01:15 27/01/2011

Chủ động chống hạn và rét hại: Tận dụng tối đa nguồn nước tưới

Chưa bao giờ vụ đông xuân lại đối mặt với nhiều khó khăn như năm nay. Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương, hạn hán, rét đậm - rét hại sẽ còn kéo dài tới hết tháng 3/2011.

Chưa bao giờ vụ đông xuân lại đối mặt với nhiều khó khăn như năm nay. Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương, hạn hán, rét đậm - rét hại sẽ còn kéo dài tới hết tháng 3/2011.


Ông Nguyễn Trí Ngọc, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông Nghiệp & Phát triển nông thôn) trao đổi với Tin Tức về kế hoạch triển khai vụ đông xuân 2011 trong điều kiện khó khăn hiện nay.

Dự báo hạn hán năm nay sẽ còn kéo dài, Bộ và Cục Trồng trọt đã chỉ đạo các địa phương chuẩn bị tích nước như thế nào, thưa ông?

Hiện Cục vẫn đang tích cực chỉ đạo các địa phương lấy nước, tích nước khi các thủy điện xả nước đợt 1 vào ngày hôm nay (27/1). Trong thời gian qua, chúng tôi đã đi kiểm tra việc tích nước tại các địa phương, tôi rất mừng khi thấy các địa phương đã chủ động lấy nước từ nhiều nguồn khác nhau.

Xí nghiệp khai thác công trình thủy lợi Châu Giang tổ chức bơm nước từ sông Điện Biên (Hưng Yên) đưa vào dự trữ để phục vụ sản xuất. Ảnh: Đình Huệ - TTXVN


Hôm nay (27/1), các địa phương phải tập trung lấy nước, kết hợp với triều cường lên đưa nước vào các kênh rạch xa, sâu và trữ nước ở các hồ, ao, kênh. Tư tưởng chỉ đạo trong đợt lấy nước này là lấy càng nhiều nước càng tốt.

Xin ông cho biết Bộ đã hỗ trợ gì cho các địa phương trong việc chống hạn?

Đến thời điểm này, Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ xin hỗ trợ kinh phí chống hạn cho các địa phương. Nhưng đây là thời điểm đầu năm nên Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Bộ Tài chính đã hướng dẫn các địa phương xuất nguồn kinh phí dự trữ để hỗ trợ nạo vét kênh mương, hỗ trợ các trạm bơm tưới, sau vụ đông xuân, Nhà nước sẽ hỗ trợ. Hiện các địa phương đã chuẩn bị đủ các điều kiện cho đợt lấy nước này như hỗ trợ thêm các máy bơm dã chiến.

Ngoài ra, thời gian bơm xả nước đúng vào thời điểm sát Tết và sau Tết Nguyên đán nên trên thực tế, rất có thể bà con nông dân và cán bộ thủy lợi sẽ lơ là. Do vậy, chúng tôi đề nghị càng trong dịp Tết thì cán bộ và nhân dân vùng lấy nước cày phải tập trung cao độ để lấy nước và giữ nước, tránh để thất thoát, lãng phí.


Đồng thời cán bộ quản lý tăng cường kiểm tra, giám sát, chỉ đạo và có chế độ luân phiên trực.

Công tác chống rét cho lúa năm nay như thế nào, thưa ông?

Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương, đợt rét đậm, rét hại sẽ kéo dài đến tận ngày Lập xuân (ngày 4/2 âm lịch). Như vậy, đợt rét lịch sử này chẳng kém so với năm 2008, hơn nữa tỷ lệ ngày rét hại còn nhiều hơn so với năm 2008.

Nông dân tỉnh Hà Nam tranh thủ làm đất đổ ải khi có nước. Ảnh: Ngọc Hà -TTXVN


Ban ngày nhiệt độ cao nhưng ban đêm nhiệt độ xuống rất thấp, mức chênh lệch nhiệt độ ngày và đêm rất cao. Vì vậy, chắc chắn gây ra tác hại đối với sự sinh trưởng và phát triển của cây trồng. Do đó đến thời điểm này có khoảng hơn 200 ha mạ bị chết và khoảng 4.000 ha lúa lá đã bị héo, nhổ lên thấy rễ bắt đầu có hiện tượng đen. Nếu rét còn kéo dài thì chắc không qua khỏi.

Vì vậy, trước hết phải tập trung giữ được diện tích mạ đã gieo bằng cách che phủ ni lông tuyệt đối. Ban ngày thì rút nước ra, ban đêm thì đưa nước vào. Tăng cường bón tro bếp, phân mục, tuyệt đối không được bón đạm, NPK.

Thứ hai là đối với những giống đã chuẩn bị để gieo xung quanh tiết Đại hàn thì dừng lại, nghe ngóng thời tiết, gieo xung quanh tiết Lập xuân. Trước đó, cập nhật kỹ dự báo thời tiết để đưa thóc giống ra ngâm ủ, gieo cấy mạ sân (phương pháp gieo hạt giống lúa trên nền sân xi măng hoặc nền đất phủ ni lông để hạt giống phát triển thành cây mạ rồi mới đưa ra ruộng cấy), nền có che phủ ni lông, thậm chí mạ mùng, có dùng cả ánh sáng đèn điện để giữ được mạ sân trong điều kiện rét đậm, rét hại. Giữ được tức là đảm bảo thắng lợi cho vụ đông xuân. Thứ ba là tuyệt đối không được cấy lúa xuân trong điều kiện rét đậm, rét hại, chờ nhiệt độ tăng lên trung bình 15 độ C mới cấy, dưới 15 độ C thì tuyệt đối không được cấy.

Thứ tư, ngày hôm nay (27/1) là ngày lấy nước đổ ải đầu tiên nên cần tập trung cao độ để lấy nước đổ ải và làm mạ, vì năm nay lượng nước rất thấp, thiếu, nên Tập đoàn Điện lực Việt Nam chỉ xả nước 2 lần. Vì vậy, lấy nước đợt 1 có ý nghĩa hết sức quan trọng cho việc gieo mạ, làm đất và cấy lúa xuân trong điều kiện khung thời vụ xung quanh tiết Lập xuân.

Cục đã hướng dẫn địa phương thay đổi cơ cấu giống như thế nào cho phù hợp với tình hình thực tế?

Dự báo, năm nay thiếu nước nên trong vụ này, ngay từ đầu chúng tôi đã chủ động chuyển khoảng 10.000 ha lúa trong phạm vi các tỉnh phía Bắc sang trồng cây trồng cạn như: Ngô, rau đậu, rau màu vừa ngắn ngày, vừa sử dụng nước ít mà vẫn đảm bảo được hiệu quả kinh tế cho người nông dân.

Còn về mùa vụ năm nay, ngay từ đầu Bộ và Cục Trồng trọt đã chỉ đạo các địa phương cố gắng bỏ trà xuân sớm và xuân chính vụ, tập trung gieo cấy trong trà xuân muộn, sử dụng các giống lúa thuần lai ngắn ngày, năng suất cao, chất lượng khá, tập trung gieo xung quanh tiết Lập xuân và cấy gọn trong tháng 2/2011. Ở những chân ruộng chủ động nước, tổ chức gieo sạ bằng máy. Như vậy mới giảm được sức lao động trong thời vụ khẩn trương mà vẫn chủ động được trong khung thời vụ.

Xin cảm ơn ông!

Trước hết phải tập trung giữ được diện tích mạ đã gieo bằng cách che phủ ni lông tuyệt đối. Ban ngày thì rút nước ra, ban đêm thì đưa nước vào. Tăng cường bón tro bếp, phân mục, tuyệt đối không được bón đạm, NPK. Thứ hai là đối với những giống đã chuẩn bị để gieo xung quanh tiết Đại hàn thì dừng lại, nghe ngóng thời tiết, gieo xung quanh tiết Lập xuân. Trước đó, cập nhật kỹ dự báo thời tiết để đưa thóc giống ra ngâm ủ, gieo cấy mạ sân. Thứ ba là tuyệt đối không được cấy lúa xuân trong điều kiện rét đậm, rét hại, chờ nhiệt độ tăng lên trung bình 15 độ C mới cấy, dưới 15 độ C thì tuyệt đối không được cấy.

Hữu Vinh thực hiện