10:10 29/10/2012

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm và làm việc tại Bình Dương, Bình Phước

Thực hiện chuyến công tác tại các tỉnh phía Nam để kiểm tra tình hình phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, ngày 27/10, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và đoàn công tác Trung ương đến thăm, làm việc tại Bình Dương và ngày 28/10 thăm và làm việc tại Bình Phước.

Thực hiện chuyến công tác tại các tỉnh phía Nam để kiểm tra tình hình phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, ngày 27/10, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và đoàn công tác Trung ương đến thăm, làm việc tại Bình Dương và ngày 28/10 thăm và làm việc tại Bình Phước.


 

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang làm việc với các đồng chí lãnh đạo của tỉnh Bình Dương. Ảnh: Nguyễn Khang - TTXVN

 

Buổi sáng 27/10, Chủ tịch nước đã có cuộc gặp gỡ với đại diện của các doanh nghiệp tại Bình Dương; làm việc với các cơ quan khối tư pháp tỉnh Bình Dương, nghe đại diện các cơ quan Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, Công an tỉnh báo cáo thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Chiều cùng ngày, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Bình Dương, nghe báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội của tỉnh.


Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đánh giá cao nỗ lực của các doanh nghiệp đóng trên địa bàn đã góp phần vào sự phát triển của tỉnh Bình Dương nói riêng và kinh tế đất nước nói chung. Chia sẻ với những khó khăn của các doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế trong nước và thế giới đang đứng trước nhiều thách thức, Chủ tịch nước nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước đã và đang có những chính sách tháo gỡ để giúp các doanh nghiệp phát triển.


Chủ tịch nước cho rằng, tình hình hiện tại đang đặt ra nhiều khó khăn thách thức, nhưng kinh tế sẽ hồi phục theo chu kỳ. Đánh giá cao Bình Dương đưa ra nhiều chính sách bảo hiểm xã hội tốt cho người lao động, đặc biệt là chương trình nhà ở cho công nhân, lao động, người thu nhập thấp, Chủ tịch nước nhấn mạnh, trong bối cảnh chung việc Bình Dương giữ được ổn định và tăng trưởng khá cao là đáng khích lệ, thực sự là điểm sáng để các địa phương trong cả nước học tập kinh nghiệm.


Chỉ đạo công tác cải cách tư pháp, Chủ tịch nước lưu ý Bình Dương là địa phương có tốc độ phát triển nhanh, tình hình tội phạm diễn biến phức tạp. Tỉnh cần phải đặc biệt chú ý công tác phòng chống tội phạm nhất là tội phạm mới trong lĩnh vực viễn thông, tin học và tội phạm mang yếu tố nước ngoài... Chủ tịch nước nhấn mạnh, kinh tế càng phát triển thì tội phạm phải càng giảm. Để làm được điều đó cùng với sự nỗ lực chung, các ngành tư pháp phải thể hiện được vai trò đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật qua đó góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật. Chủ tịch nước lưu ý lãnh đạo các ngành Công an, Kiểm sát, Tòa án cần phải đề xuất cụ thể các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, đặc biệt là các quy định trong việc chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, tạo sự đồng bộ trong đào tạo cán bộ ngành tư pháp.


Đề cập vấn đề cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn của ngành tòa án và kiểm sát, Chủ tịch nước nhấn mạnh, cùng với hỗ trợ của Trung ương, tỉnh cần tập trung đầu tư xây dựng trụ sở, trang bị cơ sở vật chất khang trang, thể hiện sự uy nghiêm của cơ quan bảo vệ pháp luật.


lNgày 28/10, thăm Đồn Biên phòng cửa khẩu Tà Vát, Bình Phước, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đánh giá cao sự nỗ lực của cán bộ chiến sĩ đồn biên phòng trong việc giữ vững an ninh trật tự vùng biên; giúp đỡ đồng bào dân tộc xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, Chủ tịch nước cũng lưu ý, chiến sĩ Đồn Biên phòng Tà Vát nói riêng và lực lượng biên phòng nói chung cần làm tốt hơn nữa công tác dân vận, gắn kết mật thiết với người dân; xây dựng thế trận lòng dân vững mạnh, qua đó xây dựng tuyến biên giới Lộc Ninh là tuyến biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.


Gặp gỡ với đại diện 30 doanh nghiệp Bình Phước, Chủ tịch nước đã lắng nghe lãnh đạo các công ty báo cáo tình hình sản xuất kinh doanh. Theo báo cáo, trong 9 tháng qua, khoảng 300/1.000 doanh nghiệp chế biến nông, lâm sản và nông nghiệp trên địa bàn tỉnh hoạt động có lãi nhưng cũng còn gặp không ít khó khăn.


Chia sẻ với những khó khăn của các doanh nghiệp, Chủ tịch nước cho rằng Bình Phước là địa phương có lợi thế về đất đai, khí hậu để đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến nông sản. Trong bối cảnh khó khăn, Chính phủ triển khai quyết liệt các giải pháp kiềm chế lạm phát, giữ ổn định kinh tế vĩ mô. Thời gian tới, Đảng, Nhà nước sẽ có những quyết sách điều chỉnh kịp thời nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phục hồi, mở rộng đầu tư kinh doanh.


Cùng ngày, Chủ tịch nước đã làm việc với các cơ quan tư pháp tỉnh Bình Phước về thực hiện chiến lược cải cách tư pháp theo Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị. Chủ tịch nước ghi nhận những chuyển biến trong công tác cải cách tư pháp của tỉnh và khen ngợi những cố gắng của các cán bộ cơ quan tư pháp tỉnh Bình Phước về việc hoàn thành tốt nhiệm vụ trong điều kiện khó khăn.


Sau khi đi thực tế, Chủ tịch nước Trương Tấn đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Phước. Chủ tịch nước đánh giá cao nỗ lực của tỉnh Bình Phước giữ được mức tăng trưởng khá, đạt hơn 13%, trong bối cảnh cả nước gặp nhiều khó khăn. Chủ tịch nước lưu ý, trong cơ cấu cây trồng của ngành nông nghiệp tỉnh, cần tập trung vào một số cây trồng trọng điểm, đang cho giá trị cao. Chủ tịch nước cho rằng, nếu chính quyền địa phương giúp nâng gấp đôi giá trị thu hoạch trên một diện tích canh tác, thì thu nhập, chất lượng cuộc sống của người dân sẽ được nâng lên nhiều mặt.


Chủ tịch nước đề nghị Bình Phước tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp giảm nghèo nhanh bền vững đối với các huyện nghèo, các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, tập trung thực hiện hiệu quả chương trình xóa đói giảm nghèo, thực hiện đầy đủ chính sách với người có công, chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số; làm tốt công tác bảo đảm an ninh quốc phòng; đấu tranh hiệu quả với các hành vi vi phạm pháp luật, xây dựng tuyến biên giới hòa bình hữu nghị.


Hoàng Giang - Quách Lắm - Văn Việt