Tỉnh Mie của Nhật Bản mong muốn tăng cường hợp tác với Việt Nam

Thống đốc tỉnh Mie, ông Eikei Suzuki đã bày tỏ mong muốn tăng cường hợp tác với Việt Nam trên nhiều lĩnh vực, góp phần phát triển hơn nữa quan hệ hữu nghị hai nước Việt Nam-Nhật Bản.

Tuyên bố trên được Thống đốc tỉnh Mie đưa ra nhân chuyến thăm của Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Nguyễn Quốc Cường đến tỉnh này, diễn ra từ ngày 9-11/4.

Đại sứ Nguyễn Quốc Cường trao đổi với lãnh đạo tỉnh Mie.

Phát biểu trong cuộc gặp Đại sứ Nguyễn Quốc Cường, Thống đốc Suzuki hoan nghênh đoàn công tác của Đại sứ quán tới làm việc với tỉnh. Thống đốc cũng bày tỏ niềm tự hào về việc tỉnh Mie được lựa chọn là nơi tổ chức các Hội nghị cấp cao Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển hàng đầu (G-7) và Cấp cao mở rộng vào ngày 25 và 26/5 tới đây.

Thống đốc bày tỏ sự mong muốn được đón chào lãnh đạo các nước, trong đó có lãnh đạo Việt Nam để thể hiện lòng mến khách và giới thiệu các tiềm năng hợp tác của tỉnh.

Trong khuôn khổ chuyến thăm tỉnh Mie, Đại sứ Nguyễn Quốc Cường cũng đã gặp gỡ Chủ tịch Hội đồng tỉnh Nakamura Shinichi, Hội Hữu nghị với Việt Nam và một số doanh nghiệp của tỉnh.

Cả Thống đốc và Chủ tịch Hội đồng tỉnh bày tỏ tình cảm tốt đẹp tới đất nước và người dân Việt Nam và gửi lời chúc mừng tới ban lãnh đạo mới của Việt Nam. Hai quan chức này khẳng định Nhật Bản đánh giá cao vị thế và tiềm năng của Việt Nam.

Trên cơ sở đó, tỉnh Mie rất mong muốn mở rộng hợp tác với các địa phương của Việt Nam trên các lĩnh vực thương mại và đầu tư, y tế, đào tạo nguồn nhân lực, giao lưu nhân dân và du lịch. Đại sứ Nguyễn Quốc Cường khẳng định sẵn sàng làm cầu nối và hỗ trợ tỉnh trong việc tăng cường hợp tác với các địa phương Việt Nam trong những lĩnh vực nêu trên.

Mie là một tỉnh nằm ở bờ biển phía Đông Nam miền Trung đảo lớn Honshu của Nhật Bản, với dân số 1,8 triệu người. Tỉnh có quy mô Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) khoảng 71 tỷ USD/năm, với các thế mạnh về thủy hải sản, công nghiệp (thiết bị và máy vận tải, điện tử, hóa chất, y tế…), công nghệ môi trường và du lịch.

Nhật Bản ngày càng thu hút du học sinh Việt Nam

Số liệu thống kê mới nhất của Tổ chức hỗ trợ sinh viên tại Nhật Bản cho biết tính đến ngày 1/5/2015, Việt Nam có số du học sinh cao thứ hai tại Nhật Bản, sau Trung Quốc.

Tổng số du học sinh nước ngoài tại Nhật Bản tính đến thời điểm trên là 208.379 người, tăng 13,2% so với cùng kỳ năm 2014. Trung Quốc vẫn là quốc gia có số du học sinh đông nhất tại Nhật Bản với 94.111 người, gần như không thay đổi so với năm 2014.


Trong khi đó, du học sinh từ hai quốc gia Việt Nam và Nepal tăng vọt trong năm 2015. Số du học sinh Việt Nam tăng 47,1% lên tới 38.882 người. Số du học sinh Nepal tại Nhật Bản tăng 55,5% lên 16.250 người.

Một quan chức Bộ Giáo dục Nhật Bản cho biết các doanh nghiệp Nhật Bản đang mở rộng hoạt động đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam, dẫn tới gia tăng sự quan tâm của người Việt Nam đối với Nhật Bản. Một số trường tiểu học tại Việt Nam bắt đầu có chương trình dạy tiếng Nhật.

Theo bộ phận phụ trách du học sinh của Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, Nhật Bản hiện là quốc gia có nhiều du học sinh Việt Nam nhất, vượt qua Mỹ, quốc gia từng đứng đầu về số du học sinh Việt Nam với khoảng 29.000 du học sinh tính đến tháng 3/2016.

Trong khi đó, theo chiều ngược lại, Bộ Giáo dục Nhật Bản cho biết có 55.350 công dân Nhật Bản du học trung hạn hoặc dài hạn ở nước ngoài trong các chương trình trao đổi. Mỹ vẫn là điểm đến ưa thích nhất của các du học sinh Nhật Bản với 19.334 người. Trung Quốc đại lục có số du học sinh Nhật Bản đông thứ hai với 17.226 người. Tiếp theo là vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) với 5.978 người và Anh với 3.071 người.

Tin, ảnh: Nguyễn Tuyến (P/v TTXVN tại Nhật Bản)
Chiến hạm Nhật Bản cập cảng Cam Ranh thăm Việt Nam
Chiến hạm Nhật Bản cập cảng Cam Ranh thăm Việt Nam

Ngày 12/4, hai tàu huấn luyện thuộc lực lượng tự vệ trên biển Nhật Bản gồm tàu JS ARIAKE và JS SETOGIRI đã cập cảng quốc tế Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa, bắt đầu chuyến thăm hữu nghị Việt Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN