09:09 16/09/2012

Chợ tự phát tràn lan thực phẩm “bẩn”

Theo ghi nhận của chúng tôi tại một số chợ tự phát trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, đặc biệt là các chợ tự phát gần các khu chế xuất – khu công nghiệp như Linh Trung, Tân Thuận, Tân Bình… các loại thực phẩm kém chất lượng vẫn đang được bày bán một cách tràn lan.

Hiện nay, ngoài những chợ truyền thống, hệ thống siêu thị kinh doanh các loại thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng thì rất nhiều chợ tự phát trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đang buôn bán nhiều loại thực phẩm không có nguồn gốc xuất xứ và không đảm bảo ATVSTP. Chính những nơi này đang tiềm ẩn nhiều hiểm họa, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân.


Theo ghi nhận của chúng tôi tại một số chợ tự phát trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, đặc biệt là các chợ tự phát gần các khu chế xuất – khu công nghiệp như Linh Trung, Tân Thuận, Tân Bình… các loại thực phẩm kém chất lượng vẫn đang được bày bán một cách tràn lan.


Tại các điểm này, các loại thịt cá tươi sống được bày bán chung với thực phẩm đã được chế biến bị ruồi nhặng, bụi đường bám đầy. Không những thế, các loại thực phẩm này còn được bày bán dưới nền đường nhớp nháp nước thải và rác.


Hơn nữa, đa số các loại rau củ quả được bày bán tại đây thuộc loại “hàng dạt” từ các chợ đầu mối nên thường bị dập, thối, héo... vẫn được bày bán. Chị Nguyễn Hoài Nhựt, công nhân Khu chế xuất Linh Trung (Thủ Đức), cho biết: “Sáng tôi phải đi làm sớm, tới gần tối mới tan ca. Lúc đó các chợ đã đóng cửa nên chỉ còn cách mua đồ từ các chợ tự phát gần công ty để nấu bữa cơm chiều. Hơn nữa, thực phẩm ở những chợ này cũng khá rẻ, phù hợp với mức thu nhập của công nhân. Nhiều khi cũng mua phải các loại thực phẩm không tươi nhưng chế biến kỹ hơn thì chắc không sao. Cũng có nhiều lần cả nhà tôi bị đau bụng do ăn phải thực phẩm mua tại chợ này nhưng cũng không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe”.


 Nguy cơ mắc bệnh ung thư từ việc sử dụng các loại phụ gia thực phẩm độc hại.


Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND quận 4, cho biết hiện trên địa bàn quận vẫn còn tồn tại một số chợ tự phát, những chợ này thường gây ra cảnh mất trật tự giao thông, ô nhiễm vệ sinh môi trường, không chỉ đe dọa đến sức khỏe, tính mạng người tiêu dùng, mà còn gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của các chợ xây dựng theo quy hoạch trong cùng khu vực.


Tuy nhiên, để dẹp được những chợ này không phải dễ, vì dẹp chỗ này nó sẽ “mọc” chỗ khác và khi dẹp xong, lực lượng chức năng rút đi thì “đâu lại vào đấy”. Ông Trương Đình Vĩnh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy, hải sản TP Hồ Chí Minh, cũng cho biết tại các chợ truyền thống và các siêu thị thực phẩm được kiểm tra nguồn gốc và chất lượng nhưng tại các chợ nhỏ và chợ tự phát thì rất khó để kiểm tra. Do đó, người tiêu dùng nên “tẩy chay” đối với những thực phẩm từ các chợ tự phát vì đa số các chợ này đều bày bán thực phẩm không đảm bảo ATVSTP nên nguy cơ ngộ độc thực phẩm rất cao.


Tuy nhiên, việc giá cả thực phẩm liên tục tăng cao khiến những người có thu nhập thấp, một số quán ăn vỉa hè và cơ sở chế biến thức ăn công nghiệp thường chọn các loại thực phẩm tại các chợ tự phát do giá rẻ, tiện ích về thời gian hơn so với siêu thị và chợ truyền thống. Chính vì thế, nhiều vụ ngộ độc tập thể trong thời gian qua phần nào có sự “góp sức” từ các chợ tự phát này.


Theo báo cáo của Cục ATVSTP (Bộ Y tế), trong sáu tháng đầu năm, cả nước ghi nhận có 89 vụ ngộ độc thực phẩm với 2.496 người, 1.950 người nhập viện, trong đó có 18 người chết và 16 vụ ngộ độc tập thể trên 30 người. So với cùng kỳ 2011, số người ngộ độc đã tăng 2,3% (41 người); trong đó, ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn gia đình tăng 18 vụ, số nhập viện tăng 346 người và số người chết tăng 9 người.


Trước tình trạng ngộ độc do thực phẩm bẩn có chiều hướng gia tăng tại TP Hồ Chí Minh, UBND TP đã chỉ đạo các ban, ngành tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển thực phẩm không rõ nguồn gốc, mất vệ sinh; nếu mức độ nghiêm trọng, cần thiết sẽ xử lý hình sự.


Với các doanh nghiệp tham gia bình ổn, thành phố tiếp tục hỗ trợ vốn, kỹ thuật xây dựng chuỗi thủy, hải sản, chăn nuôi, trồng trọt, sơ chế... theo hướng khép kín an toàn, đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm sạch cung ứng cho người dân TP Hồ Chí Minh.


Thiết nghĩ, sức khỏe là vốn quý của mỗi con người, do đó mỗi người dân hãy trở thành một người tiêu dùng thông minh bằng cách chọn lựa những thực phẩm không chỉ đảm bảo an toàn cho sức khỏe mà còn cung cấp dinh dưỡng cho sự phát triển của con người. Đây cũng là biện pháp khiến các loại thực phẩm “bẩn” không có cơ hội được đưa ra thị trường.



Đan Phương - Hoàng tuyết