Căng sức chống buôn lậu - Bài 1: Từ tinh vi đến táo tợn

Những tháng đầu năm 2017, tình hình buôn lậu tại các tỉnh biên giới diễn biến phức tạp. Mặc dù Ban chỉ đạo Quốc gia về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389) đã rất quyết liệt thực hiện nhiều giải pháp song tình hình buôn lậu không những không giảm mà còn có dấu hiệu tăng trở lại. Đó thực sự là điều rất đáng lo ngại.

Tại những điểm trước đây không nóng về buôn lậu như các tỉnh Tây Nguyên, Cao Bằng… thì nay lại đang nóng dần lên bởi các thủ đoạn tinh vi, táo tợn của dân buôn lậu.

Nơi ngụy trang…

Trên đường lên với cửa khẩu Trà Lĩnh, chúng tôi được chiêm ngưỡng cảnh núi non trùng điệp hai bên đường. Đây là cửa khẩu mới được đầu tư hiện đại, tuy nhiên để đến được, chúng tôi vẫn phải vượt chặng đường dài 40 km từ TP Cao Bằng (trước đó là gần 300 km từ Hà Nội lên đến TP Cao Bằng), băng qua nhiều đèo dốc.

Khu vực vành đai biên giới địa hình hiểm trở là điều kiện thuận lợi cho các đối tượng buôn lậu hoạt động.

Dân cư hai bên đường rất thưa thớt. So với các cửa khẩu khác thuộc tỉnh Cao Bằng, cửa khẩu Trà Lĩnh có khoảng cách đến trung tâm thành phố gần nhất. Đây là một lợi thế lớn để Trà Lĩnh có thể phát triển kinh tế, thông thương với nước bạn, nhưng cũng là điều kiện cho các đối tượng buôn lậu có thể dễ dàng hoạt động, tiêu thụ hàng lậu.

Thực tế, do địa hình biên giới hiểm trở nên các lực lượng chức năng không thể quản lý hết được tất cả các tuyến đường của dân buôn lậu. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, dựa vào lợi thế địa hình, dân buôn dùng ngựa thồ hàng vượt qua biên giới ở những vị trí “rừng thiêng nước độc” để qua mắt lực lượng chức năng. Khi vào đến nội địa, hàng lậu được chia lẻ, xé nhỏ rồi thuê chính người dân địa phương chở bằng xe máy đi tiêu thụ.

Hàng lậu “nóng” là hàng tạp hóa tiêu dùng, pháo, trứng gia cầm… Từ đầu năm, lực lượng chức năng đã phát hiện được 3 vụ vận chuyển trái phép pháo Trung Quốc, bắt 3 vụ nhập lậu trứng gia cầm (phạt hơn 30 triệu đồng và thanh lý hàng vi phạm, nộp ngân sách hơn 100 triệu đồng).

Lực lượng chức năng kiểm tra hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam qua cửa khẩu Trà Lĩnh, Cao Bằng.

Còn số liệu của BCĐ 389 tỉnh Cao Bằng cho biết: Quý 1/2017, tổng số vụ vi phạm bị xử lý hành chính là 292 vụ (tăng 10% so với cùng kì năm ngoái), trong đó buôn lậu đã chiếm 99 vụ.

“Phương thức, thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu chủ yếu lợi dụng sự sơ hở của lực lượng chức năng để lén lút vận chuyển hàng qua các đường mòn, lối mở, tập kết tại các khu vực giáp biên giới rồi vận chuyển sâu vào nội địa bằng nhiều phương tiện khác nhau. Các đối tượng có phương tiện thông tin liên lạc hiện đại, sẵn sàng chống trả lực lượng chức năng khi bị phát hiện”, ông Nông Văn Xứng, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Cao Bằng cho biết.

… Nơi trắng trợn

Tại tỉnh Gia Lai, tình hình buôn lậu thuốc lá cũng rất phức tạp. Đặc biệt ở chỗ, các đối tượng buôn lậu thuốc lá rất manh động, sẵn sàng “phóng bạt mạng” để tránh sự truy đuổi của lực lượng chức năng.

Khác với Cao Bằng, địa hình hiểm trở, đường xá nhỏ hẹp nên đối tượng buôn lậu phải tìm nhiều cách ngụy trang, lảng tránh sự truy bắt, tại Gia Lai cũng như một số tỉnh Tây Nguyên, đường xá ngày càng được đầu tư hiện đại. Do đó, các đối tượng dùng xe hơi để vận chuyển hàng lậu, cụ thể ở đây là thuốc lá.

Trao đổi với phóng viên báo Tin Tức về tình hình buôn lậu trên địa bàn, ông Lê Hồng Hà, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Gia Lai vẫn chưa hết... đau tim.

Ông Hà kể lại, hồi đầu năm, theo tin báo, các lực lượng chức năng của tỉnh đã truy bắt xe Fortuna có dấu hiệu chở hàng lậu tại khu vực Đắk Đoa. “Đối tượng buôn thuốc lá lậu chạy xe tốc độ 120km/giờ, chúng tôi đuổi theo gần kịp thì chúng tăng vọt lên 140km/giờ hòng tẩu thoát. Cuộc rượt đuổi gay cấn không kém phim hành động Mỹ. Chỉ tới khi không còn đường chạy nữa thì chúng mới chịu dừng lại", ông Hà nhớ lại.

Những tuyến đường Quốc lộ vắng vẻ, thông thoáng ở Gia Lai là điều kiện thuận lợi để bọn buôn lậu phóng nhanh 140 km/giờ hòng tẩu thoát khỏi sự truy đuổi của lực lượng chức năng.

Nhiều trường hợp, để đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông, cũng như an toàn cho chính đối tượng, lực lượng chức năng phải dừng việc truy đuổi do tốc độ quá nhanh. Có trường hợp, cơ quan chức năng thử truy đuổi xe vận chuyển thuốc lá lậu từ Đức Cơ đến Ia Grai, được khoảng 40km thì phải dừng lại vì đuổi tiếp thì quá nguy hiểm. Nhất là khi chưa chắc chắn đối tượng đó có buôn lậu.

Với nhiều vụ việc khác, các đối tượng còn lao cả xe lên vỉa hè. Các đối tượng chạy xe rất nhanh, băng qua các rừng cao su. Việc tổ chức khám nơi cất giấu là nhà ở không dễ dàng do khi xin được lệnh khám nhà thì thuốc lá điếu nhập lậu đã được đối tượng chia nhỏ tẩu tán hết hoặc không thể buộc dừng xe lúc đang vận chuyển khi không có cảnh sát giao thông phối hợp.

Cũng theo ông Lê Hồng Hà, điều đáng lo ngại là mặc dù không nóng như biên giới Tây Nam nhưng tình hình buôn lậu thuốc lá ở các tỉnh Tây Nguyên nói chung và Gia Lai nói riêng đang có xu hướng tăng. Thuốc lá lậu được chuyển từ phía Nam ra và cửa khẩu Đông Hà (Quảng Trị) vào. Loại thuốc lá lậu nhiều nhất là Zet, Hero, 555, Esse…

Riêng tại Gia Lai, từ đầu năm đã bắt 7 vụ buôn bán, vận chuyển thuốc lá lậu, trong đó đã xử lý 5 vụ, 2 vụ đang điều tra. So với quý 1 năm ngoái, số thuốc lá thu giữ là hơn 57.000 gói các loại, tăng mạnh hơn 7 lần.

Theo thống kê của BCĐ 389 Quốc gia, những tháng đầu năm 2017 đã xử lý gần 6.000 vụ vi phạm, nộp ngân sách hơn 6.100 tỷ đồng, tăng gần 20% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó nổi lên ở cửa khẩu đường bộ là tình trạng vận chuyển trái phép ma túy, pháo, vật liệu nổ, động vật hoang dã và sản phẩm của động vật hoang dã quý hiếm, rượu ngoại, thuốc lá ngoại, đường cát, mỹ phẩm, quần áo may sẵn, đồ điện tử, điện lạnh, thực phẩm, gia cầm, gia súc, hàng hóa tiêu dùng...


Đón xem bài 2: Còn lỗ hổng chính sách, buôn lậu còn đất ‘kiếm ăn’

Bài và ảnh: Hoàng Dương (Báo Tin Tức)
Buôn lậu xăng dầu nóng ở những vùng biển giáp ranh giữa các nước
Buôn lậu xăng dầu nóng ở những vùng biển giáp ranh giữa các nước

Cục trưởng Cục Nghiệp vụ- Pháp luật Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, Đại tá Trần Văn Nam cho biết: Lực lượng cảnh sát biển gặp khó khăn khi bắt giữ, kiểm tra hoạt động buôn lậu xăng dầu tại khu vực biển xa giáp ranh giữa Việt Nam và các nước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN