03:09 27/03/2012

Chợ kiểu Tây trong lòng Hà Nội: Bài 2: Một không gian văn hóa đặc biệt

Đến khu chợ, tham quan các gian hàng, chứng kiến những người đến chợ mua bán hàng mới thấy, chợ Tây không đơn thuần là một khu chợ, không chỉ là nơi người mua đến mua, người bán đến bán... mà còn là một không gian văn hóa, một nơi giao lưu đặc biệt...

Đến khu chợ, tham quan các gian hàng, chứng kiến những người đến chợ mua bán hàng mới thấy, chợ Tây không đơn thuần là một khu chợ, không chỉ là nơi người mua đến mua, người bán đến bán... mà còn là một không gian văn hóa, một nơi giao lưu đặc biệt...

Ai đã một lần đến với phiên chợ Tây này đều có chung một cảm nhận, đó là một phiên chợ rất đặc biệt, rất dễ chịu. Không khí ở chợ Tây vô cùng nhộn nhịp nhưng không hề xô bồ, không có tiếng tranh cãi, mặc cả, chỉ có những câu chào hỏi, những cái bắt tay, ôm hôn nồng nhiệt, những tiếng cười vui. Và ở đây, khách hàng luôn nhận được những lời cảm ơn chân thành từ những người bán hàng. Khách mua bất cứ món đồ gì, dù là rất nhỏ, cũng đều được tư vấn, giới thiệu nhiệt tình về nguồn gốc, quy trình, cách làm của người bán, mà hầu hết đều là những người trực tiếp làm ra sản phẩm.

Phiên chợ còn là dịp để gặp gỡ, giao lưu với những người bạn sau một tuần làm việc căng thẳng.


Tại khu vực bán thịt gà, trứng gia cầm của cửa hàng Tự nhiên Việt Nam, khách hàng vừa mua, vừa hỏi nhân viên bán hàng về quy trình tạo ra sản phẩm. Bất cứ thắc mắc nào của khách hàng cũng về sản phẩm đều được những người bán hàng giải thích cặn kẽ và kỹ lưỡng. Từ việc gia cầm được nuôi ở đâu, quá trình chăn nuôi, cho gia cầm ăn, đẻ như thế nào, các sản phẩm thịt gia cầm, trứng gia cầm này đã được cơ quan chức năng kiểm định chặt chẽ và cam kết không có tồn dư kháng sinh ra sao... khiến ai cũng cảm thấy rất yên tâm.

Khách đến chợ đa phần là người nước ngoài sống quanh địa bàn quận Tây Hồ (Hà Nội). Với nhiều người, việc đến phiên chợ này vào mỗi tuần không đơn giản là đi chợ mua thực phẩm, đồ dùng, mà còn là dịp để họ gặp gỡ, giao lưu với những người bạn sau một tuần làm việc. Phiên chợ cũng là dịp để trẻ em được thoải mái nô đùa với những người bạn nhỏ của mình, mà dường như chỉ đến chợ mới gặp được. Chị Barbara, người Ôxtrâylia, đang sống tại quận Tây Hồ cho biết, hầu như phiên chợ nào, chị cũng cùng gia đình đến đây mua thực phẩm, gặp gỡ những người bạn, còn các con của chị thì vui vẻ nô đùa trong khuôn viên chợ hay thích thú với gian hàng đồ chơi trẻ em...

Gian hàng bán rau sạch luôn được nhiều người quan tâm.

Không chỉ thu hút khách nước ngoài, mà nhiều khách Việt Nam khi nghe tiếng phiên chợ cũng tìm đến để tham quan, mua sắm hay giao lưu. Chị Kim Hoa, trú tại quận Hai Bà Trưng cho biết: “Nghe nói đến phiên chợ Tây từ lâu, vì tò mò nên tôi đưa con đến chơi và thích ngay. Ở phiên chợ này có nhiều sản phẩm lạ mắt, người bán hàng thân thiện. Tôi rất yên tâm khi mua các sản phẩm tại đây. Mong rằng Hà Nội sẽ có nhiều mô hình chợ an toàn như thế này, để người dân khi đi mua hàng đều yên tâm”.

Anh Patrice Gautier, người khởi xướng thành lập phiên chợ độc đáo này cho biết, ý tưởng xây dựng chợ xuất phát từ mô hình chợ nông dân ở nước Pháp - quê hương anh. Ở đó, mỗi thành phố từ lớn đến nhỏ đều có những phiên chợ nông dân, mỗi phiên sẽ họp vào một ngày nhất định. Trong phiên chợ ấy, những người nông dân sẽ mang những sản phẩm của mình đến gặp, trực tiếp giới thiệu với khách và mời khách mua hàng... Anh Patrice Gautier cho biết, tất cả các sản phẩm, đặc biệt là thực phẩm bán ở phiên "chợ Tây” này đều có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, có giấy phép và được kiểm định chặt chẽ... Người bán ngoài việc có trách nhiệm cung cấp sản phẩm đảm bảo chất lượng, nguồn gốc rõ ràng, còn phải đưa ra được những phương án xử lý trong trường hợp sản phẩm của mình có rủi ro... Anh cũng cho biết, anh cùng cộng sự đang tìm địa điểm để mở thêm một phiên chợ nữa ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh trong thời gian tới, để ngày càng có thêm nhiều người được sử dụng những sản phẩm đảm bảo chất lượng hơn.

Bài và ảnh: Phương Lan

Bài 3: Hanoi Flea Market - “Chợ trời mới” của Hà Nội