03:10 11/03/2011

Chủ động đối phó với hạn hán, mặn xâm nhập

Hạn hán, nước mặn xâm nhập đang gây nên tình trạng thiếu nước ngọt tại đồng bằng sông Cửu Long và khu vực Tây Nguyên. Trong khi đó, mùa mưa năm nay được dự báo đến muộn hơn so với mọi năm, do vậy sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới sản xuất nông nghiệp.

Hạn hán, nước mặn xâm nhập đang gây nên tình trạng thiếu nước ngọt tại đồng bằng sông Cửu Long và khu vực Tây Nguyên.


Trong khi đó, mùa mưa năm nay được dự báo đến muộn hơn so với mọi năm, do vậy sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới sản xuất nông nghiệp. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Đào Xuân Học đã trao đổi với phóng viên Tin Tức xung quanh vấn đề này.

Xin ông cho biết mức độ hạn hán, xâm nhập mặn tại đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên trong mùa khô năm nay?

Mọi năm, từ giữa tháng 3 và tháng 4 mới xảy ra hạn hán, xâm nhập mặn. Năm nay, ngay từ giữa tháng 2, nhiều địa phương trong vùng đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên đã phải “gồng mình” đối phó với hạn hán và đặc biệt là trình trạng nước mặn xâm nhập. Theo tin tức tôi nhận được, tại một số tỉnh ven biển, nước biển xâm nhập sâu vào các sông rạch khiến các dòng sông bị nhiễm mặn sớm.

Tình trạng khô hạn hiện nay tại một trạm bơm ở huyện Thanh Trì, Hà Nội. Ảnh: Hoàng Lâm - TTXVN


Nước trên các sông Cổ Chiên, sông Cửa Đại, sông Hàm Luông, tỉnh Bến Tre đã bị nhiễm mặn 4‰, lấn sâu vào nội địa 30 - 35 km. Hay cửa biển Trần Đề giáp với hai tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng, nước mặn cũng lấn sâu khoảng 30 km. Theo Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam và Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, năm nay, nước mặn có thể xâm nhập vào hệ thống sông rạch tới 70 km (tính từ cửa sông), sâu hơn các năm trước khoảng 20 km.

Hiện chúng tôi chưa có thống kê cụ thể về mức độ thiệt hại và diện tích bị ảnh hưởng. Nhưng hạn hán, xâm nhập mặn khiến chúng ta sẽ thiếu nước ngọt để cung cấp cho các vùng sản xuất, ngay cả nước sinh hoạt cho các vùng đó cũng bị khó khăn. Những nơi xâm nhập mặn cao sẽ không có điều kiện để cây trồng phát triển, một số cây trồng sẽ bị chết. Đối với nuôi trồng thủy sản cũng bị ảnh hưởng đến năng suất tôm và một số loại thủy sản khác.

Hiện chúng tôi chưa có thống kê đầy đủ diện tích tình trạng khô hạn và xâm nhập mặn từ các địa phương. Sau khi đánh giá thiệt hại do hạn hán, nước mặn xâm nhập gây ra, Bộ NN&PTNT sẽ có báo cáo và có thể kiến nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ nông dân.

Nhiều năm gần đây, hạn hán, xâm mặn liên tục diễn ra tại đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên phải chăng hệ thống thủy lợi chưa đáp ứng được yêu cầu?

Chuẩn bị máy bơm thủy lực lớn để bơm nước, cứu lúa bị hạn tại thành phố Kon Tum. Ảnh: Trần Lê Lâm - TTXVN


Do chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và tốc độ đô thị hóa nhanh khiến hệ thống thủy lợi ở những khu vực này chưa phát huy hết hiệu quả ngăn mặn, trữ ngọt. Nhưng các công trình thủy lợi lớn tại đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên cũng đã ít nhiều phát huy hiệu quả, người dân chống hạn, cải tạo được diện tích lớn đất phèn, đất mặn, nâng cao năng suất cây trồng.

Bộ NN&PTNT đã hướng dẫn các địa phương khắc phục tình trạng này chưa, thưa ông?

Việc đầu tiên là các địa phương phải khuyến cáo nông dân biết những vùng nào có thể sản xuất, vùng nào phải tích nước để tránh ảnh hưởng của quá trình hạn hán, xâm nhập mặn. Về lâu dài, chúng tôi sẽ đấu tranh hạn chế việc xây dựng thủy điện trên thượng nguồn các con sông lớn chảy qua nhiều nước như Mêkông… để giảm tác động thiếu nước đến đồng bằng sông Cửu Long.
 
Tuy nhiên, chúng ta phải chủ động ngăn mặn, trữ ngọt là chính, hiện Chính phủ đã giao cho Bộ NN&PTNT quy hoạch thủy lợi ở các khu vực này trong điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo các vụ, viện nghiên cứu, trong đó xem xét vấn đề ngăn mặn, trữ nước ngọt, bảo đảm nước ngọt để chúng ta có thể chủ động về nguồn nước.

Xin cảm ơn ông!

Hữu Vinh (ghi)