04:21 07/04/2015

Chữa bệnh tự kỷ cho trẻ bằng robot

Việc tiếp xúc với những robot có hình dáng tương đối giống với con người như Zeno mang lại hiệu quả tích cực hơn trong hoạt động giao tiếp của trẻ tự kỷ.

Món ăn khoái khẩu của bạn là gì?” Zeno, một robot cao 61cm, hỏi cậu bé Anthony Arceri, 7 tuổi, mắc chứng tự kỷ. “Sôcôla sữa và khoai tây chiên”, Anthony hào hứng trả lời. “Tớ cũng thích sôcôla sữa”, Zeno đáp lại rồi giơ hai tay xoa bụng, ngay lập tức, Anthony cũng lặp lại hành động y như vậy.

Học sinh tại trường Topcliffe hào hứng trong một buổi học với Kaspar.


Cảnh tượng trên tưởng chỉ đơn thuần giống như một trò chơi thú vị đối với Anthony nhưng giới nghiên cứu tin rằng, tương tác với các robot như Zeno sẽ góp phần quan trọng hỗ trợ trẻ tự kỷ học cách phản xạ và giao tiếp.

Trẻ mắc bệnh tự kỷ thường gặp khó khăn trong giao tiếp xã hội khiến các em tự thu mình lại, thậm chí với cả các thành viên trong gia đình. Tuy vậy, việc tiếp xúc với những robot có hình dáng tương đối giống với con người như Zeno mang lại hiệu quả tích cực hơn trong hoạt động giao tiếp của trẻ tự kỷ.

Các chuyên gia tại Trung tâm điều trị tự kỷ Dallas, bang Texas (Mỹ), đều tỏ ra ngạc nhiên với kết quả Zeno mang lại. Còn trong trường hợp của Anthony, sau hai lần được tiếp xúc cùng Zeno, mẹ của cậu bé - bà Pamela Rainville - phấn khởi cho biết cậu đã có thêm nhiều tiến triển trong việc giao tiếp.

Ông Fred Margolin, Tổng Giám đốc điều hành công ty Hanson Robokind, đơn vị chế tạo Zeno, kể lại: “Chúng tôi đưa Zeno đến với một vài đứa trẻ chưa từng mở lời nói chuyện với bất cứ nhân viên nào của công ty. Điều ngạc nhiên là chỉ trong 10 phút, những em nhỏ này bắt đầu nói chuyện với robot, điều đó khiến các nhân viên của tôi xúc động và họ đã khóc”.

Hiện các nhà trị liệu có thể sử dụng Zeno theo ba phương pháp, một là lập trình hành động trước cho robot để làm mẫu cho trẻ mắc chứng tự kỷ làm theo, hai là để một chuyên gia vận hành robot và các em nhỏ sẽ bắt chước hành động của người hướng dẫn. Cách thứ ba là trẻ nhỏ có thể điều khiển robot, tuy nhiên phương án này được đánh giá là không an toàn, bởi các em có thể có những hành vi như tự đánh vào mình và robot có thể bắt chước điều đó rồi bị hư hại; do vậy, đây chỉ được coi là biện pháp dùng cho giải trí.

Một yếu tố quan trọng cho thấy khả năng liên kết giữa Zeno và trẻ tự kỷ là cách robot này có thể bắt chước hành động biểu cảm của con người. Da của Zeno được làm từ vật liệu mềm, đàn hồi và có màu giống màu da người do vậy, Zeno có thể cười, nhăn nhó và thậm chí là thể hiện sự không hài lòng.

Các robot Zeno dự tính sẽ được sản xuất hàng loạt trong mùa hè năm nay và có giá khoảng từ 3.000 đến 5.000 USD (khoảng 64 đến 107 triệu đồng). Ông Margolin tin rằng đây là mức giá vừa phải đối với những bậc cha mẹ thường chi 25.000 USD/năm để chữa trị cho những đứa con bị bệnh tự kỷ.

Một trong những “họ hàng” ở nước ngoài của Zeno là robot có tên Kaspar. Trường tiểu học Topcliffe tại Birmingham là nơi đầu tiên tại Anh sử dụng robot này để dạy trẻ mắc bệnh tự kỷ trong lớp học.

Các nhà khoa học tại trường Đại học Birmingham đã liên tục cải tiến và phát triển chức năng mới cho Kaspar dựa trên sự phản hồi và góp ý từ đội ngũ giáo viên trường tiểu học Topcliffe. Giáo viên có thể giao tiếp với các học sinh qua Kaspar bằng những mệnh lệnh được lập trình cho robot này. Một chức năng mới phát triển gần đây còn cho phép giáo viên theo dõi tiến triển bệnh tự kỷ của trẻ bằng kết quả trong các trò chơi với Kaspar.

Người phụ trách công nghệ tại trường Topcliffe, ông Ben Waterworth, nhận xét: “Những chú robot này hỗ trợ khả năng lắng nghe, giao tiếp của trẻ nhỏ và giúp học cách tập trung, một bước quan trọng trong tương tác với môi trường bên ngoài”.

Bà Karen Guldberg, Giám đốc Trung tâm giáo dục và nghiên cứu chứng tự kỷ thuộc Đại học Birmingham, phân tích: “Để dạy trẻ tự kỷ một cách hiệu quả, điều quan trọng là tìm được biện pháp khuyến khích và thu hút các em. Những chú robot đã trở thành phương tiện hiệu quả hỗ trợ giao tiếp và tương tác trong lớp học của trẻ tự kỷ". Bà Guldberg tin rằng chương trình này cũng có thể áp dụng đại trà trong trường học.

Hà Linh (Theo Guardian, DM)