Ngày 18/10, tại Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội và Ban Chỉ đạo Tây Bắc
phối hợp tổ chức Hội thảo "Xây dựng cơ sở dữ liệu tích hợp liên ngành và
phân tích chính sách phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc". Đây là
một nội dung quan trọng của Chương trình Khoa học và Công nghệ trọng
điểm cấp quốc gia, giai đoạn 2013-2018: "Khoa học và công nghệ phục vụ
phát triển bền vững vùng Tây Bắc", do Đại học Quốc gia Hà Nội là cơ quan
chủ trì.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban Chỉ
đạo Tây Bắc cùng đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành; đại diện lãnh đạo
14 tỉnh thuộc vùng Tây Bắc và nhiều nhà khoa học đã tham dự hội thảo.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc,
Trưởng Ban chỉ đạo Tây Bắc khẳng định: Trong những năm qua, thực hiện
Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị, đã có nhiều cơ chế, chính sách,
chương trình đầu tư trọng điểm của Chính phủ được ưu tiên triển khai
khá đồng bộ và đạt được nhiều kết quả quan trọng tại vùng Tây Bắc. Cơ
cấu kinh tế - xã hội của vùng đã có những chuyển biến tích cực; tốc độ
tăng trưởng kinh tế trung bình toàn vùng từ năm 2005 đến nay ước đạt
bình quân 11,5%/năm.
Tuy nhiên, hiện tại Tây Bắc vẫn là
vùng đặc biệt khó khăn về mọi mặt. Tỷ lệ hộ nghèo vẫn ở mức 29,5%, cao
nhất cả nước. Những nguy cơ về thiên tai, môi trường do tác động của quá
trình biến đổi khí hậu và sự khai thác, sử dụng bất hợp lý các nguồn
tài nguyên thiên nhiên ngày càng rõ nét, đe dọa trực tiếp sự phát triển
bền vững của vùng.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn
mạnh: Với vị trị chiến lược quan trọng, tiềm năng to lớn và đa dạng,
vùng Tây Bắc cần được tập trung nghiên cứu, hoạch định chính sách đầu tư
để sớm phát triển toàn diện và bền vững, góp phần xứng đáng vào sự
nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của cả nước.
Phó Thủ tướng đề nghị trong thời gian tới, Đại học Quốc gia Hà Nội tiếp
tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, cơ quan liên quan trong việc
triển khai các nhiệm vụ của Chương trình Khoa học và Công nghệ trọng
điểm cấp quốc gia theo đúng tinh thần thiết thực, khả thi, hiệu quả; hết
sức tránh tình trạng nghiên cứu hàn lâm, kinh viện, lãng phí, xa rời
thực tiễn… Các nhà khoa học tiếp tục có những đóng góp nhiều hơn nữa để
giải quyết có hiệu quả các vấn đề thực tiễn của vùng Tây Bắc.
Tại hội thảo, các đại biểu tập trung trao đổi về phương pháp xây dựng
và cấu trúc của Bộ Cơ sở dữ liệu tích hợp liên ngành và các bộ công cụ
phân tích chính sách phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc; đồng
thời, thống nhất phương thức tổ chức triển khai, chuyển giao và ứng dụng
các kết quả của Chương trình Khoa học và Công nghệ trọng điểm cấp quốc
gia.
Theo đánh giá của các chuyên gia, Bộ cơ sở dữ liệu
tích hợp liên ngành là một cấu phần quan trọng nhằm cung cấp thông tin
đa lớp, tin cậy phục vụ cho triển khai nghiên cứu khoa học và việc xây
dựng, điều chỉnh chủ trương, chiến lược, chính sách, kế hoạch phát triển
kinh tế - xã hội vùng Tây Bắc một cách bền vững. Song song với đó, việc
đánh giá các chương trình mục tiêu, chính sách hiện hành tại vùng Tây
Bắc sẽ củng cố luận chứng khoa học và thực tiễn, để các đơn vị quản lý
điều chỉnh, đổi mới các chính sách, chiến lược phát triển vùng phù hợp.
Việc xây dựng cơ sở dữ liệu và phân tích chính sách phát
triển vùng Tây Bắc là bước khởi đầu quan trọng, vừa có nhiệm vụ định
vị, vừa có vai trò kiến trúc, thiết kế chương trình. Đây chính là khung
phân tích quyết định kết quả thành công của các nghiên cứu./.
Việt Hà