11:08 20/11/2010

Chịu nhiều hy sinh nhưng cao quý

Theo thống kê của ngành giáo dục, cả nước có hơn một triệu nhà giáo - chiếm khoảng hơn 80% đội ngũ công chức khối hành chính sự nghiệp. Dẫu còn những khó khăn, thiệt thòi về vật chất trong nền kinh tế thị trường, nhưng ngày ngày các nhà giáo vẫn bền bỉ với bục giảng...

Theo thống kê của ngành giáo dục, cả nước có hơn một triệu nhà giáo - chiếm khoảng hơn 80% đội ngũ công chức khối hành chính sự nghiệp. Dẫu còn những khó khăn, thiệt thòi về vật chất trong nền kinh tế thị trường, nhưng ngày ngày các nhà giáo vẫn bền bỉ với bục giảng, trang giáo án vì sự nghiệp "trồng người".

Chịu nhiều hy sinh nhưng cao quý

Tình yêu nghề nghiệp, niềm đam mê “truyền lửa” cho lớp trẻ đã giúp hơn một triệu nhà giáo miệt mài với nghề.

Còn đó nỗi lo…

Không thầy, không ai làm nên

Nhà giáo ưu tú Lê Thị Hiền (giáo viên dạy môn lịch sử THPT Lương Đắc Bằng, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa) kể về trường học đã gắn bó 29 năm: “Học sinh trường tôi hầu hết là con nông dân, bởi nơi trường đóng đều là các xã thuần nông. Dù đồng lương không mấy dư dả nhưng tôi cùng nhiều đồng nghiệp khác thường xuyên hỗ trợ, giúp đỡ học sinh để các em đến lớp chuyên cần. Vài năm gần đây, các bộ môn xã hội không được học sinh “sính” bằng tự nhiên nên không ít giáo viên phải vất vả, luôn phải tìm nhiều phương pháp giảng dạy mới, nhằm đem lại hứng thú cho học sinh trong mỗi tiết dạy”.

Tâm sự về đời sống giáo viên, cô Hiền cho biết: “Tổng thu nhập của tôi hiện nay là 4,9 triệu đồng/tháng (tính cả phụ cấp tổ trưởng bộ môn). Mức thu nhập như thế lại nuôi con ăn học đại học thì không có tích lũy. Còn những giáo viên mới vào nghề được vài năm, thu nhập chỉ ở mức hơn 2 triệu đồng/tháng. Đồng lương ấy, với những ai có gia đình, phải nuôi con nhỏ thì cực kỳ chật vật. Tôi biết có những đồng nghiệp gần chục năm trong nghề (là giáo viên bộ môn) đến tháng lĩnh lương là đến kỳ trả nợ. Với đồng lương như hiện nay, trụ được với nghề là việc khó khăn”.

Còn Nhà giáo ưu tú Cao Xuân Hùng, Hiệu trưởng THPT chuyên Lê Hồng Phong, Nam Định, nhớ lại: “Hai mươi năm trước, giáo viên phải xoay xở đủ nghề để kiếm sống: Trồng lúa, trồng khoai, nấu rượu, nuôi lợn, thậm chí đi buôn… Điều đó khiến những giáo viên trẻ mới vào nghề ái ngại, nhiều người đã chuyển sang công việc khác. Trong hoàn cảnh đó, vẫn có nhiều ngôi trường có chất lượng tốt và vẫn có nhiều giáo viên tâm huyết, ngày ngày say sưa bàn luận về chuyên môn. Tôi cũng được dạy những học sinh khát khao học tập. Những điều may mắn đó đã giúp tôi gắn bó với nghề dạy học, một nghề dẫu phải chịu nhiều hy sinh nhưng cao quý”.

Đến nay, giữ cương vị là hiệu trưởng một trường THPT chuyên có tiếng ở toàn quốc, nhà giáo Cao Xuân Hùng vẫn băn khoăn: Hiện nay, mới chỉ có một bộ phận giáo viên có thu nhập cao nhờ làm thêm, dạy thêm. Còn đa số giáo viên có đời sống vô cùng khó khăn. Ví dụ, lương giáo viên mới ra trường là gần 2 triệu đồng/tháng (tính cả phụ cấp). Những giáo viên lâu năm thì từ 3 - 3,5 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, ai ai cũng phải lo cho gia đình trong điều kiện giá cả tăng và không phải ai cũng có điều kiện dạy thêm”.

Ở một ngôi trường trong thành phố lớn thì với cương vị hiệu trưởng, Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thanh Nhân, Hiệu trưởng THCS Nguyễn Du, quận 1, TP Hồ Chí Minh lại có những chia sẻ khác về đời sống giáo viên: “Có thể nói lương giáo viên đang xếp ở mức khó khăn. Nhiều năm trước, làm quản lý chỉ một việc là làm thế nào để có đội ngũ chuyên môn tốt, chuyên tâm vào dạy học, cập nhật kiến thức để đổi mới phương pháp. Nay, hiệu trưởng còn có thêm trọng trách là làm thế nào để giáo viên trong trường sống được bằng lương. Đây là một thử thách. Cách duy nhất mà tôi áp dụng là động viên họ, tạo mọi điều kiện để giáo viên trẻ, có năng lực được đi học bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, học lên thạc sĩ, tiến sĩ”.

Ngành giáo dục luôn nỗ lực

Nhà giáo Lê Thị Hiền cho rằng Nhà nước cần có chính sách ưu ái hơn nữa với giáo viên. “Điều tôi băn khoăn là hiện nay tình trạng “trăm hoa đua nở” về đào tạo sư phạm. Học sinh của tôi ra trường không được phân công công tác. Thế hệ học sinh thời nay không còn mặn mà với nghề giáo. Kỳ tuyển sinh vừa qua, cả trường tôi chỉ có 4 hồ sơ thi sư phạm. Đó là những học sinh có học lực bình thường” - cô Hiền cho biết.

Nhà giáo Nguyễn Thanh Nhân đề xuất: “Nhà nước nên quan tâm nhiều hơn nữa tới lương giáo viên. Đặc biệt là phụ cấp ưu đãi”.

Đề cập tới vấn đề này, ông Nguyễn Văn Ngữ, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ GD-ĐT cho biết, trong những năm qua, ngoài việc tăng lương cơ bản cho giáo viên, ngành giáo dục đã thực hiện nhiều phụ cấp cho giáo viên như: Phụ cấp đứng lớp, phụ cấp thu hút và phụ cấp thâm niên. Đây là sự ưu đãi với ngành giáo dục so với nhiều ngành khác.

Chế độ phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy tại các trường công lập như: Nhà giáo dạy ĐH, CĐ là 25%, THCS, THPT ở đồng bằng, thành phố: 30%; mầm non, tiểu học ở đồng bằng, thành phố, THCS, THPT ở miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa: 35%; nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy ở các trường sư phạm, khoa sư phạm (ĐH, CĐ): 40%; dạy Mác - Lênin: 45% và dạy mầm non, tiểu học ở miền núi, vùng sâu, vùng xa hải đảo: 50%. Bình quân hệ số phụ cấp ưu đãi với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy: 35%.

Còn với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn: Mức phụ cấp 50% áp dụng đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đang công tác tại trường năng khiếu thể dục thể thao, trường năng khiếu nghệ thuật, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường dự bị đại học; mức phụ cấp 70% áp dụng đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đang công tác tại trường phổ thông dân tộc nội trú, trường trung học phổ thông chuyên, trường lớp dành cho người tàn tật, khuyết tật và nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đang công tác tại các cơ sở giáo dục, đào tạo thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Chia sẻ với những khó khăn của nhà giáo, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cũng bày tỏ hy vọng: Các nhà giáo giữ vững tài đức của mình, vượt khó để trở thành tấm gương sáng cho mọi thế hệ học trò. Tiếp tục góp sức trong xây dựng chính sách chung để phát triển giáo dục, góp phần đào tạo, phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Lê Vân