04:12 18/04/2015

Chủ tịch nước dự Đại hội đại biểu Luật sư toàn quốc lần thứ II

Chủ tịch nước dự Đại hội đại biểu Luật sư toàn quốc lần thứ II, nhiệm kỳ 2014-2019.

Ngày 18/4, Đại hội đại biểu Luật sư toàn quốc lần thứ II, nhiệm kỳ 2014-2019, đã khai mạc trọng thể tại Thủ đô Hà Nội.

Dự Đại hội có Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cùng đại diện các ban, ngành Trung ương, đại diện Đại sứ quán và tổ chức quốc tế cùng 390 đại biểu là các luật sư đại diện cho hơn 9.000 luật sư trên cả nước. 

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu tại lễ khai mạc Đại hội đại biểu Luật sư toàn quốc lần thứ hai. Ảnh: Nguyễn Khang - TTXVN



Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng gửi lẵng hoa chúc mừng Đại hội.

Đại hội xác định trong nhiệm kỳ II, Liên đoàn luật sư Việt Nam tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục đội ngũ luật sư nhận thức đúng đắn về vị trí, vai trò và trách nhiệm của mình; tiếp tục đề nghị Đảng, Nhà nước có những quy định tạo điều kiện cho Liên đoàn luật sư Việt Nam thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao, làm tốt vai trò là cầu nối vững chắc giữa Đảng, Nhà nước, nhân dân với giới luật sư; củng cố và nâng cao vai trò tự quản của Liên đoàn luật sư và các Đoàn luật sư. Phát triển đội ngũ luật sư đủ về số lượng và mạnh về chất lượng, Liên đoàn tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức nghề nghiệp; triển khai các biện pháp có hiệu quả nhằm tăng cường số lượng luật sư ở các tỉnh miền núi và các tỉnh khác có khó khăn trong việc phát triển số lượng luật sư; tăng cường công tác hướng dẫn bồi dưỡng, giám sát tập sự hành nghề luật sư, quản lý chặt chẽ chất lượng tập sự hành nghề nhằm tăng cường chất lượng đầu vào của đội ngũ luật sư…

Trong nhiệm kỳ này, Liên đoàn Luật sư tập trung nâng cao vai trò, trách nhiệm của tổ chức luật sư trong việc thực hiện các nhiệm vụ chung của đất nước; tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ và bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp của luật sư; đẩy mạnh công tác giám sát đạo đức nghề nghiệp, xử lý nghiêm minh những trường hợp vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp đồng thời khen thưởng kịp thời những cá nhân, đơn vị có thành tích; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của cơ quan, tổ chức và nhân dân về vai trò, vị trí của luật sư trong xã hội.

Phát biểu với các luật sư tại Đại hội, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhiệt liệt biểu dương và chúc mừng những kết quả đạt được của Liên đoàn trong nhiệm kỳ qua.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Chủ tịch nước đã thẳng thắn chỉ ra những mặt còn hạn chế. Đó là tỷ lệ luật sư trên số dân vẫn ở vào hàng thấp trên thế giới; chất lượng hoạt động của luật sư chưa đáp ứng được đòi hỏi ngày càng cao về tố tụng và tư vấn phát luật theo yêu cầu của cải cách tư pháp… Công tác quản lý nhà nước với luật sư còn nhiều hạn chế, một số địa phương chưa thực hiện đúng nội dung, tinh thần, Chỉ thị số 33 – CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động của luật sư cũng như các quy định của pháp luật về luật sư và hành nghề luật sư. Chủ tịch nước nhấn mạnh đây là những vấn đề Liên đoàn cần tích cực khắc phục trong nhiệm kỳ này. 

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu tại lễ khai mạc. Ảnh: Nguyễn Khang - TTXVN.



Nhắc lại những nhiệm vụ đã được đặt ra tại Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đề nghị Liên đoàn Luật sư Việt Nam cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý nhà nước tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức từ Trung ương đến địa phương, đổi mới nâng cao chất lượng hoạt động, thực hiện chế độ tự quản, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của luật sư và tổ chức hành nghề luật sư, đẩy mạnh công tác đào tạo, phát triển đội ngũ luật sư. Chủ tịch nước lưu ý mỗi luật sư cần phải tự giác rèn luyện đạo đức nghề nghiệp, gương mẫu tuân thủ pháp luật, nỗ lực học tập, nâng cao cao bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp để đủ năng lực tham gia vào các tổ chức quốc tế và tham gia giải quyết các vụ tranh chấp quốc tế.

Đồng thời, nghiên cứu đề xuất với cơ quan có thẩm quyền tiếp tục hoàn thiện luật pháp, góp phần tạo hành lang pháp lý, thuận lợi cho luật sư, tổ chức luật sư hoạt động; xây dựng cơ chế để luật sư thực hiện tốt việc tranh tụng tại phiên tòa xét xử các vụ án hình sự, phát huy vai trò của luật sư ngay trong giai đoạn điều tra nhằm đảm bảo cho mọi công dân có nhu cầu đều được luật sư trợ giúp pháp lý và được bào chữa khi bị xét xử về hình sự.

Liên đoàn Luật sư Việt Nam cần thực hiện tốt vai trò là cầu nối giữa Đảng và Nhà nước và giới luật sư; đại diện cho ý chí, nguyện vọng, trí tuệ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của giới luật sư; bảo đảm các hoạt động của luật sư thực hiện đúng đường lối, quan điểm của Đảng, pháp luật của Nhà nước; mở rộng hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế với các tổ chức luật sư trong khu vực và trên thế giới.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đề nghị Đại hội tập trung trí tuệ, thảo luận, trao đổi thẳng thắn, cởi mở, dân chủ, kỷ cương, đánh giá đúng thực chất các kết quả, hạn chế và nguyên nhân trong việc thực hiện nghị quyết nhiệm kỳ qua; quyết định phương hướng hoạt động của Liên đoàn Luật sư nhiệm kỳ tiếp theo; sáng suốt lựa chọn bầu vào Hội đồng Luật sư toàn quốc, Ban Thường vụ và các chức danh lãnh đạo của Liên đoàn Luật sư Việt Nam những người đủ tiêu chuẩn về chính trị, phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn, có bề dày kinh nghiệm và bản lĩnh cao trong hoạt động tư pháp, hoạt động luật sư; có khả năng tập hợp, đoàn kết luật sư cả nước, hết lòng vì sự phát triển tổ chức luật sư nói riêng và đất nước nói chung. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định Đảng và Nhà nước sẽ tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện để Liên đoàn và giới luật sư Việt Nam hoàn thành sức mạng cao cả của mình.

Nhiệm kỳ I (2009-2014), Liên đoàn Luật sư Việt Nam bước đầu đã thực hiện tốt vai trò là ngôi nhà chung tập hợp, đoàn kết giới luật sư Việt Nam; thực hiện công tác tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp luật sư; làm tốt vai trò là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước, xã hội và giới luật sư. Vị thế của Liên đoàn đã bước đầu được khẳng định cả ở trong nước và quốc tế. Những kết quả của nhiệm kỳ I đã đặt nền móng, tạo cơ sở vững chắc cho việc hoàn thiện và phát triển tổ chức, hoạt động của Liên đoàn và các thành viên Liên đoàn trong những nhiệm kỳ tiếp theo; tạo niềm tin cho đội ngũ luật sư vào tổ chức của mình và triển vọng phát triển của nghề luật sư.

Theo báo cáo của các Đoàn luật sư, từ tháng 5/2009 đến nay, số lượng vụ việc luật sư tham gia bào chữa, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, cung cấp dịch vụ pháp lý khác cho các cá nhân, tổ chức là: 77.129 vụ án hình sự, 65.263 vụ án dân sự, 5.486 vụ án kinh tế, 272.365 vụ tư vấn trong các vụ việc khác, 89.491 dịch vụ pháp lý khác, 37.827 vụ việc trợ giúp pháp lý miễn phí...Nhìn chung, số lượng dịch vụ pháp lý của luật sư năm sau tăng hơn năm trước.


Quỳnh Hoa (TTXVN)