Tiến trình đối thoại Mỹ - Triều Tiên có những bước tiến quan trọng

Tiến trình đối thoại giữa hai bên Mỹ - Triều Tiên cũng như tiến trình hòa bình trên bán đảo Triều Tiên tuy còn gặp nhiều khó khăn, có thể chưa tiến triển nhanh như chúng ta mong muốn, nhưng rõ ràng là có những bước tiến triển quan trọng.

Đó là nhận định của Đại sứ Nguyễn Phú Bình, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao khi trao đổi với báo chí về triển vọng của Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần 2 tại Hà Nội. 

Chú thích ảnh
Hà Nội đang làm tất cả vì sự thành công của Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần 2. Ảnh: Lê Phú/Báo Tin tức

Ông đánh giá như thế nào về triển vọng của Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên tại Hà Nội lần này?

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ nhất diễn ra tại Singapore đã đánh dấu kết thúc thời kỳ đối đầu căng thẳng và mở ra một trang mới trong quan hệ hai nước cũng như tình hình bán đảo Triều Tiên với những điểm mang tính nguyên tắc.

Từ đó đến nay, tiến trình đối thoại giữa hai bên Mỹ - Triều Tiên cũng như tiến trình hòa bình trên bán đảo Triều Tiên tuy còn gặp nhiều khó khăn, có thể chưa tiến triển nhanh như chúng ta mong muốn, nhưng rõ ràng là có những bước tiến triển quan trọng. Lợi ích của hai bên Mỹ - Triều Tiên có thể còn nhiều khác biệt, nhưng trong ngoại giao, điều quan trọng là tìm được mẫu số chung về lợi ích. Một trong những mẫu số chung đó là cả hai bên Mỹ - Triều Tiên đều thực sự có nhu cầu tạo chuyển biến thực chất. Nếu không, họ đã không tiến hành đàm phán với nhau ở cấp cao nhất.

Từ thực tế đó, có thể thấy rõ chắc chắn sẽ có tiến triển tốt trong cuộc họp thượng đỉnh Hà Nội, với những kết quả cụ thể hơn. Chẳng hạn, Triều Tiên sẽ có bước tiến mới trong việc giải trừ hạt nhân, còn Mỹ có thể công bố một số biện pháp nới lỏng trừng phạt Triều Tiên. Mặc dù chưa thể tiến ngay đến Hiệp ước hòa bình vì còn liên quan đến nhiều bên khác, nhưng có thể có tuyên bố khẳng định chấm dứt tình trạng chiến tranh giữa hai nước. Chắc chắn, hai bên sẽ khẳng định tiếp tục các cuộc họp thượng đỉnh trong tương lai. Tiến trình này có thể còn rất nhiều khó khăn, trở ngại và còn kéo dài. Nhưng cánh cửa đối thoại đã mở ra sẽ khó lòng có thể khép lại.

Nếu Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần 2 tại Hà Nội thành công trong việc mở ra một lộ trình tiến tới hòa bình trên bán đảo Triều Tiên, liệu chúng ta có thể kỳ vọng vào một “Tiến trình hòa bình mang tên Hà Nội”, thưa ông?

Việc Triều Tiên và Mỹ lựa chọn Hà Nội là địa điểm đến cho Hội nghị thượng đỉnh lần 2 trước hết thể hiện sự tin cậy của hai nước đối với Việt Nam và cũng chứng minh uy tín và vị thế của Việt Nam ở khu vực và trên thế giới.

Như lời Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã chỉ ra, các nước lựa chọn Việt Nam vì chúng ta có những chính sách đóng góp cho hòa bình và ổn định ở khu vực và trên thế giới. Cái lợi đối với uy tín và vị thế của đất nước là lớn nhất.

Cái lợi thứ hai đem lại cho Việt Nam là với khoảng 3.000 phóng viên nước ngoài đến Hà Nội, với mọi luồng thông tin, truyền thông sẽ xoay quanh sự kiện thượng đỉnh, Việt Nam thực sự là tâm điểm quan trọng nhất của thế giới trong những ngày này. Thế giới sẽ biết đến Việt Nam và Thủ đô Hà Nội thanh bình với những nét văn hóa cổ kính đan xen với sự phát triển hiện đại, hình ảnh về những người dân hiền hòa, cởi mở, mến khách… chắc chắn sẽ làm cho Việt Nam nổi tiếng hơn, thu hút nhiều du khách hơn.

Điểm thứ ba là về công tác tổ chức. Nhiều nước có thể tổ chức những hội nghị hay sự kiện quốc tế lớn, nhưng người ta thấy ở Việt Nam quyết tâm và năng lực tổ chức cao, mặc dù chưa phải là một nước phát triển. Chỉ trong vòng 10 ngày mà hàng nghìn đầu việc lớn đã được thực hiện. Đó là sự thần kỳ. Điều đó cũng nói lên một khi Việt Nam đã quyết tâm thì chúng ta có thể làm được.

Tới đây, chúng ta hoàn toàn có thể hy vọng Hà Nội không chỉ nổi danh xứng đáng với danh hiệu “Thành phố vì hòa bình” mà còn là địa danh “kiến tạo hòa bình”. Không chỉ Hà Nội và các địa danh khác trên khắp cả nước cũng có thể đóng vai trò này, đưa Việt Nam trở thành một địa chỉ đáng tin cậy ở khu vực cho du lịch, tổ chức các sự kiện lớn, đồng thời cũng là nơi những nỗ lực hòa giải có thể diễn ra.

Điều tôi muốn nói thêm là sự kiện thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần này cũng đem lại cho chúng ta những bài học. Chúng ta phải nỗ lực rất cao mới đem lại kết quả. Tôi rất tâm đắc với những chỉ đạo quyết liệt và sát sao của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trong những ngày qua đối với công tác tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh này. Không chỉ chuẩn bị tốt về nội dung, ngoại giao, lễ tân, mà chúng ta phải nâng cấp cơ sở hạ tầng, giữ gìn bộ mặt đô thị trật tự, an toàn, khang trang, sạch đẹp, nâng cao ý thức văn minh, lịch sự, hiếu khách, nâng cao chất lượng du lịch. Đây là những cơ hội lớn không thể bỏ lỡ, đồng thời có thể là cú hích thúc đẩy chúng ta chuyển mình. Nên cố gắng làm sao để sự chuyển mình này trở thành thường xuyên.

Tôi tin rằng, với uy tín quốc tế cao kinh nghiệm phong phú tổ chức nhiều hội nghị quốc tế lớn và đón tiếp nhiều nguyên thủ quốc gia, trong đó có lãnh đạo những nước có vị trí hàng đầu thế giới, đạt sự đông thuận và hiệu quả chính trị cao, đảm bảo an toàn tuyệt đối, thành công của cuộc họp thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần này sẽ đưa Hà Nội và Việt Nam trở thành một trong những địa điểm ưu tiên không chỉ cho tiến trình hòa bình và phát triển cho bán đảo Triều Tiên, mà cho cả việc giải quyết nhiều vấn đề phức tạp khác của khu vực và trên thế giới.

Trân trọng cảm ơn ông!

Phương Hà/TTXVN (thực hiện)
Những dự báo về Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần 2
Những dự báo về Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần 2

Các vấn đề hàng đầu trong chương trình nghị sự của Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần 2 (diễn ra trong 2 ngày 27 và 28/2/2019 tại Việt Nam) dự kiến sẽ là lộ trình phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên và nới lỏng các biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN