả nước chỉ có một trung tâm chiếu xạ ở Thành phố Hồ Chí Minh trong khi quả vải lại ở miền Bắc, việc đi tắt đón đầu để hướng tới phần đông đối tượng chưa được quan tâm.

Đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) nhận xét Bộ trưởng Nguyễn Quân trả lời sâu, nhưng có những phần đáng ra phải làm rõ như tại sao khoa học công nghệ chưa đứng ở vị trí đúng tầm của nó, trách nhiệm của bộ trưởng đến đâu – điều bà đã chất vấn nhưng bộ trưởng trả lời chưa thấu đáo và không còn thời gian để đại biểu nhấn nút hỏi lại.

Theo đại biểu, đây là việc rất quan trọng vì nếu nhà nước đầu tư chưa đủ, bộ trưởng phải trình bày để tiếp tục đầu tư cho đủ hay đi tìm các nguồn lực để khoa học phát triển. Không có đất nước nào muốn phát triển bền vững mà không dựa vào khoa học.

* Ngân sách chi lớn, hiệu quả chưa cao

Nói về con số 2% ngân sách dành cho KHCN, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương cho rằng đây là con số rất lớn, nhưng số để dành thực sự cho nghiên cứu lại quá ít, đây là điều phải tính toán lại. Bộ trưởng kêu ít nhưng lại sử dụng không hết. Việc bố trí ngân sách cho khoa học công nghệ dàn trải, trong tổng số 2% ngân sách, chỉ có 20% cho nghiên cứu và phải “cấu véo”, phân cho mỗi bộ vài chục tỷ đồng, trên cơ sở đó, các bộ, ngành mới xem thực hiện bao nhiêu đề tài, rồi trình lên các cấp xét duyệt.

Còn theo đại biểu Phùng Khắc Đăng, 2% kinh phí ngân sách dành cho KHCN là không phải nhỏ và cơ chế sử dụng số tiền này còn lúng túng. Trong tổng số 2%, chi vào hoạt động thường xuyên cho những người làm khoa học hơi nhiều. Ông cũng cho rằng bộ chưa mạnh dạn làm rõ một cơ chế mà một số đại biểu quan tâm là thị trường hóa khoa học công nghệ. Anh có thể đăng ký với tôi về một sản phẩm nào đó và nếu anh làm ra sản phẩm đó thực sự hữu ích cho xã hội, tôi sẵn sàng trích 2% đó ra để mua lại sản phẩm của anh – đại biểu nói.

Trước lý giải của Bộ trưởng về công trình nghiên cứu xếp ngăn kéo vì đi trước thời đại, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương cho biết không đồng tình với quan điểm này. Tất cả những đề tài nghiên cứu khoa học khi báo cáo để được xét duyệt đều phải tính toán được đầu ra, nghiên cứu để làm gì, rất rõ ràng, không thể nói chuyện nghiên cứu trước, cứ nghiên cứu rồi “phục” đến lúc nào có thể ứng dụng được mới lục trong ngăn kéo ra. Đó là điều đi ngược với thế giới.

Về vấn đề này, đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) cho biết Bộ trưởng nói có lí của Bộ trưởng, còn việc chứng minh khi nào các đề tài cất ngăn kéo được ứng dụng, thế hệ sau mới chứng minh được. Có những đề tài nghiên cứu cơ bản ứng dụng được ngay, không phải để lâu, chẳng hạn như nghiên cứu về phát triển thị trường của Việt Nam.

Đồng ý có những đề tài phải đợi 10 năm, 20 năm, nhưng theo quan điểm của bà An, với điều kiện của Việt Nam, không nên nghiên cứu những gì có tầm quá xa, nên làm những vấn đề gần hơn để ứng dụng vào thúc đẩy sự phát triển xã hội. Trước đây, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam nơi bà làm việc, có rất nhiều nhà khoa học giỏi nhưng chưa có đề tài nào sau 20 – 30 năm mới bắt đầu ứng dụng.


Chu Thanh Vân (TTXVN)