06:09 09/06/2011

Chưa có bằng chứng biến chủng virút gây bệnh tay - chân - miệng

Các chuyên gia dịch tễ nhận định, số lượng bệnh nhân mắc và tử vong do bệnh tay - chân - miệng trong 6 tháng đầu năm vẫn tương tự mọi năm, chỉ tăng cục bộ tại TP.HCM. Tuy vậy, nhiều người dân vẫn rất lo ngại, bởi từ đầu tháng 5 đến nay liên tiếp có bệnh nhi tử vong vì căn bệnh này.

Các chuyên gia dịch tễ nhận định, số lượng bệnh nhân mắc và tử vong do bệnh tay - chân - miệng trong 6 tháng đầu năm vẫn tương tự mọi năm, chỉ tăng cục bộ tại TP Hồ Chí Minh. Tuy vậy, nhiều người dân vẫn rất lo ngại, bởi từ đầu tháng 5 đến nay liên tiếp có bệnh nhi tử vong vì căn bệnh này. Phải chăng virút gây bệnh tay - chân - miệng đã biến chủng?
PGS.TS Nguyễn Trần Hiển (ảnh), Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ, trao đổi với Tin Tức xung quanh vấn đề này.

Xin ông cho biết từ trước tới nay, phân nhóm nào của Enterovirus 71 (EV71) gây bệnh tay - chân - miệng lưu hành ở Việt Nam? So với tuýp B2 lần đầu tiên vừa phát hiện tại Việt Nam (theo kết quả phân tích mới đây từ hai ca tử vong do bệnh tay - chân - miệng tại BV Nhi Đồng, TP.HCM) thì phân nhóm nào có độc lực mạnh hơn, tại sao?

Bệnh tay - chân - miệng là một bệnh nhiễm trùng thường gặp ở trẻ trẻ nhỏ. Dấu hiệu đặc trưng của bệnh là sốt, đau họng, đau miệng; loét miệng với vết loét đỏ hay phỏng nước ở niêm mạc miệng, lợi, lưỡi; phát ban dạng phỏng nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông.

Bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM) khám chẩn đoán bệnh cho trẻ. Ảnh: Phương Vy - TTXVN


Tác nhân gây bệnh chủ yếu là các virút gây bệnh đường ruột ở người, đặc biệt là virút Coxsackievirus A16 (CA16) và EV71 (là một virút gây bệnh nặng và tử vong trong nhiều vụ dịch ở Malaixia, Xinhgapo, Nhật Bản và Trung Quốc.

Tại Việt Nam, EV71 lần đầu tiên được báo cáo ở TP Hồ Chí Minh năm 2003. Các chủng EV71 lưu hành chủ yếu ở cả 2 miền Bắc và Nam trước năm 2011 là EV71, phân nhóm C1, C4 và C5.

Từ đầu năm 2011 đến nay, cả nước đã ghi nhận 6.112 trường hợp mắc tay - chân - miệng tại 30 địa phương, trong đó đã có 17 trường hợp tử vong, tập trung chủ yếu tại khu vực miền Nam (96,6%). Miền Bắc cũng ghi nhận 14 trường hợp tại 6 tỉnh, không có trường hợp nào tử vong. Kết quả giám sát của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho thấy, tác nhân gây bệnh tay - chân - miệng ở miền Bắc trong đầu năm 2011 là EV71 (C4) và CA16.

Phân nhóm B2 cũng đã từng xuất hiện ở một số nước trên thế giới. Và cho đến nay, theo Tổ chức Y tế thế giới, không có bằng chứng thuyết phục về sự biến chủng của EV71, làm tăng quá trình nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương và tử vong. Cần phải theo dõi giám sát chặt chẽ sự biến đổi của virút và cần có các nghiên cứu sâu và toàn diện hơn để hiểu rõ các yếu tố làm cho bệnh nặng hơn và làm cơ sở phát triển vắcxin phòng bệnh.

Ngành y tế nói chung và Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ nói riêng đã và đang làm gì để khống chế dịch bệnh, giảm tỷ lệ mắc tay - chân - miệng đang có xu hướng ngày một gia tăng?

Để khống chế dịch bệnh, trong thời gian vừa qua, ngành y tế thực hiện giám sát, phát hiện và xử lý dịch theo đúng “Hướng dẫn giám sát và phòng chống bệnh tay - chân - miệng” của Bộ Y tế. Cục Y tế dự phòng đã gửi công điện tới Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố đề nghị tăng cường giám sát, phát hiện sớm và tuyên truyền trong trường học về các biện pháp phòng tránh lây nhiễm bệnh tay - chân - miệng. Tăng cường việc điều tra dịch tễ và lấy mẫu các trường hợp nặng, có biến chứng để làm xét nghiệm nhằm giám sát sự lưu hành của tuýp virút gây bệnh và theo dõi sự biến đổi của virút...

Riêng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, trong nhiều năm qua vẫn tiến hành giám sát về virút học của bệnh tay - chân - miệng. Viện luôn chú trọng tăng cường chỉ đạo các tỉnh, thành phố phát hiện sớm các ca bệnh, đặc biệt là các ca bệnh nặng, tử vong và các chùm ca bệnh, lấy bệnh phẩm xét nghiệm xác định căn nguyên, các phân nhóm và biến đổi của các chủng virút; phối hợp với các viện Pasteur/Vệ sinh dịch tễ khu vực, tiến hành nghiên cứu sâu về dịch tễ học, virút học và bệnh học làm cơ sở đề xuất các biện pháp phòng chống dịch kịp thời và có hiệu quả hơn.

Đề nghị ông cho biết, có thể điều trị cho trẻ bị tay - chân - miệng tại nhà không? Khi nào cần đưa trẻ tới bệnh viện điều trị để tránh những biến chứng đáng tiếc?

Bệnh xảy ra chủ yếu ở trẻ em dưới 5 tuổi. Người lớn ít mắc vì đã có miễn dịch. Hiện không có thuốc điều trị đặc hiệu bệnh tay - chân - miệng, chỉ là điều trị triệu chứng như hạ sốt, giảm đau và uống nhiều nước.

Nhìn chung đa số bệnh nhân là ở thể nhẹ, hầu hết khỏi sau 7 - 10 ngày mà không cần điều trị gì. Tuy nhiên, bệnh có thể gây biến chứng nguy hiểm như viêm não - màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp và dẫn tới tử vong nếu không được phát hiện sớm và xử lý kịp thời. Khi có các biểu hiện sốt cao (>=39,5 độ C), biến chứng thần kinh hoặc tim mạch như đau dầu, cứng cổ, đau lưng, rung giật cơ, đi loạng choạng, ngủ gà, yếu liệt chi, mạch nhanh... thì phải đến ngay cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời.

Nguyên tắc phòng chống dịch quan trọng là: Phát hiện sớm các trường hợp mắc để xử lý và điều trị kịp thời. Cách ly ngay các trường hợp mắc, không để lây lan ra cộng đồng. Tránh tiếp xúc mật thiết với bệnh nhân. Nâng cao thể trạng. Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân. Làm sạch bề mặt và đồ vật (đồ chơi, quả đấm cửa...) bằng các thuốc sát khuẩn như Chloramin B 2%; khử trùng dụng cụ sinh hoạt, nhà vệ sinh bị nhiễm chất tiết và bài tiết của bệnh nhân...

Xin cảm ơn ông!

Phương Liên (thực hiện)