11:08 15/11/2010

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết dự Hội nghị Cấp cao APEC 18

Chiều 14/11, sau hai ngày làm việc tại thành phố Yokohama (Nhật Bản), Hội nghị các nhà lãnh đạo Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 18 với chủ đề “Đổi mới và hành động” đã kết thúc thành công tốt đẹp.

Chiều 14/11, sau hai ngày làm việc tại thành phố Yokohama (Nhật Bản), Hội nghị các nhà lãnh đạo Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 18 với chủ đề “Đổi mới và hành động” đã kết thúc thành công tốt đẹp. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tham dự hội nghị cùng với các nhà lãnh đạo của 20 nền kinh tế thành viên khác của APEC.


Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết dự Cuộc gặp Cấp cao Hiệp định
Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP). Ảnh: Nguyễn Khang - TTXVN


Tại lễ thông qua văn kiện được tổ chức trọng thể ở Trung tâm Hội nghị Pacifico Yokohama, các nhà lãnh đạo APEC đã thông qua Tuyên bố “Tầm nhìn Yokohama - Mục tiêu Bogo và tương lai”, cùng ba văn kiện kèm theo về “Tuyên bố đánh giá thực hiện các Mục tiêu Bogo”, “Chiến lược tăng trưởng của APEC” và “Biện pháp hướng tới Khu vực mậu dịch tự do châu Á - Thái Bình Dương”. Với Tuyên bố “Tầm nhìn Yokohama - Mục tiêu Bogo và tương lai”, Hội nghị Cấp cao APEC 18 đã khép lại với những kết quả hết sức có ý nghĩa, mở ra một chặng đường mới cho tiến trình hợp tác APEC trong những năm tới.


Trước đó cùng ngày, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cùng lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC đã tham dự Phiên họp kín thứ hai của Hội nghị Cấp cao APEC 18. Với chủ đề “Mục tiêu Bogo và tương lai APEC”, các nhà lãnh đạo tập trung đánh giá việc thực hiện các Mục tiêu Bogo, thảo luận biện pháp tăng cường liên kết kinh tế khu vực, đóng góp của APEC trong việc củng cố hệ thống thương mại đa phương và phương hướng phát triển APEC trong những năm tới.


Các nhà lãnh đạo APEC nhấn mạnh, năm 2010 có ý nghĩa quan trọng, là dấu mốc của tiến trình liên kết kinh tế khu vực, góp phần làm cho APEC trở thành một diễn đàn kinh tế quan trọng tại châu Á - Thái Bình Dương. Các nhà lãnh đạo ghi nhận 13 nền kinh tế thành viên, trong đó có 5 nền kinh tế phát triển là Ôxtrâylia, Canađa, Nhật Bản, Niu Dilân và Hoa Kỳ, cùng 8 nền kinh tế đang phát triển là Chilê, Hồng Công (Trung Quốc), Hàn Quốc, Malaixia, Mêhicô, Pêru, Xinhgapo và Đài Bắc (Trung Quốc), đã đạt được những kết quả đáng kể trong việc thực hiện các Mục tiêu Bogo về tự do hóa thương mại và đầu tư mà Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ hai (năm 1994) đề ra, góp phần quan trọng đưa thương mại của APEC gia tăng mạnh mẽ. Đồng thời, các nhà lãnh đạo cũng chỉ rõ, tất cả các thành viên APEC cần tiếp tục cùng nhau nỗ lực hoàn thành các Mục tiêu Bogo vào năm 2020, thông qua việc thúc đẩy hợp tác kinh tế và kỹ thuật, hỗ trợ phát triển bền vững, đào tạo nguồn nhân lực, thu hẹp khoảng cách phát triển.

Các nhà lãnh đạo APEC cam kết đẩy mạnh liên kết kinh tế thông qua nỗ lực tự do hóa và thuận lợi hóa thương mại và đầu tư, giảm thiểu các rào cản đối với hàng hóa, dịch vụ và vốn. Các nhà lãnh đạo đã thảo luận và nhất trí thông qua nhiều biện pháp cụ thể tăng cường kết nối hạ tầng cơ sở, cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy cải cách cơ cấu, chuỗi cung ứng khu vực. Các nhà lãnh đạo đã bàn về cách thức hướng tới Khu vực mậu dịch tự do châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP) trên cơ sở các cơ chế hợp tác khu vực hiện có như ASEAN+3, ASEAN+6, Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), và các biện pháp tự do hóa dịch vụ, đầu tư, thuận lợi hóa thương mại, hàng hóa và dịch vụ môi trường.

Trước sự trì trệ của hệ thống thương mại đa phương, các nhà lãnh đạo APEC khẳng định quyết tâm kết thúc Vòng đàm phán Doha trong năm 2011, và cam kết tiếp tục không áp dụng các biện pháp bảo hộ đến năm 2013.

Phát biểu tại Phiên họp, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết khẳng định, với sự năng động và tiềm lực to lớn, APEC đã đạt những bước tiến đáng kể trong thực hiện các Mục tiêu Bogo, góp phần đưa châu Á - Thái Bình Dương trở thành khu vực có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Chủ tịch nước nhấn mạnh, các cơ chế khu vực, trong đó có ASEAN và giữa ASEAN với đối tác, đã thúc đẩy liên kết kinh tế khu vực và đề nghị cùng hỗ trợ ASEAN xây dựng Cộng đồng kinh tế, "Kế hoạch tổng thể về Kết nối ASEAN" và các chương trình hợp tác tiểu vùng của hiệp hội. Chủ tịch nước cũng đề nghị APEC cần hành động mạnh mẽ để sớm kết thúc Vòng đàm phán Doha bằng mọi phương thức, tăng cường hỗ trợ các thành viên đang phát triển để có thể hoàn thành các Mục tiêu Bogo vào năm 2020, thực hiện các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ, thu hẹp khoảng cách phát triển và xóa đói giảm nghèo.

Chiều 13/11, ngay sau lễ khai mạc, các nhà lãnh đạo 21 nền kinh tế thành viên APEC đã tiến hành Phiên họp kín thứ nhất với chủ đề “Duy trì tăng trưởng và thịnh vượng ở khu vực”.

Các nhà lãnh đạo APEC khẳng định để chuẩn bị cho giai đoạn phát triển mới hậu khủng hoảng, APEC không thể tiếp tục các mô hình tăng trưởng truyền thống, mà cần phải sớm định hình chiến lược tăng trưởng mới, phù hợp với tình hình kinh tế đang có nhiều thay đổi, ứng phó với các thách thức mới, góp phần vào việc đảm bảo tăng trưởng và liên kết kinh tế tại khu vực theo hướng bền vững và phục vụ lợi ích của mọi người dân. Theo đó, để triển khai thỏa thuận tại Hội nghị Cấp cao APEC 17 tại Xinhgapo năm 2009, các nhà lãnh đạo nhất trí cùng nhau xây dựng “Chiến lược tăng trưởng của APEC” với 5 nội hàm cơ bản là “cân bằng, đồng đều, bền vững, đổi mới và an toàn” (Chiến lược tăng trưởng mới); ủng hộ tăng cường nỗ lực chung toàn cầu, và vai trò điều phối kinh tế toàn cầu của nhóm G-20.

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã có bài phát biểu tại Phiên họp kín thứ nhất. Trong khi nhấn mạnh châu Á - Thái Bình Dương, nhất là khu vực Đông Á, tiếp tục là động lực của quá trình phục hồi và tăng trưởng của kinh tế toàn cầu, Chủ tịch nước cũng chỉ rõ việc tăng cường phối hợp và nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế vẫn là nhu cầu bức thiết và APEC cần tiếp tục nỗ lực để giải quyết hậu quả của khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu và đưa kinh tế thế giới bước vào giai đoạn tăng trưởng mới. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cho rằng, trong Chiến lược tăng trưởng mới, vấn đề then chốt là phát triển kinh tế cần gắn liền với phát triển xã hội và bảo vệ môi trường, trong đó, cần lấy con người là chủ thể và trọng tâm. Chủ tịch nước đề nghị, APEC cần đẩy mạnh hợp tác nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các thành viên thông qua tăng cường liên kết kinh tế - thương mại - đầu tư, chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực, phát triển cơ sở hạ tầng và cải cách cơ cấu, gắn kết Chiến lược tăng trưởng mới với việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ và các chương trình hợp tác của các thành viên ở cấp độ tiểu vùng và khu vực.

Trưa 14/11, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã tham dự Cuộc họp Cấp cao đầu tiên của 9 nước thành viên TPP, gồm Brunây, Chilê, Hoa Kỳ, Malaixia, Niu Dilân, Ôxtrâylia, Pêru, Xinhgapo và Việt Nam. Lãnh đạo các nước thành viên đã hoan nghênh việc Việt Nam và Malaixia chính thức tham gia đàm phán TPP, đồng thời xác định phương hướng cho tiến trình đàm phán trong thời gian tới.

Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã thông báo quyết định của Việt Nam tham gia đàm phán TPP với tư cách thành viên chính thức. Chủ tịch nước khẳng định: Việt Nam sẽ tiếp tục cùng các thành viên khác nỗ lực để TPP trở thành một liên kết kinh tế khu vực mới, năng động, đáp ứng lợi ích của các nước thành viên, góp phần thúc đẩy liên kết kinh tế, tăng trưởng, thịnh vượng của khu vực.

l Nhân dịp Hội nghị Cấp cao APEC 18, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã có các cuộc gặp với Tổng thống Mêhicô Felipe Calderon, Tổng thống Pêru Alan Garcia Perez và Thủ tướng Canađa Stephen Harper.

Trong chuyến thăm thành phố Nagoya, tỉnh Aichi (Nhật Bản) chiều 14/11, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã tiếp Tỉnh trưởng tỉnh Aichi Masaaki Kanda, Thị trưởng Nagoya Takashi Kawamura, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Nagoya Jiro Takahashi và lãnh đạo Hiệp hội Kinh tế miền Trung Nhật Bản đến chào.

Dương Đức Dũng