06:06 03/06/2014

Chữa bệnh ở Trường Sa

Trong điều kiện cơ sở vật chất đơn sơ, trang thiết bị thiếu thốn, nhưng các y, bác sỹ ở Trường Sa vẫn cứu sống hàng trăm ngư dân trên biển. Được gặp các anh, nghe các anh kể chuyện chữa bệnh ở Trường Sa mới thấy, những người thầy thuốc ở đây đúng là những “mẹ hiền” của các bệnh nhân.

Trong điều kiện cơ sở vật chất đơn sơ, trang thiết bị thiếu thốn, nhưng các y, bác sỹ ở Trường Sa vẫn cứu sống hàng trăm ngư dân trên biển. Được gặp các anh, nghe các anh kể chuyện chữa bệnh ở Trường Sa mới thấy, những người thầy thuốc ở đây đúng là những “mẹ hiền” của các bệnh nhân.

 

Bác sỹ Nguyễn Duy Ngọc đang khám cho một thành viên đoàn công tác bị say sóng trên đường ra đảo.

Câu chuyện của bác sỹ Nguyễn Duy Ngọc, người từng là bệnh xá trưởng ở trên đảo Trường Sa Đông đã phần nào cho thấy sự tận tâm của các bác sỹ ở Trường Sa với các bệnh nhân của mình.

 

Bác sỹ, đại úy Nguyễn Duy Ngọc, công tác ở Bệnh viện Quân y khu 7 kể, từ năm 2012 đến tháng 6/2013, anh cùng một kíp quân y Bệnh viện 7A của khu 7 được điều ra Trường Sa Đông công tác. Trong thời gian công tác ngoài đảo, anh đã cùng anh em trong kíp quân y cứu chữa cho hàng trăm ca bệnh, trong đó có hàng chục ca bệnh nặng, phải phẫu thuật cấp cứu. Bệnh nhân của bệnh xá là chiến sỹ ở các đảo khác quanh khu vực chuyển tới và những ngư dân đánh bắt cá gần đó.


Bác sỹ Ngọc kể: “Mặc dù anh em quân y trong bệnh xá đều là những người đã được đào tạo trong bệnh viện, nhưng khi mới ra đảo, thấy điều kiện trang thiết bị thiếu thốn, anh em chúng tôi cũng lo lắm. Nhưng rồi chúng tôi cũng quen dần, vừa khám vừa trao đổi, rút kinh nghiệm và anh em trong nhóm đã hoàn thành nhiệm vụ của mình. Trong hơn 1 năm làm nhiệm vụ trên đảo, chúng tôi đã cứu chữa cho nhiều bệnh nhân và mỗi một ca cứu chữa là một câu chuyện đáng nhớ.


Cho đến tận bây giờ, bác sỹ Nguyễn Duy Ngọc vẫn không thể quên lần anh cứu chữa cho ngư dân Nguyễn Thành Trung, 37 tuổi, ở xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi). Khi đang đánh bắt xa bờ ở khu vực quần đảo Trường Sa, anh Trung bị đau bụng, vào đảo Đá Tây khám; được bác sỹ bên đảo Đá Tây chẩn đoán viêm ruột thừa cấp. Do Đá Tây không có bệnh xá, không có phòng mổ, nên đã chuyển bệnh nhân sang bệnh xá Trường Sa Đông. Hôm đó, biển động, gió to, sóng lớn, tàu cập cảng nhưng không vào được. Anh em đã phải “cầu cứu” đến lực lượng công binh, nhờ anh em công binh dùng cần cẩu, cẩu cả xuồng lên cầu cảng, lúc đó mới đưa được bệnh nhân vào mổ cấp cứu. Ca bệnh này lại là một ca khó, mổ kéo dài đến hơn 3 tiếng đồng hồ mới hoàn thành.


Hay ca chữa bệnh cho anh Phạm Tiến, 46 tuổi, ngư dân ở Quảng Ngãi cũng là một kỷ niệm mà bác sỹ Ngọc không thể quên. Anh Phạm Tiến là ngư dân câu cá ngừ đại dương ở cách đảo Trường Sa Đông 60 hải lý. Khi đang thả câu thì cần câu bị gãy, cần móc đập vào làm gãy vai phải. Phòng Tìm kiếm cứu nạn Hải quân tìm thấy anh Tiến bị thương, đã hướng dẫn anh tới đảo nhờ các bác sỹ ở bệnh xá cứu chữa. Hôm đó, thời tiết trên biển rất xấu, mưa to, sóng đánh lớn, tàu cấp cứu đến đảo nhưng mất nhiều giờ mà xuồng chở anh Tiến cứ trôi xung quanh, không thể vào được trong đảo. Toàn bộ anh em, chiến sỹ trên đảo Trường Sa Đông được huy động ra ngoài, tìm mọi cách đưa bệnh nhân vào bờ. Sau gần 3 tiếng đồng hồ, cuối cùng các chiến sỹ cũng đưa được bệnh nhân vào đảo. Lúc vào đến bệnh xá, bệnh nhân ở trong tình trạng sốc, mất máu nhiều. Bác sỹ Ngọc và các anh em trong bệnh xá triển khai cấp cứu, chống sốc, tiêm kháng sinh, ngừa uốn ván, đến khi bệnh nhân tỉnh lại, mới cắt tiến hành chữa trị, phẫu thuật xương cánh tay phải, cắt lọc và cố định lại chỗ xương bị gẫy. Đến 9 giờ sáng hôm sau, bệnh nhân đã ổn định, được anh em chuyển ra tàu để đưa vào bờ.


Rồi còn rất nhiều những ca mổ cấp cứu kịp thời như mổ viêm ruột thừa cấp cho trung sỹ Trần Như Vàng, đang làm nhiệm vụ ở đảo Đá Tây điểm B, chiến sỹ Trần Thức, ở đảo Đá Đông A… Có lần, có ngư dân lặn sâu bị giảm áp đến hôn mê cũng được đưa vào trong bệnh xá cấp cứu… Những chiến sỹ, ngư dân sau khi được anh em bác sỹ ở bệnh xá Trường Sa Đông cứu chữa đều cảm động khi được các bác sỹ ở bệnh xá cứu chữa kịp thời. “Nhiều gia đình bệnh nhân sau khi về nhà đã gọi điện đến đây cảm ơn các bác sỹ, cảm ơn Quân chủng Hải quân Việt Nam đã hết lòng cứu chữa cho họ”, bác sỹ Nguyễn Duy Ngọc kể.


Chia sẻ kinh nghiệm khám chữa bệnh của mình, bác sỹ Nguyễn Duy Ngọc cho biết, trong điều kiện trang thiết bị thiếu thốn, không có máy siêu âm, máy xét nghiệm… việc khám chữa cho bệnh nhân quan trọng nhất là dựa vào đôi tay, kinh nghiệm lâm sàng và chẩn đoán của bác sỹ. Mỗi bệnh nhân bị bệnh khác nhau, triệu chứng bệnh cũng khác nhau, không ca nào giống ca nào, nên trong quá trình cứu chữa, anh em trong bệnh xá phải khám xét kỹ lưỡng và dựa vào những điều mắt thấy, tai nghe để tư duy và chẩn đoán bệnh.


Bác sỹ Ngọc tâm sự: “Chuyện gặp nạn khi đi công tác, lao động trên biển là điều rất khó lường trước, nhất là vào mùa giông bão. Chính vì vậy, các y, bác sỹ khi làm nhiệm vụ trên đảo đều luôn ở trong tâm thế sẵn sàng, khắc phục mọi khó khăn để cứu chữa cho các bệnh nhân của mình”. Còn đối với những chiến sỹ, những người dân ở Trường Sa, họ luôn coi bác sỹ như những người thân trong gia đình của mình, bởi với họ, các bác sỹ ở Trường Sa đúng là những “mẹ hiền” trong lòng các bệnh nhân.

 

Hiện nay, tại tất cả các đảo nổi, đảo chìm ở Trường Sa đều có các y, bác sĩ làm nhiệm vụ khám, chữa bệnh cho chiến sỹ và ngư dân. Tuy nhiên, chỉ có các đảo nổi như: Trường Sa lớn, Song Tử Tây, Sơn Ca, Nam Yết, Trường Sa Đông, Phan Vinh, An Bang…thì mới có bệnh xá. Mỗi bệnh xá thường chỉ có 2-4 bác sĩ. Khi ra công tác ở Trường Sa, các bác sĩ chuyên khoa đều trở thành “đa khoa”. Họ phải khám và điều trị tất cả các bệnh từ thông thường đến phức tạp như đau xương khớp, huyết áp, tim mạch và kể cả trực tiếp cầm dao mổ…


Bài và ảnh: Phương Lan