03:07 05/03/2015

Chọn khâu đột phá

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chọn hai khâu đột phá để tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Đó là đẩy mạnh chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ tổ chức lại sản xuất. Ngành nông nghiệp đang quyết liệt thực hiện, tập trung vào việc xây dựng cơ chế chính sách thực hiện hai đột phá này trên thực tế.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chọn hai khâu đột phá để tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Đó là đẩy mạnh chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ và tổ chức lại sản xuất. Ngành nông nghiệp đang quyết liệt thực hiện, tập trung vào việc xây dựng cơ chế chính sách thực hiện hai đột phá này trên thực tế.

Đóng góp 18,38% tổng sản phẩm


Có thể thấy, những năm qua ngành nông nghiệp đã có những thành công nhất định, thể hiện qua đóng góp 18,38% tổng sản phẩm cho nền kinh tế, giải quyết việc làm cho hàng triệu lao động nông thôn, chỉ số phát triển ổn định ở mức 3-4%, bộ mặt của nông thôn có nhiều đổi mới. Có được kết quả đó là do nhiều yếu tố tác động, nhưng quan trọng nhất đó là những chủ trương, chính sách liên quan đến nông dân, hình thức tổ chức sản xuất của kinh tế hộ nông dân, từ đó dẫn đến những thay đổi trong sản xuất kinh doanh nông nghiệp nói chung.

Ứng dụng khoa học công nghệ và tổ chức lại sản xuất là hướng đi đột phá góp phần phát triển nền nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: Đình Huệ - TTXVN


TS Nguyễn Tất Thắng, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho rằng, những vấn đề đặt ra cho tái cơ cấu nông nghiệp (TCCNN) nhìn dưới góc độ tổng thể và gắn với đối tượng kinh tế hộ nông dân - đối tượng trực tiếp và chủ yếu tham gia sản xuất nông nghiệp cho thấy: Giữa các loại hình sản xuất được tổ chức chưa có sự gắn kết với nhau, chưa thực sự phát huy vai trò của mình, liên kết chưa bền vững. Nguyên nhân là quy mô, nguồn lực, thu nhập của kinh tế hộ nông dân còn nhỏ, hạn chế nên các loại hình doanh nghiệp, hợp tác xã (kể cả các nhà khoa học) khó thực hiện liên kết, hỗ trợ, tạo ra giá trị gia tăng bền vững. Hình thức liên kết chính thống chủ yếu giữa các nhà với nhà nông hầu như chỉ xuất hiện đối với loại hình trang trại, sản xuất quy mô, còn liên kết các nhà với nhà nông (hộ nông dân) hầu như chỉ là liên kết phi truyền thống.

Đối với doanh nghiệp nông nghiệp, cơ bản là những doanh nghiệp quy mô nhỏ, chưa có bình đẳng giữa các loại hình doanh nghiệp, chưa có sự phân định rõ mục tiêu chính trị và mục tiêu kinh doanh. Trình độ nguồn nhân lực còn hạn chế, các chính sách đối với doanh nghiệp nông nghiệp chưa thuận lợi, ưu đãi đáng kể… Đối với hợp tác xã nông nghiệp, nguồn lực rất hạn chế, trình độ cán bộ chưa đáp ứng được yêu cầu, các hợp tác xã chưa gắn kết liên kết nhau, chưa phân định rạch ròi giữa kinh doanh và dịch vụ…

Cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học


Đối với ứng dụng khoa học công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang phối hợp cùng Bộ Khoa học và Công nghệ đề xuất và bổ sung các chính sách mới khuyến khích mạnh mẽ hơn sự tham gia của doanh nghiệp vào nghiên cứu khoa học ứng dụng, khoa học công nghệ. Đồng thời khuyến khích liên kết của các tổ chức nhà nước với các doanh nghiệp. Bộ cũng tập trung rà soát, đề xuất triển khai thực hiện các chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư nhiều hơn, hiệu quả hơn trong lĩnh vực nông nghiệp. Thời gian qua, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung các luật về thuế, quy định thuế suất ưu đãi cho doanh nghiệp. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang chỉ đạo các cơ quan chức năng tổng rà soát lại các quy định nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp hoạt động liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp.

Tái cơ cấu nông nghiệp cần được nhận thức đúng để thực hiện trong bối cảnh xây dựng nông thôn mới thể hiện trước hết ở nhận thức trong mỗi cán bộ và người dân bởi cả hai nhiệm vụ đều đã có chủ trương, có quyết tâm chính trị của Đảng và Chính phủ, vấn đề là nhận thức đúng để có hành động đúng, cách làm đúng.

Liên quan đến quan hệ giữa sản xuất và thị trường, Bộ trưởng Cao Đức Phát nêu rõ: Năm 2014, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cùng các địa phương thống nhất chỉ đạo tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc để ổn định sản xuất. Vì vậy trong điều kiện nguồn lực có hạn nhưng nhiều sản phẩm vẫn đạt tăng trưởng cao, phát huy lợi thế thị trường. Để kết nối sản xuất với thị trường, cần rà soát, tháo gỡ những cản trở để cơ chế thị trường hoạt động có hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, trong thực tế lực lượng tiếp cận và dẫn dắt sản xuất theo thị trường chính là doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp chính là tạo điều kiện cho nền nông nghiệp gắn kết với thị trường chặt chẽ hơn. Thời gian qua có sự cắt khúc giữa sản xuất của nông dân và hoạt động của doanh nghiệp, vì vậy, việc kết nối giữa nông dân và doanh nghiệp là một trong những khâu quan trọng được Bộ xác định cần tập trung thực hiện trong quá trình tái cơ cấu ngành.

Vậy trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp trong sản xuất nông nghiệp sẽ được thực hiện ra sao? Bộ trưởng Cao Đức Phát khẳng định: “Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, trong đó có Quyết định số 62 về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn. Chính sách này chủ yếu trên cây lúa. Bộ đang tổ chức rút kinh nghiệm và kiến nghị chính phủ hoàn thiện chính sách đối với cây lúa và mở rộng sang các lĩnh vực khác”. Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến khích doanh nghiệp liên kết với nông dân, song một doanh nghiệp không thể liên kết với hàng ngàn, hàng vạn hộ nông dân mà chỉ có thể liên kết với các tổ chức đại diện cho người nông dân. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tập trung hỗ trợ hình thành các tổ chức đại diện cho người nông dân liên kết với doanh nghiệp.

Thái Bình