05:09 16/05/2011

Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu

Theo các kịch bản biến đổi khí hậu, vào cuối thế kỷ 21 nhiệt độ trung bình năm ở Việt Nam tăng khoảng 2,3 độ C, tổng lượng mưa mỗi năm đều tăng nhưng trong khi đó lượng mưa vào mùa khô lại giảm, mực nước biển có thể dâng khoảng từ 75 cm đến 1 m so với trung bình thời kỳ 1980-1999.

Tại Hội nghị tham vấn Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu được tổ chức mới đây tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nhấn mạnh: Theo các kịch bản biến đổi khí hậu, vào cuối thế kỷ 21 nhiệt độ trung bình năm ở Việt Nam tăng khoảng 2,3 độ C, tổng lượng mưa mỗi năm đều tăng nhưng trong khi đó lượng mưa vào mùa khô lại giảm, mực nước biển có thể dâng khoảng từ 75 cm đến 1 m so với trung bình thời kỳ 1980-1999. Nếu mực nước biển dâng cao 1 m, sẽ có khoảng 40% diện tích đồng bằng sông Cửu Long, 11% diện tích đồng bằng sông Hồng và 3% diện tích của các tỉnh khác thuộc vùng ven biển sẽ bị ngập; 10 - 12% dân số nước ta bị ảnh hưởng trực tiếp và tổn thất khoảng 10% GDP.

Phát triển bền vững để ứng phó hiệu quả

Là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, Việt Nam coi ứng phó với biến đổi khí hậu là vấn đề có ý nghĩa sống còn. Bởi nhiệt độ tăng, mực nước biển dâng sẽ gây ngập lụt, nhiễm mặn, nguồn nước ảnh hưởng đến nông nghiệp, gây rủi ro lớn đối với công nghiệp và các hệ thống kinh tế-xã hội trong tương lai.

Hàng trăm cây cao su tại khu vực xã Tân Phước, Đồng Tiến của huyện Đồng Phú (tỉnh Bình Phước) bị lốc xoáy quật ngã. Ảnh: Đậu Tất Thành - TTXVN


Sự hiện hữu của biến đổi khí hậu ở nước ta đã và đang trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết. Minh chứng là từ năm 1960 đến nay, nhiệt độ trung bình năm đã tăng khoảng 0,5 độ C, mực nước biển đã dâng khoảng 20 cm. Đặc biệt, hiện tượng El Nino và La Nina ngày càng tác động mạnh mẽ đến thời tiết nước ta, gây ra bão, lũ và hạn hán ngày càng khốc liệt. Đây chính là nguy cơ đe dọa đến mục tiêu xóa đói giảm nghèo, cho việc thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ và sự phát triển bền vững của đất nước.

Do đó, ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam phải gắn liền và hướng tới phát triển bền vững, dựa trên nền kinh tế các-bon thấp và tăng trưởng xanh, tận dụng các cơ hội để đổi mới, nâng cao năng lực cạnh tranh và sức mạnh quốc gia; tiến hành đồng thời giảm thiểu phát thải khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu, trong đó thích ứng ở những thập kỷ đầu thế kỷ 21 phải là trọng tâm.

Chú trọng phòng ngừa và cảnh báo sớm

Trong Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu đến năm 2050 và tầm nhìn đến năm 2100, nhiệm vụ cấp bách nhất đó là lập bản đồ ngập lụt tương ứng với các kịch bản về nước biển dâng, điều chỉnh quy hoạch thủy lợi vùng đồng bằng sông Cửu Long, đồng bằng sông Hồng; triển khai các giải pháp chống xâm nhập mặn hiệu quả cho các vùng cửa sông để đảm bảo ổn định phát triển kinh tế, kết hợp với củng cố nâng cấp hệ thống đê sông, đê biển ở các đoạn xung yếu nhất, các dự án chống ngập cho các thành phố, đô thị lớn. Mặt khác, xây dựng hệ thống giám sát biến đổi khí hậu và nước biển dâng với độ chính xác cao, gắn với hệ thống thông tin địa lý, thông tin viễn thám thành một bản đồ rủi ro thiên tai, rủi ro khí hậu và nước biển dâng phục vụ công tác hoạch định chính sách, các hoạt động thích ứng từ Trung ương đến địa phương.

Bên cạnh việc phòng chống hiệu quả thiên tai, lũ quét và sạt lở đất ở miền núi, cần đẩy mạnh hơn nữa tiến độ thực hiện các dự án trồng rừng, tái trồng rừng, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào trồng rừng kinh tế.

Hoàn thành xây dựng các chương trình chiến lược năng lượng quốc gia trung và dài hạn và các chương trình đặc biệt cho các ngành quan trọng như than, dầu khí, năng lượng tái tạo, năng lượng hạt nhân nhằm đảm bảo cung cấp năng lượng ổn định và phát triển năng lượng sạch về lâu dài.

Hiện đại hóa hệ thống quan trắc và công nghệ dự báo khí tượng thủy văn bảo đảm cảnh báo, dự báo sớm các hiện tượng khí hậu cực đoan. Đến năm 2015 phát triển mạng lưới quan trắc khí tượng thủy văn đồng bộ, có mật độ trạm tăng ít nhất 50% so với hiện nay và tự động hóa 75% số trạm. Nâng thời hạn dự báo bão, áp thấp nhiệt đới lên 72 giờ, giảm 50% thiệt hại về người do các hiện tượng khí hậu cực đoan gây ra so với trung bình năm 1990 - 2000.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên khẳng định: Ngân sách nhà nước tăng mức đầu tư cho công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, nhất là đầu tư cho các dự án ứng phó cấp bách.

Nhà nước cũng xây dựng các cơ chế khuyến khích, huy động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia cung cấp tài chính cho ứng phó với biến đổi khí hậu. Tăng cường sự tham gia của toàn hệ thống chính trị trong tổ chức chỉ đạo, phối hợp liên ngành về thích ứng và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; hoàn thiện hệ thống thể chế tạo điều kiện cho người dân tham gia vào quá trình xây dựng văn bản pháp luật, lập quy hoạch, kế hoạch, quản lý và giám sát việc thực hiện Chương trình, dự án về biến đổi khí hậu tại các địa phương...

Văn Hào