Xảy ra án oan sai, Tòa phải chịu trách nhiệm

Đây là khẳng định của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khi chất vấn Chánh án Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) Trương Hòa Bình, tại phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 13/3.

Tại phiên chất vấn này, Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình đã trả lời các câu hỏi về tình hình oan sai trong tố tụng hình sự và bồi thường oan sai theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Trương Hòa Bình trả lời chất vấn. Ảnh: An Đăng - TTXVN


Đại biểu Đỗ Văn Đương (đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh) đi thẳng vào các vụ án nổi cộm, nghi có dấu hiệu oan sai, đang được dư luận hết sức quan tâm, trong đó có vụ án Hồ Duy Hải tại Long An, bị xét xử về các tội “Giết người” và “Cướp tài sản”. Chánh án Trương Hòa Bình cho biết, đối với các vụ án đặc biệt nghiêm trọng, các cơ quan tố tụng đang phối hợp giải quyết, xem xét rất thận trọng. “Đến nay mới chỉ có thể khẳng định duy nhất vụ Nguyễn Thanh Chấn là án oan”, Chánh án TANDTC nhấn mạnh.

Với vụ án Hồ Duy Hải (Long An) bị kết tội giết 2 nữ nhân viên Bưu điện Cầu Voi, bị tuyên án tử hình sau đó Chủ tịch nước đề nghị tạm hoãn thi hành án để xem xét lại, ông Trương Hòa Bình cho biết, đến nay vẫn chưa có căn cứ để kháng nghị vụ án. “Bản án này có giám sát của Quốc hội, Tổ liên ngành do Viện kiểm sát (VKS) chủ trì đã làm việc tích cực, phúc tra quá trình lấy cung đối với Hải. Hải vẫn nhận tội và chỉ xin được giảm án tử hình hoặc thi hành án ngay. Chưa có căn cứ khẳng định oan hay không nhưng chúng tôi sẽ xem xét thận trọng, nếu đủ căn cứ sẽ kháng nghị, nếu không phải thực thi đúng pháp luật”, Chánh án TANDTC lý giải. 

Về các giải pháp để hạn chế án oan và chống bỏ lọt tội phạm, Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình cho biết, từ năm 2011 đến nay, các cơ quan đã phối hợp, rà soát, xác định 35 trường hợp có đơn kêu oan trong các mức án từ 20 năm, chung thân, tử hình. Trong đó đã giải quyết được 24 trường hợp. Thông qua kết quả giải quyết cho thấy, về cơ bản việc xét xử của Tòa án là đúng pháp luật. Ông Trương Hòa Bình cũng khẳng định, chưa phát hiện trường hợp nào kết án oan người không phạm tội và những vụ án oan hiện đang xử lý là của giai đoạn trước năm 2011.

Giải thích thêm về nguyên nhân xảy ra oan sai, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương cho biết, đó là do trong công tác điều tra vẫn chưa tôn trọng chứng cứ, chứng minh sự thật khách quan vụ án, đánh giá chứng cứ còn trọng cung hơn trọng chứng. Bên cạnh đó, còn có nguyên nhân chủ quan từ cán bộ điều tra, do năng lực, phẩm chất, trách nhiệm, không tuân thủ đúng quy trình, tư tưởng thành tích, nôn nóng dễ dẫn đến sai phạm. 

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị phải tìm ra địa chỉ và quy trách nhiệm của người gây ra oan sai; quan trọng nhất là việc khi đã gây ra oan sai rồi, các ngành các cấp có tự mình nhận ra đã xử oan sai không? “Theo tôi, người xử mà xử oan thì người đó phải chịu trách nhiệm, cán bộ điều tra mà bức cung, nhục hình… thì phải chịu tội, kiểm sát viên mà truy tố và buộc tội cũng phải chịu trách nhiệm”, Chủ tịch Quốc hội nêu quan điểm.

Về trách nhiệm của thẩm phán xét xử oan sai, Chánh án Trương Hòa Bình lý giải: Khi xác định án oan sẽ có nhiều hình thức để xử lý. Nếu oan không nghiêm trọng và không phải do lỗi chủ quan thì trong quá trình xem xét tái bổ nhiệm sẽ dừng lại, không tái bổ nhiệm. “Nếu có dấu hiệu cố ý vi phạm pháp luật dẫn đến oan sai thì phải truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu không phải cố ý, mức độ không nghiêm trọng, không xem xét về trách nhiệm hình sự, sẽ xem xét trách nhiệm bồi thường”, Chánh án Trương Hòa Bình nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, tất cả vụ án đã xét xử và kết án rồi mà oan sai thì dù sai ở khâu nào từ điều tra, bức cung nhục hình hay kiểm sát viên truy tố, cáo trạng… mà đã qua xét xử rồi thì tòa án vẫn phải chịu trách nhiệm. Bởi quyền xét xử là của Tòa án; quyền buộc tội là của Tòa án; quyền tuyên vô tội của Tòa án, nếu để oan sai, thì trách nhiệm của Tòa án. “Người công dân chỉ coi là có tội khi bản án được buộc tội, được kết tội có hiệu lực thi hành, được chứng minh đúng trình tự của pháp luật. Người trông coi việc này là chủ tọa phiên tòa. Vì thế, ngành tòa án phải nhận trách nhiệm này.” Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định. 

Tiếp tục chăm lo cho đồng bào dân tộc thiểu số

Trong phiên chất vấn chiều 13/3 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc Giàng Seo Phử, các đại biểu dành nhiều sự quan tâm đến việc đầu tư vốn, thực hiện các chương trình dân sinh cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Trả lời các câu hỏi của các đại biểu, đặc biệt là các câu hỏi liên quan dến việc phân bổ nguồn vốn cho đồng bào dân tộc thiểu số; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc Giàng Seo Phử cho biết, chương trình 135 thực hiện từ năm 1999 và dần hoàn thiện qua 3 giai đoạn, từ hoàn thiện cơ chế, bổ sung các hợp phần, gắn xóa đói giảm nghèo với hỗ trợ sản xuất và cơ sở hạ tầng. Quốc hội cũng đã biểu quyết thực hiện cấp vốn ngân sách cho hơn 2.000 thôn bản của 415 huyện, 52 tỉnh, số tiền đầu tư theo định mức theo Quyết định 551 là 1,5 tỷ/xã/năm nhưng khi thực hiện chỉ cấp 1 tỷ/xã/năm do tình hình khó khăn chung của đất nước thời gian qua nên các hạng mục nói chung bị cắt giảm. Vì vậy, chúng ta chỉ đạt 64% theo đề án đã được duyệt.

Giải đáp thêm phần chất vấn của các đại biểu, thứ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư cho biết, giai đoạn 2011 - 2015, tổng số nguồn vốn bố trí 15.581 tỷ đồng cho chương trình 135, trong đó ngân sách Trung ương là 15.213 tỷ đồng, ngân sách địa phương là 368 tỷ đồng; tài trợ của EU, Phần Lan… là 1.140 tỷ đồng, chưa kể trái phiếu Chính phủ dành cho kiên cố hóa trường, lớp học và xây nhà công vụ giáo viên. 

Từ năm 2013, bên cạnh chương trình 135, các địa bàn dân tộc thiểu số còn nhận được hỗ trợ từ các chương trình khác như hỗ trợ các huyện nghèo 30a mà 70% số huyện nghèo theo chương trình này là đồng bào dân tộc thiểu số; chương trình Nông thôn mới, chương trình hỗ trợ các xã dọc tuyến biên giới... Với những hỗ trợ này, bình quân mỗi xã được hỗ trợ là 4 tỷ đồng/năm để đầu tư cơ sở hạ tầng mà chủ yếu là điện, đường, trường, trạm, hệ thống thủy lợi. 

Theo nhiều đại biểu, hiện nay chính sách cho đồng bào dân tộc có quá nhiều, dẫn đến việc thực hiện chưa được như mong muốn. Đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) nói: “Có quá nhiều chính sách cho đồng bào vùng cao. Có bác trưởng bản nói, chính sách của chúng ta hiện nhiều như lông bò. Chính sách nhiều nhưng lại tản mạn, phân tán và thiếu chính sách khuyến khích đồng bào chủ động vươn lên trong cuộc sống”. Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cũng cho rằng, có sự chồng chéo chương trình mục tiêu quốc gia nên sử dụng nguồn vốn ngân sách chưa hiệu quả.

Thừa nhận thực tế này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc cho biết hiện có đến 200 chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số nhưng không phải là của riêng Ủy ban dân tộc mà là của Đảng, Nhà nước và có sự tham mưu của các địa phương. Việc có quá nhiều chính sách dẫn đến việc thực hiện khó đảm bảo. Thực tế có chương trình chỉ thực hiện được 40%, có chương trình thực hiện được trên 50%. 

“Chính sách của chúng ta hiện là chính sách chung, chỉ có một số chính sách đặc thù, chẳng hạn cho Tây Nguyên. Vì vậy cần có chính sách phù hợp với phong tục, tập quán của từng dân tộc, phù hợp với thực tế từng địa phương, từng dân tộc. Cần thu gọn các đầu mối chính sách, tập trung vào một số vấn đề trọng điểm, nhưng phải có cơ quan chủ trì đứng ra làm việc này để  thực hiện cho giai đoạn 2016 - 2020”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc Giàng Seo Phử nhấn mạnh.

Theo đó, phải thay đổi phương pháp xây dựng kế hoạch với cơ chế chính sách với kế hoạch trung hạn và dài hạn. Khi đó, Ủy ban dân tộc và các bộ ngành liên quan phối hợp xây dựng các chương trình thành các chương trình mục tiêu quốc gia giành riêng cho đồng bào dân tộc miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, cái lõi nghèo nhất của Việt Nam.    


Thu Phương - Xuân Phong

Chống án oan sai, bỏ lọt tội phạm
Chống án oan sai, bỏ lọt tội phạm

Ngày 30/7, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã làm việc với lãnh đạo Cơ quan Cảnh sát điều tra về kết quả công tác cải cách tư pháp 6 tháng đầu năm 2014.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN