Vai trò và vị trí lãnh đạo duy nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam

Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, chủ nghĩa tư bản chuyển mạnh sang giai đoạn chủ nghĩa đế quốc. Đặc điểm nổi bật của chủ nghĩa đế quốc là vơ vét lợi nhuận độc quyền, bóc lột tàn tệ giai cấp vô sản và những người lao động trong nước, đồng thời mở rộng việc xâm chiếm thuộc địa, áp đặt và thực hiện chế độ thực dân đối với các nước nhỏ, nghèo, kém phát triển ở châu Á, châu Phi và nhiều nơi khác nhằm mở rộng thị trường, khai thác sức người, sức của vì lợi ích kinh tế và mưu đồ chính trị tàn bạo của giai cấp tư sản của các nước đế quốc, thực dân.


Mâu thuẫn giữa các dân tộc thuộc địa với chủ nghĩa đế quốc, thực dân, phong trào yêu nước và cách mạng ở các nước thuộc địa trở thành một nội dung lớn của thời đại.

Chủ tịch Hồ Chí Minh trong phòng làm việc của Người tại căn cứ địa Việt Bắc (1951)

Trong bối cảnh đó, loài người đã chứng kiến một sự kiện rung chuyển thế giới - Cách mạng tháng Mười Nga 1917. Đó là cuộc cách mạng vô sản do Đảng Cộng sản Bônsêvích và Lênin lãnh đạo đã chặt đứt mắt xích yếu nhất trong chuỗi xích của chủ nghĩa đế quốc, mở ra thời đại mới của lịch sử nhân loại - thời đại quá độ lên chủ nghĩa xã hội, hiện thực hóa lý luận của chủ nghĩa Mác, biến chủ nghĩa xã hội từ khoa học thành hiện thực.


Cách mạng tháng Mười Nga còn giải phóng các quốc gia, dân tộc vốn là thuộc địa của đế quốc Nga, đưa họ phát triển theo con đường mới, gắn liền giữa giải phóng dân tộc với giải phóng giai cấp, những người lao động giải phóng xã hội con người.

Việt Nam bị thực dân Pháp xâm lược từ năm 1858. Với việc ký hòa ước Patơnốt (Patennôtre) với triều đình phong kiến nhà Nguyễn ngày 6/6/1884, thực dân Pháp đã đặt được ách thống trị và biến Việt Nam thành thuộc địa của Pháp. Mâu thuẫn giữa dân tộc Việt Nam với thực dân Pháp ngày càng gay gắt, dẫn tới bùng phát nhiều phong trào đấu tranh chống thực dân giành độc lập suốt từ cuối thế kỷ XIX và 30 năm đầu thế kỷ XX.

Tất cả các phong trào yêu nước chống thực dân Pháp theo các xu hướng khác nhau (phong kiến, nông dân, dân chủ tư sản và tiểu tư sản) trên đây, qua khảo nghiệm lịch sử đều lần lượt thất bại.


Nguyên nhân thất bại là thiếu cơ sở tư tưởng, lý luận, thiếu học thuyết cách mạng đúng đắn dẫn đường; thiếu cương lĩnh, đường lối chính trị phù hợp nhằm giải quyết triệt để những mâu thuẫn cơ bản và chủ yếu của xã hội; không tập hợp, đoàn kết được lực lượng của toàn dân tộc để tạo nên sức mạnh cần thiết của một tổ chức Đảng cách mạng có năng lực tổ chức và lãnh đạo phong trào của toàn dân tộc.


Đó là một thực tế mà bất cứ ai hiểu biết về lịch sử, nghiên cứu và tổng kết lịch sử một cách nghiêm túc và trung thực đều thấy rõ. Và bản thân lãnh tụ của các phong trào đó cũng đã thừa nhận.

Trong bối cảnh lịch sử đó Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh vì Tổ quốc (5/6/1911) ra nước ngoài xem người ta làm như thế nào để trở về giúp đồng bào mình, đó là sự khởi đầu của quá trình đi tìm con đường cứu nước đúng đắn.


Người đến nước Pháp, rồi đi các nước châu Phi, châu Mỹ, đến nước Mỹ, nước Anh và trở lại nước Pháp năm 1917. Suốt lộ trình đó, Nguyễn Ái Quốc được mở rộng tầm nhìn, tiếp cận với nhiều giá trị văn hóa, văn minh của nhân loại, nhưng cũng chứng kiến biết bao cảnh áp bức, bất công, sự cùng khổ của người dân lao động ngay trong các nước tư bản và nhất là các nước thuộc địa. Tại Pari (Pháp), Nguyễn Ái Quốc tìm hiểu về cách mạng tháng Mười và các cuộc cách mạng khác trên thế giới, nghiên cứu chủ nghĩa Mác, tham gia Đảng xã hội Pháp, hiểu được tư tưởng của Lênin về con đường và giải pháp để triệt để giải phóng các dân tộc thuộc địa bị áp bức, tin theo Lênin và Quốc tế cộng sản, tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp tìm thấy con đường giải phóng đúng đắn gắn liền giải phóng dân tộc với giải phóng xã hội, giai cấp, con người. Cả hai công cuộc giải phóng vĩ đại đó chỉ có thể là sự nghiệp của chủ nghĩa cộng sản, của Đảng Cộng sản.

Con đường cách mạng của Nguyễn Ái Quốc cứu nước, giải phóng dân tộc hướng vào quỹ đạo cách mạng vô sản, con đường xã hội chủ nghĩa là rất rõ ràng. Với nhiều hình thức và thông qua các tờ báo L’Humanité (Nhân đạo), La Vie Ouvriere (Đời sống công nhân) của Đảng Cộng sản Pháp, Le Paria (Người cùng khổ), báo Thanh niên tác phẩm Bản án chế độ thực dân Pháp (1925), Đường Cách mệnh (1927)...


Nguyễn Ái Quốc truyền bá lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin với con đường cách mạng đó vào trong nước. Tư tưởng và con đường phát triển cách mạng đó được nhiều thanh niên, trí thức và công nhân ở trong nước đón nhận và nhận thức rõ tính đúng đắn của xu hướng hoàn toàn mới đó. Đương nhiên đi vào con đường đấu tranh mới, theo Nguyễn Ái Quốc, cần phải nhận thức đúng đắn của xu hướng hoàn toàn mới đó.


Đương nhiên đi vào con đường đấu tranh mới, theo Nguyễn Ái Quốc cần phải nhận thức đúng đắn về chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản và năm 1921, Nguyễn Ái Quốc dự báo rằng do điều kiện về truyền thống lịch sử, văn hoá và tư tưởng mà chủ nghĩa cộng sản có thể xâm nhập và thực hiện ở châu Á và Đông Dương dễ dàng hơn châu Âu, sự nghiệp cách mạng của các dân tộc phương Đông có thể chủ động giành thắng lợi và còn có khả năng giúp đỡ với những người anh em ở phương Tây.

Nhận thức về tư duy lý luận của Nguyễn Ái Quốc không giáo điều mà phản ánh hiện thực sâu sắc và với một tầm nhìn chiến lược. Điều đó, không chỉ định hướng đúng đắn cho đông đảo những người yêu nước mà còn thuyết phục được những nhà yêu nước lớn đầu thế kỷ XX như Phan Châu Trinh, Phan Bội Châu. Khi còn ở Pháp, Phan Châu Trinh đã đặt niềm tin vào con đường của Nguyễn Ái Quốc.


Ngày 18/2/1922, trong thư gửi Nguyễn Ái Quốc, Phan Châu Trinh tự nhận mình như "cây già" "hoa sắp tàn", còn Nguyễn Ái Quốc như "cây đương lộc", "nghị lực có thừa, dày công học hỏi, lý thuyết tinh thông", và khuyên Nguyễn Ái Quốc trở về nước "hô hào đồng bào đồng tâm hiệp lực đánh đổ cường quyền áp chế".


Và như vậy Phan Châu Trinh đã thấy rõ con đường cải cách ôn hoà không thể thực hiện được khi đất nước còn bị đế quốc, thực dân cai trị.

Với thực tế hoạt động trong Đảng Cộng sản Pháp và từ năm 1923 làm việc trong Quốc tế cộng sản, năm 1924 về Quảng Châu (Trung Quốc) chứng kiến vai trò và hoạt động của Đảng Cộng sản Trung Quốc và Quốc dân Đảng Trung Hoa, Nguyễn Ái Quốc càng thấy rõ sự cần thiết phải có một Đảng cách mạng chân chính mới có thể đưa sự nghiệp cách mạng của giai cấp và dân tộc đi đến mục tiêu giải phóng.


Nguyễn Ái Quốc kết luận: Cách mạng trước hết phải có Đảng cách mạng. Thấy rõ sự cần thiết đó, với uy tín chính trị trong dân tộc và vai trò, trách nhiệm trong Quốc tế cộng sản, Nguyễn Ái Quốc đã triệu tập và chủ trì Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản họp từ ngày 6/1 - 7/2/1930 tại Hương Cảng (Trung Quốc) để thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

Đó là thời điểm có ý nghĩa bước ngoặt lịch sử, xác lập vai trò, vị trí lãnh đạo duy nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam. Vai trò, vị trí đó được không ngừng củng cố và phát triển từ thực tiễn lãnh đạo đấu tranh cách mạng của Đảng suốt từ năm 1930 đến nay.


Đó không chỉ là thành quả của sự sàng lọc, lựa chọn của chính lịch sử mà thể hiện sứ mệnh và trách nhiệm nặng nề của Đảng trước vận mệnh của đất nước giai cấp và dân tộc, trước toàn thể nhân dân Việt Nam.

Vai trò, vị trí lãnh đạo duy nhất của Đảng Cộng sản đối với cách mạng Việt Nam không phải tự nhiên được xác định. Đó là kết quả của quá trình chuẩn bị công phu, khoa học về mọi mặt và sự trải nghiệm thực tiễn từ quá trình đấu tranh cách mạng.

Cương lĩnh chính trị đầu tiên được thông qua tại Hội nghị thành lập Đảng, do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo (3/2/1930) đã nhằm vào giải quyết triệt để mâu thuẫn dân tộc và mâu thuẫn giai cấp, xác định mục tiêu đánh đổ sự thống trị của chủ nghĩa đế quốc và chế độ phong kiến giành độc lập hoàn toàn cho dân tộc, ruộng đất cho dân cày, đi tới xã hội cộng sản.


Cương lĩnh cũng xác định phải tập hợp đoàn kết lực lượng của toàn dân tộc, nhất là công nhân, nông dân; xác định những mục tiêu bước ngoặt về dân sinh, dân chủ, phương pháp đấu tranh, mối quan hệ quốc tế và nhấn mạnh vấn đề xây dựng Đảng và vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản.


Tiếp đó là Luận cương chính trị tháng 10/1930, sự phát triển hoàn chỉnh đường lối cách mạng giải phóng dân tộc của Đảng qua các Hội nghị Trung ương (11/1939), (11/1940) và nhất là Hội nghị Trung ương do Nguyễn Ái Quốc chủ trì (5/1941) đã tạo nên cao trào cách mạng toàn quốc rộng lớn, mạnh mẽ dẫn tới thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945.


Đường lối kháng chiến chống thực dân Pháp, Luận cương cách mạng Việt Nam thông qua tại Đại hội II của Đảng (2/1951) đã dẫn tới thắng lợi của kháng chiến mở đường để miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội. Đường lối cách mạng miền Nam và kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã dẫn đến toàn thắng, 30/4/1975 hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trên cả nước. Không có Cương lĩnh, đường lối đúng đắn không thể có được những thắng lợi vẻ vang đó.

Đường lối cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc do Đại hội III của Đảng (9/1960) đề ra và đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội trên cả nước được xác định tại Đại hội IV của Đảng (12/1976) đã bước đầu thực hiện mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội mà các cương lĩnh trước đây đã đề ra. Quá trình xây dựng đó có những thành công nhưng cũng bộc lộ nhiều khuyết điểm.


Đại hội VI của Đảng (12/1986) đã phân tích những sai lầm, khuyết điểm, yếu kém trong xây dựng chủ nghĩa xã hội và đề ra đường lối đổi mới. Đại hội VII của Đảng (6/1991) đã thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.


Đường lối đổi mới và Cương lĩnh 1991 của Đảng đã đưa sự nghiệp đổi mới - cuộc canh tân vĩ đại trong lịch sử dân tộc không ngừng phát triển,giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Đảng Cộng sản Việt Nam một lần nữa thể hiện trách nhiệm lớn lao trước dân tộc và lịch sử.

Vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng vẫn không ngừng được củng cố, phát triển từ trong bản chất cách mạng, khoa học và tư tưởng, lý luận của Đảng, từ sự đúng đắn và không ngừng hoàn thiện Cương lĩnh, đường lối chính trị, từ sự không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, từ sự rèn luyện, không ngừng theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.


Vị trí lãnh đạo duy nhất của Đảng không bao giờ thay đổi, vì ngoài lợi ích của giai cấp, dân tộc và nhân dân Đảng Cộng sản Việt Nam không có lợi ích nào khác; vì Đảng chính là đội tiên phong của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của cả dân tộc; vì đạo cao nhất của Đảng là vì nước, vì dân.


Hoàn cảnh lịch sử đã tạo dựng vị trí lãnh đạo duy nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam và chính trí tuệ, năng lực lãnh đạo, tổ chức thực tiễn của Đảng đã không ngừng khẳng định, củng cố vị trí đó.

PGS,TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng.
(lược trích)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN