03:14 22/03/2012

Chống khủng bố, cả Mỹ và Pakixtan

Sau khi một ủy ban Quốc hội Pakixtan đưa ra những khuyến nghị liên quan tới mối quan hệ sóng gió giữa Pakixtan và Mỹ, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton ngày 21/3 khẳng định Oasinhtơn và Ixlamabát cùng chia sẻ các lợi ích trong cuộc chiến chống khủng bố.

Sau khi một ủy ban Quốc hội Pakixtan đưa ra những khuyến nghị liên quan tới mối quan hệ sóng gió giữa Pakixtan và Mỹ, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton ngày 21/3 khẳng định Oasinhtơn và Ixlamabát cùng chia sẻ các lợi ích trong cuộc chiến chống khủng bố.

Phát biểu tại cuộc họp báo với Ngoại trưởng Ápganixtan Zalmai Rassoul tại Oasinhtơn, bà Clinton nhấn mạnh Mỹ cam kết duy trì mối quan hệ "chân thành, xây dựng và hai bên cùng có lợi" với Pakixtan. Mặc dù từ chối bình luận sâu về những khuyến nghị của ủy ban Quốc hội Pakixtan, song bà H.Clinton cho rằng Mỹ và Pakixtan đều có chung các lợi ích cũng như kẻ thù. Bà nhấn mạnh tầm quan trọng của sự ủng hộ cuộc chiến chống lực lượng phiến quân đang gây thương vong cho hàng chục nghìn người Pakixtan, Ápganixtan cũng như binh sĩ Mỹ.


Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton. Ảnh: THX-TTXVN.


Quan hệ giữa Mỹ và Pakixtan xấu đi nghiêm trọng sau vụ không kích qua biên giới của các binh sĩ Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nhằm vào hai trạm kiểm soát của Pakixtan, làm 24 binh sĩ nước này thiệt mạng hồi tháng 11/2011. Giới chức Pakixtan đã ra lệnh đóng cửa các tuyến đường tiếp tế chính nhằm ngăn chặn nguồn cung cấp nhiên liệu và nhu yếu phẩm cần thiết cho lực lượng Mỹ ở Ápganixtan. Ngày 20/3, các nghị sĩ Pakixtan đã yêu cầu Mỹ xin lỗi về vụ việc trên, đồng thời đòi áp thuế đối với các đoàn xe của NATO và yêu cầu Mỹ ngừng các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái nhằm tiêu diệt các phần tử vũ trang ở các khu vực trên biên giới Pakixtan.

Cũng tại cuộc họp báo trên, Ngoại trưởng Clinton khẳng định cánh cửa đàm phán với lực lượng Taliban tại Ápganixtan vẫn để ngỏ nếu lực lượng này từ bỏ vũ lực, cắt đứt quan hệ với mạng lưới khủng bố quốc tế al-Qaeda, tuân thủ hiến pháp Ápganixtan, bao gồm cả việc bảo vệ phụ nữ. Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh Oasinhtơn "sẵn sàng tiếp tục đàm phán" và cam kết tìm kiếm một giải pháp chính trị cho tình hình Ápganixtan sau khi quân đội NATO rút khỏi nước này vào cuối năm 2014.

Những nỗ lực tiến hành đàm phán giữa Mỹ và Taliban đã bị gián đoạn sau khi Taliban ngày15/3 vừa qua chính thức tuyên bố ngừng đàm phán với Mỹ cho đến khi Oasinhtơn "làm rõ quan điểm về những vấn đề được quan tâm cũng như sẵn sàng thực hiện các cam kết".


TTXVN/Tin tức