06:08 13/06/2012

Chưa có sự gắn kết giữa bảo tàng và du lịch

Do chưa có sự kết nối giữa bảo tàng và du lịch nên các giá trị hiện vật quý của bảo tàng vẫn chỉ nằm trong kho; trong khi sản phẩm du lịch giới thiệu tới du khách vẫn đơn điệu, nhất là tại Hà Nội.

Do chưa có sự kết nối giữa bảo tàng và du lịch nên các giá trị hiện vật quý của bảo tàng vẫn chỉ nằm trong kho; trong khi sản phẩm du lịch giới thiệu tới du khách vẫn đơn điệu, nhất là tại Hà Nội. Phóng viên Tin tức đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Anh Tuấn, Vụ phó Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch) xung quanh chủ đề này.

 

Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về sự liên kết giữa bảo tàng và du lịch trong thời gian qua?


Bảo tàng là một trong những địa chỉ du lịch hấp dẫn du khách quốc tế, nhất là khách Tây Âu, Bắc Mỹ, Đông Bắc Á… Trong các lịch trình tour du lịch đi nước ngoài, bảo tàng là một trong những điểm đến không thể thiếu. Như Bảo tàng Lourvre của Pháp thu hút hàng triệu lượt khách mỗi năm, đem lại nguồn thu lớn cho bảo tàng.
 

 

Đối với nước ta, nhiều bảo tàng đang lưu giữ những hiện vật quý giá, phản ánh giá trị lịch sử, văn hóa của đất nước. Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, lượng khách du lịch đến bảo tàng ít do sự gắn kết giữa hoạt động bảo tàng và du lịch chưa thực sự chặt chẽ. Quan trọng là việc thiết kế, trưng bày bảo tàng theo đúng gu, nhu cầu của khách chưa được chú ý. Do đó nhiều bảo tàng có nhiều hiện vật quý vẫn chưa thu hút được khách. Điểm nữa là khâu tuyên truyền quảng bá của bảo tàng rất hạn chế. Bảo tàng chưa gắn với doanh nghiệp du lịch giới thiệu tới công chúng, du khách. Nhiều doanh nghiệp do thiếu thông tin nên cũng không đưa vào tour giới thiệu khách.

 

Vậy theo ông, giải pháp để tìm tiếng nói chung giữa hai ngành này nên bắt đầu từ đâu?


Để thu hút khách, các bảo tàng và doanh nghiệp lữ hành nên đối thoại, tọa đàm để tìm ra sản phẩm riêng của mỗi bảo tàng, tạo thành sản phẩm hấp dẫn thu hút khách. Tăng cường giới thiệu quảng bá về bảo tàng trên các phương tiện thông tin đại chúng và các kênh chuyên biệt về du lịch. Thực tế từ Bảo tàng Dân tộc học cho thấy, họ thường xuyên tiếp nhận ý kiến phản hồi từ du khách và các công ty du lịch để có sự trưng bày hợp lý; dịch vụ hỗ trợ khá thuận lợi. Hai bên phải biết lắng nghe để tìm tiếng nói chung.

 

Theo phản ánh từ du khách, thuyết minh viên bảo tàng còn yếu và thiếu nên không chuyển tải hết thông tin về giá trị văn hóa, lịch sử của hiện vật. Ông có ý kiến gì về vấn đề này?


Đây là khâu yếu của bảo tàng. Chúng ta chưa giới thiệu được những cái mà ta có, chưa thổi hồn vào hiện vật để hấp dẫn khách. Với các di tích văn hóa, lịch sử, thuyết minh viên phải biết khách du lịch muốn biết gì. Luôn coi trọng sự thật về giá trị lịch sử, giá trị văn hóa của hiện vật, nhưng trong cách giới thiệu ta cần có kỹ năng như tùy thuộc vào thời gian của khách, đối tượng khách, cách thức giới thiệu tạo sức lôi cuốn. Thực tế, nhiều thuyết minh viên chưa được đào tạo bài bản. Luật Du lịch có quy định về thuyết minh viên và cấp thẻ cho hướng dẫn viên do các sở tổ chức và cần tổ chức đào tạo để nâng cao kỹ năng, trình độ cho thuyết minh viên. Tuy nhiên, việc triển khai tại địa phương còn hạn chế. Bảo tàng nên chủ động trong công tác đào tạo và tham khảo góp ý của doanh nghiệp lữ hành và mời hướng dẫn viên giỏi lâu năm hướng dẫn cách giới thiệu từ kinh nghiệm thực tiễn, tâm lý thị hiếu từng thị trường khách để thuyết minh viên hiểu hơn để có bài thuyết minh mới hấp dẫn.


Xin cảm ơn ông!

 

Xuân Cường (thực hiện)