06:09 06/06/2011

Chủ động tiêm vắcxin phòng tránh dịch rubella

Theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế, để hạn chế số ca phải đình chỉ thai nghén do rubella, biện pháp tốt nhất vẫn là chủ động tiêm phòng vắcxin rubella cho phụ nữ.

Theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế, để hạn chế số ca phải đình chỉ thai nghén do rubella, biện pháp tốt nhất vẫn là chủ động tiêm phòng vắcxin rubella cho phụ nữ.

Khó chẩn đoán

Theo TS Nguyễn Công Nghĩa, Trưởng phòng Nghiên cứu khoa học - Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội: “Tuổi thai càng bé thì mức độ nguy hiểm cho thai nhi càng cao. Do đó, vấn đề quan trọng lúc này là cần xác định bà mẹ có nhiễm rubella hay không? Tuổi thai như thế nào?”

Tiêm phòng ngừa bệnh Rubella. Ảnh: Internet


Thực tế, việc chẩn đoán thai nhi mắc hội chứng rubella bẩm sinh rất khó vì phải thực hiện qua một số kỹ thuật như: Làm sinh thiết gai rau thai lúc thai nhi được 12 tuần tuổi, chọc dò nước ối kiểm tra hoặc lấy máu cuống rốn để xét nghiệm. Hiện nay, 2 kỹ thuật sinh thiết gai rau thai và lấy máu cuống rốn rất phức tạp, khó thực hiện tại Việt Nam; còn việc chọc nước ối thì hiện các chuyên gia y tế tại bệnh viện tuyến trung ương mới bắt đầu nghiên cứu về kỹ thuật này. Do đó, hiện các bác sĩ chỉ còn cách xác định gián tiếp thông qua việc bà mẹ có bị nhiễm rubella hay không và tuổi thai như thế nào?

Dù vậy, việc xác định chính xác tuần thai và việc bà mẹ nhiễm rubella hay không cũng không đơn giản. Bệnh rubella triệu chứng điển hình là phát ban, mệt mỏi, đau nhức khớp… Nhưng một số bệnh nhân bị phát ban cũng không chắc là do rubella, mặt khác khi mắc rubella cũng có thể không có triệu chứng gì. Việc chẩn đoán được hỗ trợ bằng xét nghiệm máu tìm kháng thể kháng virút rubella, tuy nhiên, cũng không hẳn thấy kháng thể thì chắc chắn bị rubella, còn không thấy kháng thể thì có thể loại trừ hẳn bệnh.

"Chúng tôi thường tư vấn các thai phụ nên bỏ thai khi nhiễm rubella trong 3 tháng đầu, vì khoa học đã có bằng chứng, tới 60 - 65% phụ nữ mang thai nhiễm rubella trong 3 tháng đầu thì thai nhi bị Hội chứng rubella bẩm sinh. Trường hợp thai được 16 tuần thì tư vấn theo phương thức 50/50, có nghĩa là thai phụ tự quyết định, chấp nhận có thể 50% bỏ thai nhầm, 50% bỏ đúng. Đối với những thai trên 20 tuần, chúng tôi hạn chế tối đa đình chỉ vì nguy cơ thai nhi nhiễm rubella thấp. Tuy nhiên, cũng chưa thể chẩn đoán chính xác được rằng thai nhi đã nhiễm bệnh hay chưa”, PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc BV Phụ sản TƯ cho hay.

Tiêm vắcxin trước khi mang thai từ 1-3 tháng

Theo PGS.TS Lê Anh Tuấn, đưa hoạt động tiêm chủng vắcxin rubella vào Chương trình tiêm chủng mở rộng. Đây cũng là khuyến cáo của đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) sau khi tìm hiểu dịch rubella đang hoành hành tại Việt Nam.

Theo các chuyên gia của WHO, 20 năm về trước, tại một số nước cũng xảy ra những vụ dịch sốt rubella như chúng ta bây giờ, tức là vài ba năm dịch lại bùng phát và cũng xảy ra tình trạng phá thai hàng loạt. Nhưng sau khi các nước áp dụng biện pháp tiêm chủng vắcxin ngừa rubella thì bệnh dịch gần như được dập tắt.

Trước mắt, những phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ nên chủ động tiêm phòng vắcxin rubella trước khi mang thai từ 1- 3 tháng. "Khi đã tiêm vắcxin rubella rồi thì cần áp dụng biện pháp tránh thai để tránh có thai ngoài ý muốn”, PGS.TS Lê Anh Tuấn, khuyến cáo.

Tuy nhiên, ngay cả khi đã tiêm phòng vắcxin trước khi mang thai hay chưa tiêm thì các thai phụ cũng cần tự phòng bệnh bằng cách cách ly với người bị bệnh, đeo khẩu trang khi tới chỗ đông người, tốt nhất là nên hạn chế tiếp xúc ở nơi đông người, nhất là nơi đó xảy ra dịch sốt phát ban do rubella như đang xảy ra ở Hà Nội hiện nay. Ngoài ra, thai phụ cần ăn nhiều hoa quả để tăng sức đề kháng, tăng cường vệ sinh cá nhân, tránh tối đa những viêm nhiễm.

Phương Liên