Hải quan khởi tố nhiều vụ án hình sự vì tội buôn lậu

Thời gian qua, cơ quan hải quan đã khởi tố nhiều vụ án hình sự liên quan đến buôn lậu. Vụ việc buôn lậu bị khởi tố gia tăng từng năm không chỉ nói lên tính chất phức tạp, mà còn thể hiện sự quyết liệt của cơ quan hải quan trên mặt trận hết sức nóng bỏng này.

Ông Nguyễn Khánh Quang, Phó Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) cho hay: Trước kia, trong phạm vi quyền hạn, Tổng cục Hải quan khi phát hiện các vụ việc buôn lậu thường chuyển hồ sơ sang cơ quan công an điều tra bổ sung, xem xét khởi tố. Tuy nhiên từ đầu năm đến nay, lực lượng hải quan đã tập trung làm sâu rộng các vụ việc nên số vụ việc hải quan khởi tố đã tăng hơn so với trước.

Số lượng hàng hóa, niêm phong đưa vào kho tang vật để phục vụ công tác điều tra. Ảnh minh họa: Mạnh Linh/TTXVN.

Cụ thể: Trong 6 tháng đầu năm 2017, lực lượng hải quan chủ trì bắt giữ 7.216 vụ, giảm 11,4% so với cùng kỳ 2016; trị giá hàng hóa vi phạm trên 292 tỷ đồng, giảm 2,275 so với cùng kỳ năm 2016; thu nộp ngân sách nhà nước 155,9 tỷ đồng. Trong đó, cơ quan hải quan khởi tố 20 vụ và chuyển cơ quan khác khởi tố 38 vụ.

Theo quy định hiện hành, cơ quan Hải quan có quyền khởi tố vụ án đối với 2 tội danh quy định tại Điều 153, 154 (Bộ luật Hình sự): Tội buôn lậu và vận chuyển trái phép hành hóa qua biên giới. Bên cạnh đó, khi Bộ luật Hình sự (sửa đổi), Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi) và Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII (vào tháng 11-2015), cơ quan Hải quan được giao thêm thẩm quyền khởi tố Tội sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm qua biên giới. Tại Điều 90, Luật Hải quan 2014 quy định, khi phát hiện có hành vi vi phạm pháp luật về hải quan đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì cơ quan Hải quan, công chức Hải quan có thẩm quyển khởi tố vụ án, khởi tố bị can, thực hiện các hoạt động điều tra (theo pháp luật tố tụng hình sự, pháp luật tổ chức điều tra hình sự).

Theo cơ quan hải quan, thời gian gần đây, hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới tiếp tục diễn biến trên các tuyến đường bộ, đường biển, đường hàng không. Cá biệt xuất hiện nhiều các vụ việc vi phạm có tổ chức, tính chất nghiêm trọng.  Thực tế này đòi hỏi lực lượng chức năng, trong đó có lực lượng hải quan phải nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác xử lý vi phạm, khai thác, sử dụng hết thẩm quyền được giao trong xử lý vi phạm, đặc biệt là thẩm quyền trong xử lý hình sự để đảm bảo các vụ việc được xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật, hạn chế phát sinh hoạt động buôn lậu.

Hiện nay các đối tượng buôn lậu có xu hướng thay đổi phương thức hoạt động. Có sự dịch chuyển địa bàn hoạt động tại các cửa khẩu; chuyển đổi loại hình kinh doanh xuất nhập khẩu. Điển hình, thời gian qua, khi cơ quan hải quan quản lý chặt chẽ loại hình nhập khẩu trực tiếp thì các đối tượng tìm cách chuyển dịch sang loại hình quá cảnh, trung chuyển để buôn lậu.

“Thực chất của loại hình quá cảnh, trung chuyển là hàng hóa vận chuyển vào Việt Nam để đi nước thứ ba, nhất là các nước có chung đường biên giới với Việt Nam (Lào, Campuchia, Trung Quốc). Tuy nhiên, đối tượng buôn lậu đã tìm cách thẩm lậu hàng hóa vào Việt Nam. Trong khi đó, tuyến biến giới đường bộ trải dài hàng trăm km, có nguy cơ thẩm lậu rất cao gây khó khăn cho lực lượng chống buôn lậu…", ông Quang nói.

Theo Tổng cục Hải quan, từ cuối năm 2016 đến nay, cơ quan hải quan đã phát hiện và đang trong quá trình xử lý, làm rõ hàng chục vụ buôn lậu qua loại hình quá cảnh, trung chuyển. Chủ yếu hàng hóa được đưa về các cảng khu vực miền Nam đi Campuchia. Kiểm tra đột xuất hàng quá cảnh, trung chuyển cơ quan hải quan phát hiện hàng qua sử dụng, hàng lậu là hàng không cho phép nhập khẩu.

Ông Quang dẫn chứng: Vào cuối năm 2016, lực lượng hải quan phát hiện, xử lý lô hàng quá cảnh qua cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất (TP. Hồ Chí Minh), Mộc Bài (Tây Ninh) sang Campuchia. Qua công tác thu thập, xác minh thông tin, lực lượng hải quan tiến hành kiểm tra, phát hiện hàng hóa đã thẩm lậu vào Việt Nam.

Lô hàng quá cảnh này khai báo hải quan là 178 chiếc điện thoại di động Iphone 7 và Iphone 7 Plus có trị giá lên đến 7 tỷ đồng đóng trong container vẫn còn nguyên niêm phong kẹp chì nhưng đã bị tháo cửa “đánh tráo” bằng mặt hàng kem đánh răng, hàng tạp hóa.

Tiếp đến tháng 1/2017, lượng hải quan đã phát hiện một vụ buôn lậu có đường đi, thủ đoạn như vụ việc nêu trên. Chủ hàng khai hải quan là hàng bách hóa dùng trong gia đình (kệ bếp, thảm lót sàn bếp…). Tuy nhiên, khi kiểm tra lực lượng hải quan đã phát hiện hàng hóa gồm: 1.527 chai nước hoa, 58 chai rượu ngoại, 607 điện thoại Iphone 6 và Iphone 7; 106 đồng hồ đeo tay; 86 máy tính bảng…; tổng trị giá khoảng 8 tỷ đồng.

Hiện, các vụ việc trên đang được lực lượng hải quan tiếp tục mở rộng, điều tra, xử lý theo trình tự pháp luật.


Minh Phương/Báo Tin Tức
Có sự móc nối, tiếp tay cho hành vi buôn lậu, sản xuất hàng giả
Có sự móc nối, tiếp tay cho hành vi buôn lậu, sản xuất hàng giả

Phát biểu tại Hội nghị sơ kết công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tổ chức chiều 11/7, ông Đàm Thanh Thế, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia cho rằng, những kết quả đạt được trong thời gian qua vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế nhiệm vụ, còn gây nhiều bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế xã hội của Hà Nội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN