Gian nan cuộc chiến chống phân bón giả

Phân bón giả, kém chất lượng ngày càng tăng, khó kiểm soát trên thị trường, gây thiệt hại không chỉ cho người nông dân mà ngay cả doanh nghiệp sản xuất phân bón cũng bị mất uy tín, mất thị phần.

Nguyên nhân được cho là do quy định còn nhiều chồng chéo, lực lượng thực thi lại chưa công tâm... dẫn tới tình trạng phân bón giả diễn ra tràn lan như hiện nay.

Thu giữ tang vật tại cơ sở sản xuất phân bón giả ở Lâm Đồng. Ảnh: Phạm Kha/TTXVN

Các doanh nghiệp sản xuất phân bón cho biết, tình trạng phân bón giả, kém chất lượng tràn lan khó kiểm soát như hiện nay trên thị trường không phải do nhiều bộ ngành cùng quản lý mà nằm ở chỗ “vừa đá bóng vừa thổi còi, vừa làm khán giả”. Tại sao nhiều vụ lớn về sản xuất phân bón giả được phanh phui, nhưng dần dần chìm xuồng, dù cho các hiệp hội vào cuộc lên tiếng rất nhiều.

Ông Nguyễn Hạc Thuý, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho biết, theo Cục quản lý thị trường (Bộ Công Thương), thực trạng phân bón giả năm sau lại cao hơn năm trước. Năm 2015 là trên 4.000 vụ vi phạm, đến năm 2016 là trên 5.000 vụ vi phạm; trong đó, nhiều vụ còn chưa được giải quyết bởi pháp luật của chúng ta còn nhiều kẽ hở.

Ông Hoàng Văn Tại, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần phân lân nung chảy Văn Điển cho hay, tác hại của phân bón dởm, giả kém chất lượng đối với doanh nghiệp rất lớn, có thể kể đến việc mất thị phần, mất uy tín.

Tuy nhiên, theo ông Tại, có một thực tế là chúng ta có thể chống phân bón giả, nhưng chưa thể chống được phân bón thật nhưng chất lượng giả. Ngày càng có nhiều sản phẩm phân bón kém chất lượng được cấp phép, các tên phân bón mới liên tục ra đời và đều được cấp phép.

Đồng quan điểm với Công ty cổ phần Phân lân nung chảy Văn Điển, ông Vũ Xuân Hồng, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Supe Phốt phát Hóa chất Lâm Thao cho biết, doanh nghiệp của ông cũng e ngại nhất là phân bón nhái và kém chất lượng. Bởi, hiện chưa có quy chuẩn để xác định những sản phẩm này, nhưng đơn vị sản xuất này vẫn được cấp phép sản xuất, hợp chuẩn, hợp quy, chỉ khi kiểm tra chất lượng sản phẩm cụ thể mới phát hiện ra lệch quy chuẩn mà doanh nghiệp đăng ký.

Theo ông Hồng, hàm lượng chất dinh dưỡng trong các sản phẩm phân bón hàng nhái này rất ít, các doanh nghiệp này còn nhập nhèm trong công bố hàm lượng, trong mẫu mã bao bì, lừa bịp người dân và cơ quan quản lý. Bên cạnh đó, với nhiều cơ chế và cách luồn lách, các doanh nghiệp làm hàng nhái ưu đãi cao cho đại lý, dẫn đến các đại lý lại hướng người dân mua những phân bón nhái này.

Ông Hồ Quang Thái, Phó Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia đánh giá, tình trạng phân bón giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc diễn ra thường xuyên trong nhiều năm qua tại nhiều địa bàn gây nguy cơ về nước, ô nhiễm môi trường trường, thiệt hại lớn cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính và bà con nông dân.

Doanh nghiệp thường lợi dụng kẽ hở trong quy định của pháp luật về tổng chất dinh dưỡng để sản xuất phân bón giả, kém chất lượng. Tổ chức hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp sản xuất phân bón giả, kém chất lượng thường bí mật khép kín từ sản xuất đến vận chuyển, tiêu thụ… Doanh nghiệp còn đăng ký sản xuất nhiều loại khác nhau, khi bị phát hiện loại phân bón này là giả, kém chất lượng thì sẵn sàng thay thế loại phân bón khác...

Từ đầu năm 2017 đến nay, lực lượng chức năng đã kiểm tra 513 doanh nghiệp sản xuất, gia công, kinh doanh phân bón trên cả nước và xử lý 198 vụ vi phạm với tổng mức xử phạt gần 1,35 tỷ đồng.

Để quản lý chặt chẽ ngành phân bón, ông Nguyễn Hồng Phong, Tổng giám đốc Công ty Công Nông nghiệp Tiến Nông cho rằng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần có công cụ để kiểm soát hiện nay trên đất nước ta có bao nhiêu doanh nghiệp và cơ sở sản xuất phân bón, bao nhiêu nhãn mác phân bón sản xuất và lưu thông trên thị trường.


Cùng với đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần có quy định ngành phân bón là ngành kinh doanh có điều kiện. Mỗi doanh nghiệp sản xuất phân bón phải có vốn điều lệ tối thiểu 10 tỷ đồng trở lên chứ không phải chỉ có 500 triệu cũng có thể sản xuất được phân bón như hiện nay.

Đồng quan điểm với ông Nguyễn Hồng Phong về quản lý chặt chẽ các doanh nghiệp và cơ ở sản xuất phân bón, ông Hoàng Văn Tại cũng cho rằng, muốn dẹp tình trạng này cần dẹp trước hết về luật pháp, đặc biệt là trong các văn bản luật phải nêu rõ được định nghĩa phân bón là gì, chất dinh dưỡng là gì, thành phần hữu cơ trong phân bón như thế nào,… Cùng với sự vào cuộc của cơ quan quản lý nhà nước, bản thân doanh nghiệp cũng cần tự “cứu mình”.

Ông Tại cho biết, doanh nghiệp cũng cố gắng mọi cách để tự cứu mình, công ty xây dựng chuỗi cung ứng đến tận người tiêu dùng; tập huấn đến người nông dân để biết cách nhận dạng phân bón thật giả; vạch trần chiêu bài đơn vị làm ăn dởm giả…

Trước những tác hại của nạn phân bón giả, phân bón kém chất lượng, để hạn chế việc mua nhầm phân bón giả, phân bón kém chất lượng, doanh nghiệp cũng cần một số khuyến cáo cho nông dân là nên chọn mua các sản phẩm có thương hiệu rõ ràng, uy tín. Không mua các loại phân bón của những người bán dạo hoặc đến tận gia đình giới thiệu với nhiều chiêu trò khuyến mãi.

Người dân có thể truy cập website của Bộ Công Thương hoặc Sở Công Thương để tìm hiểu thông tin về sản phẩm phân bón vô cơ của doanh nghiệp sản xuất được phép bán trên thị trường.

P.A (TTXVN)
Mập mờ ghi nhãn xuất xứ phân bón đánh lừa người tiêu dùng
Mập mờ ghi nhãn xuất xứ phân bón đánh lừa người tiêu dùng

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo (BCĐ) 389 một số tỉnh như: TP.Hồ Chí Minh, Đắc Lắk, Gia Lai…, lực lượng chức năng phát hiện tình trạng ghi nhãn hàng hoá phân bón mập mờ khiến người tiêu dùng ngộ nhận về chất lượng, xuất xứ của hàng hóa.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN