Tự hào chặng đường 70 năm ngôi trường mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại

Suốt 70 năm qua, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh không ngừng nỗ lực phấn đấu, xây dựng và trưởng thành cùng sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Đảng và dân tộc.

Chú thích ảnh
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh của Đảng, Nhà nước cho Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tại Lễ kỷ niệm 65 năm truyền thống (1949 - 2014), ngày 24/9/2014. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN

70 năm qua, trải qua nhiều giai đoạn lịch sử với nhiều tên gọi khác nhau, từ tên gọi ban đầu là Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc, đến Trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương, Trường Đảng Cao cấp Nguyễn Ái Quốc, Học viện Nguyễn Ái Quốc, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh... đến nay, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã trở thành trung tâm quốc gia đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý trung, cao cấp, cán bộ khoa học lý luận chính trị của Đảng, Nhà nước và các đoàn thể chính trị - xã hội. Học viện là trung tâm nghiên cứu khoa học chính trị, khoa học lãnh đạo, quản lý phục vụ giảng dạy, học tập, góp phần quan trọng vào việc cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước, đấu tranh phản bác có hiệu quả các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng, quan điểm, đường lối của Đảng.

Từ chặng đường vẻ vang...

Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh, tuy với những tên gọi khác nhau nhưng bản sắc của Học viện chính là Trường Đảng Trung ương với nhiệm vụ chính là đào tạo cán bộ quản lý trung, cao cấp cho Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị, là trung tâm nghiên cứu khoa học quốc gia hàng đầu về chủ nghĩa Mác - Lênin, lý luận chính trị, tham gia vào quá trình xây dựng đổi mới nội dung chương trình giảng dạy lý luận chính trị của hệ thống trường đảng cả nước. Học viện cũng là nơi đào tạo lực lượng giảng viên vừa sâu sắc về lý luận, vừa am tường về quản lý lãnh đạo; cung cấp luận cứ cho việc hoạch định đường lối chính sách phát triển của Đảng, Nhà nước. Học viện là hạt nhân quan trọng trong quá trình xây dựng hệ thống lý luận chính trị của cả nước.

Từ chỗ có vài chục người khi trường mới thành lập, đến nay, toàn hệ thống Học viện có 2.182 cán bộ, công chức, viên chức và nhân viên; trong đó có: 9 Giáo sư, 187 Phó Giáo sư, 614 tiến sỹ và tiến sỹ khoa học. Với nguồn nhân lực này, Học viện đảm nhiệm được ngày càng tốt hơn chức năng, nhiệm vụ mới.

Học viện đã phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương, các bộ, ban, ngành xây dựng và hoàn chỉnh Đề án bồi dưỡng cán bộ dự nguồn cao cấp của Trung ương. Học viện đã tổ chức 6 lớp bồi dưỡng dự nguồn cán bộ cao cấp chuẩn bị nhân sự cho Đại hội lần thứ XII của Đảng. Trong số đó, 113 đồng chí đã được Đại hội XII bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng (gồm 93 Ủy viên chính thức và 20 Ủy viên dự khuyết); 3 lớp bồi dưỡng Bí thư Huyện ủy, 3 lớp bồi dưỡng ngắn hạn cho học viên Lào; 12 lớp bồi dưỡng chức danh…

Trong năm 2018, Học viện đã phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương tổ chức thành công Lớp bồi dưỡng dành cho các đồng chí là Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương khóa XII và hai lớp dành cho các đồng chí là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương khóa XII. Hiện nay, Học viện đang tiếp tục tổ chức lớp bồi dưỡng kiến thức mới cho cán bộ quy hoạch cấp chiến lược, chuẩn bị nhân sự cho Đại hội XIII của Đảng. 

Những thành tựu nổi bật

Qua các thời kỳ lịch sử, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh ngày nay đã đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo và quản lý chủ chốt của hệ thống chính trị có trình độ lý luận, năng lực tổ chức thực tiễn, có bản lĩnh và phẩm chất cần thiết đáp ứng kịp thời và có hiệu quả những mục tiêu, nhiệm vụ chiến lược của sự nghiệp cách mạng. Dù trong hoàn cảnh khó khăn của những ngày đầu thành lập tại chiến khu Việt Bắc, hay trong những năm tháng chống chiến tranh phá hoại phải sơ tán đến nhiều địa phương, mái trường Đảng vẫn duy trì nhiệm vụ huấn luyện, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt của Đảng, Nhà nước và các đoàn thể chính trị - xã hội.

Đến nay, hàng trăm nghìn cán bộ đã được học tập và rèn luyện từ mái trường này, trở thành nguồn cán bộ quý báu lãnh đạo, tổ chức quần chúng nhân dân viết nên những trang sử vẻ vang của cách mạng Việt Nam, trong đấu tranh giải phóng dân tộc; trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; trong công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế.

Cùng với đó, Học viện thường xuyên đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học và tổng kết thực tiễn, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; cung cấp cơ sở khoa học cho quá trình hoạch định, bổ sung và phát triển quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Trong những năm qua, nhiều cán bộ Học viện đã trực tiếp tham gia nghiên cứu và xây dựng các nghị quyết của Trung ương. Hiện nay, Học viện đã có 23 báo cáo kiến nghị, đề xuất trong xây dựng dự thảo Văn kiện. Một số cán bộ Học viện đang trực tiếp tham gia vào quá trình chuẩn bị các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng.

Học viện không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả toàn diện các mặt công tác. Tổ chức, bộ máy của Học viện ngày càng được kiện toàn theo hướng hệ thống, đồng bộ, dân chủ, kỷ cương, hiệu quả. Học viện tăng cường phân công, phân cấp, phát huy tính chủ động sáng tạo và những lợi thế của các học viện trực thuộc; sự phối hợp giữa các Học viện trực thuộc và giữa Học viện trực thuộc với các đơn vị tại Trung tâm Học viên ngày càng chặt chẽ, hiệu quả… Công tác hợp tác quốc tế được đẩy mạnh, năng động, đa dạng hóa, đa phương hóa các mối quan hệ quốc tế của Học viện, phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ đào tạo cán bộ và nghiên cứu khoa học. 

Nâng tầm vị thế trường Đảng Trung ương

Chú thích ảnh
GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu khai giảng năm học mới 2019 - 2020, sáng 5/9/2019. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 19/5/2018, của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII về “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ” đã khẳng định quan điểm: Cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng; xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, là công việc hệ trọng của Đảng, phải được tiến hành thường xuyên, thận trọng, khoa học, chặt chẽ và hiệu quả; đầu tư xây dựng đội ngũ cán bộ là đầu tư cho phát triển lâu dài, bền vững. 

Tại Lễ khai giảng năm học 2019 - 2020 của Học viện, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đã đề nghị Học viện cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và toàn diện, các hoạt động đào tạo, nghiên cứu, tham mưu chủ trương, chính sách của Học viện phải thể hiện rõ tầm vóc, trí tuệ, bản sắc, vai trò, vị thế, tầm quan trọng của ngôi trường có bề dày và cao cấp nhất của Đảng ta; thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, góp phần khắc phục căn bệnh ngại học, lười học tập lý luận chính trị. Đồng thời, tạo môi trường thúc đẩy khuyến khích đổi mới, sáng tạo trong học tập, nghiên cứu trên toàn hệ thống Học viện; tăng cường hợp tác quốc tế, tích cực xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên biết làm việc trong môi trường quốc tế ngày càng nhiều hơn.

Trong công tác đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo cán bộ, Học viện cần tập trung bám sát cương lĩnh, điều lệ, các chủ trương, nghị quyết của Đảng, Nghị quyết Đại hội XII của Đảng lvà các nghị quyết Trung ương từ đầu khóa đến nay; chú trọng rèn luyện lập trường tư tưởng chính trị, đạo đức, tác phong, lối sống, nâng cao bản lĩnh chính trị, nhân sinh quan cách mạng. Đồng thời, Học viện cần bám sát vào 2 trọng tâm, 5 đột phá của Nghị quyết Trung ương 7 khóa XII về xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất năng lực và uy tín ngang tầm với nhiệm vụ.

Cùng với Ban Tổ chức Trung ương, các cơ quan có liên quan, Học viện cần chủ động, tích cực tham mưu nội dung chương trình bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo quản lý thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý; tiếp tục hoàn thiện nội dung phương pháp đào tạo với phương châm: “Lấy học viên làm trung tâm, giảng viên là động lực, nhà trường là nền tảng”; tăng cường công tác giám sát, kiểm tra nghiêm minh, đảm bảo tuyển sinh đúng đối tượng, đủ điều kiện tiêu chuẩn. Bên cạnh đó, Học viện đóng vai trò tích cực, hiệu quả trong việc tham gia chuẩn bị nội dung các văn kiện trình Đại hội Đảng lần thứ XIII. 

Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng cho biết, thời gian tới, Học viện thực hiện đổi mới, sáng tạo, trước hết về nội dung, chương trình, hình thức, phương thức và phương pháp đào tạo, bồi dưỡng; giải quyết đồng bộ yêu cầu mở rộng quy mô đào tạo, nâng cao chất lượng, hiệu quả và những điều kiện bảo đảm những yêu cầu đó, nhất là nguồn nhân lực. Đồng thời, Học viện tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và toàn diện công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo hướng thực hiện việc trang bị tri thức đi liền với nâng cao kỹ năng, rèn luyện đạo đức cách mạng; nghiên cứu, giáo dục lý luận gắn với thực tiễn, bám sát thực tiễn phục vụ mục tiêu phát triển đất nước và thông qua tổng kết thực tiễn để phát triển lý luận; nắm vững và phát triển lý luận Mác - Lênin kết hợp với nắm bắt thấu đáo và có phê phán các lý thuyết phát triển hiện đại; đổi mới công tác quản lý đào tạo cho phù hợp với quy mô to lớn và các loại hình đào tạo rất đa dạng hiện nay...

Cùng với đó, Học viện nghiên cứu sâu sắc và có hệ thống các tác phẩm kinh điển của chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nghiên cứu và nắm vững quan điểm, đường lối của Đảng; tổng kết thực tiễn, trước hết là thực tiễn kinh tế - xã hội và chính trị trong nước và quốc tế thông qua hệ thống các chương trình, đề án, đề tài... Thông qua các hoạt động ấy, đội ngũ cán bộ và học viên của Học viện có điều kiện hiểu sâu thực tế xã hội, tình hình đất nước và thế giới, hiểu biết những vấn đề của thời đại và thế giới đương đại, từng bước nâng cao tư duy chiến lược - những tố chất rất cần thiết của những nhà lãnh đạo, quản lý trong thời đại kinh tế tri thức và toàn cầu hóa hiện nay.

Học viện tích cực thực hiện tốt Đề án Xác định vị trí việc làm, biên chế, cơ cấu công chức viên chức theo ngạch, chức danh phù hợp, Đề án Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ Học viện giai đoạn 2017-2025 và tầm nhìn đến năm 2030, sớm khắc phục tình trạng hẫng hụt về cán bộ quản lý, cán bộ giảng dạy, nghiên cứu, xây dựng đội ngũ chuyên gia đầu ngành về các lĩnh vực lý luận chính trị của Học viện; chú trọng hợp tác quốc tế, củng cố quan hệ với các đối tác truyền thống, đồng thời năng động phát triển quan hệ với các đối tác mới nhằm tiếp cận kịp thời với những thành tựu mới của các khoa học chính trị, hành chính, khoa học xã hội và khoa học giáo dục hiện đại.

70 năm qua, được sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự quan tâm của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước qua các thời kỳ, Học viện đã nỗ lực phấn đấu, xây dựng và trưởng thành cùng sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Đảng và dân tộc. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã vinh dự được trao tặng nhiều phần thưởng và danh hiệu cao quý của Đảng, Nhà nước như: Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Sao Vàng, Anh hùng Lao động và nhiều danh hiệu cao quý khác.

Thu Phương (TTXVN)
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: Đổi mới mạnh mẽ, nâng cao chất lượng đào tạo cán bộ
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: Đổi mới mạnh mẽ, nâng cao chất lượng đào tạo cán bộ

Sáng 5/9, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Lễ khai giảng năm học 2019-2020. Lễ khai giảng được tổ chức trực tuyến với 5 điểm cầu là 5 đơn vị trực thuộc Học viện.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN