08:09 23/08/2011

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng: Đại biểu Quốc hội cần giữ mối liên hệ chặt chẽ với nhân dân

Sáng 22/8, phiên họp đầu tiên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII đã khai mạc tại Hà Nội. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trì phiên họp.

Sáng 22/8, phiên họp đầu tiên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII đã khai mạc tại Hà Nội. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trì phiên họp.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Nhan Sáng-TTXVN


Báo cáo đánh giá kết quả kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIII, khẳng định: Tiếp nối thành công của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011 - 2016, kỳ họp thứ nhất đã hoàn thành tốt đẹp nội dung chương trình đề ra là xem xét, quyết định về công tác tổ chức, nhân sự cấp cao của bộ máy nhà nước; thực hiện công tác lập pháp; xem xét tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quyết định một số vấn đề quan trọng khác.

Báo cáo đã đề cập tới những nội dung cần quan tâm chỉ đạo trong thời gian tới, trong đó nhấn mạnh tới việc tiếp tục quán triệt đầy đủ, nghiêm túc sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Đảng đoàn Quốc hội về hoạt động của Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội trên các lĩnh vực lập pháp, giám sát tối cao, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước; bảo đảm kế thừa, phát huy những thành tựu và kinh nghiệm của Quốc hội các khóa trước, thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, hoàn thành tốt hơn nữa trọng trách trước đất nước, trước nhân dân; tăng cường hơn nữa công tác phối hợp chặt chẽ giữa Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội với Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao. Các nghị quyết của Quốc hội vừa được thông qua tại kỳ họp thứ nhất được tổ chức thực hiện có hiệu quả, trong đó tập trung thực hiện tốt việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 nhằm thể chế hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (sửa đổi, bổ sung năm 2011) và các văn kiện khác của Đảng. Các cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra và các cơ quan hữu quan nâng cao hơn nữa trách nhiệm, tăng cường phối hợp trong việc sớm chuẩn bị các nội dung, nghiên cứu đề xuất cải tiến nâng cao chất lượng các kỳ họp, trước mắt là kỳ họp thứ hai. Vai trò, trí tuệ và trách nhiệm các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, các đại biểu Quốc hội, đặc biệt là các đại biểu Quốc hội chuyên trách, đại biểu Quốc hội trúng cử lần đầu cần được phát huy hơn nữa trong việc xem xét, quyết định các nội dung của kỳ họp; sự đóng góp của nhân dân, cử tri cả nước trong quá trình chuẩn bị và tiến hành kỳ họp; giữ mối liên hệ thường xuyên, chặt chẽ với cử tri, lắng nghe, phản ánh trung thực ý kiến của cử tri; tích cực giám sát việc giải quyết các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân...

Kết luận buổi thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị nghiêm túc tiếp thu những ý kiến đóng góp của các vị đại biểu để bổ sung hoàn thiện Báo cáo đánh giá kết quả kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIII. Chủ tịch Quốc hội lưu ý các cơ quan hữu quan đặc biệt quan tâm và chuẩn bị thật tốt, thật kỹ các dự án luật sẽ được đưa ra tại kỳ họp thứ hai bao gồm thông qua 6 luật và 1 nghị quyết và cho ý kiến 13 dự án luật khác. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, khâu chuẩn bị có làm tốt mới nâng cao được chất lượng xây dựng pháp luật và không ảnh hưởng tới chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội. Chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan hữu quan cần có sự chuẩn bị chu đáo để đại biểu Quốc hội khóa XIII được tiếp cận nội dung các dự thảo luật, xem xét các dự án luật đã được Quốc hội khóa XII cho ý kiến tại các kỳ họp trước. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, các đại biểu Quốc hội cần giữ mối liên hệ chặt chẽ với nhân dân; ngoài hoạt động tiếp xúc cử tri cần có các hoạt động để thăm dân, sát dân hơn, quan đó hiểu tâm tư nguyện vọng của nhân dân, làm tốt vai trò là người đại biểu của nhân dân.

* Tiếp tục chương trình phiên họp thứ nhất, chiều 22/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII đã cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Lưu trữ và Luật Khiếu nại.

Bảo đảm quản lý nhà nước thống nhất về lưu trữ

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý, dự thảo Luật Lưu trữ còn một số vấn đề lớn cần xin ý kiến chỉ đạo làm cơ sở cho việc tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 2: Về việc quản lý tài liệu thuộc phông lưu trữ; tổ chức lưu trữ; Hội đồng xác định giá trị tài liệu lưu trữ; thời hạn được phép sử dụng tài liệu tại Lưu trữ lịch sử; xã hội hóa hoạt động dịch vụ lưu trữ và đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ lưu trữ.
Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng, việc quy định chỉ tổ chức lưu trữ lịch sử 2 cấp là trung ương và cấp tỉnh như trong dự thảo là phù hợp. Việc quy định chỉ thành lập lưu trữ lịch sử ở cấp tỉnh sẽ tạo điều kiện tốt hơn cho tập trung nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, hiện đại hóa kho tàng, trang thiết bị làm việc để bảo quản an toàn và tổ chức sử dụng có hiệu quả tài liệu lưu trữ; đồng thời đáp ứng yêu cầu tinh gọn bộ máy, giảm cấp trung gian, góp phần thực hiện cải cách hành chính.

Ông Nguyễn Hạnh Phúc, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Nhan Sáng-TTXVN


Đồng tình với nội dung giải trình, tiếp thu của Ủy ban Pháp luật, theo Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, phần lớn tài liệu lưu trữ có giá trị lịch sử ở cấp huyện có nội dung đã được bao hàm trong tài liệu lưu trữ cấp tỉnh. Phó Chủ tịch Quốc hội cũng tán thành việc tách riêng một điều (Điều 18) về Hội đồng xác định giá trị tài liệu; bổ sung và quy định cụ thể thành phần, nguyên tắc làm việc của Hội đồng như trong dự thảo.

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn, có những văn bản yêu cầu phải được giữ bí mật trong một khoảng thời gian dài hoặc vĩnh viễn, cần được khoanh vùng. Trong khi đó, khoản 6 Điều 30 quy định còn quá chung chung. Mặt khác, cũng phải tính đến việc lưu trữ một cách bừa bãi, ồ ạt, “cái gì cũng đưa vào lưu trữ”. Theo dự thảo, những tài liệu mật mặc dù đã hết thời hạn 40 năm, 60 năm theo quy định nhưng cần được tiếp tục bảo mật, chưa thể công khai thì cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Đề nghị mở rộng, toàn diện hơn phạm vi điều chỉnh của dự án Luật Khiếu nại

Một trong những nội dung quan trọng được đề nghị chỉnh lý của dự án Luật Khiếu nại là mở rộng, toàn diện hơn phạm vi điều chỉnh. Theo đó, quy định khiếu nại và giải quyết khiếu nại đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan, tổ chức khác hoặc người có thẩm quyền trong các cơ quan, tổ chức đó. Quan điểm này theo Ủy ban Pháp luật cũng phù hợp với quy định về quyết định hành chính và hành vi hành chính trong Luật Tố tụng hành chính vừa được Quốc hội thông qua. Những vấn đề lớn khác được xin ý kiến lần này là: Khiếu nại đông người; trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại; việc tổ chức tiếp công dân; khiếu nại, giải quyết khiếu nại đối với quyết định kỷ luật cán bộ, công chức; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong giải quyết khiếu nại và quản lý công tác giải quyết khiếu nại.

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo đã bổ sung quy định khái niệm “Khiếu nại đông người” đồng thời bổ sung quy định về việc thụ lý các trường hợp khiếu nại đông người, địa điểm để công dân thực hiện khiếu nại đông người. Theo ông Phan Trung Lý, cần làm rõ khái niệm này để phân biệt với khiếu nại của nhiều người về những vụ việc khác nhau, nhiều người đi khiếu nại tập hợp với nhau... Theo ông Nguyễn Văn Hiện, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, cần cân nhắc kỹ, thận trọng việc quy định khái niệm “khiếu nại đông người” bên cạnh khái niệm “khiếu nại” trong Luật bởi đây là vấn đề nhạy cảm, dễ bị lợi dụng.

Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng, để khắc phục những hạn chế trong cơ chế giải quyết khiếu nại hiện hành, phải có sự điều chỉnh về trình tự, thủ tục giải quyết theo hướng đơn giản, công khai, dân chủ và kịp thời hơn nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người khiếu nại.

Quỳnh Hoa - Thanh Hòa